VnReview
Hà Nội

Cơ hội cho startup Việt phát triển sản phẩm, dịch vụ 5G với sự hỗ trợ của Qualcomm

Vừa qua, Qualcomm đã mở phòng Labs (phòng thí nghiệm) tại Hà Nội để mở rộng sản xuất chipset 5G, cung cấp dịch vụ kiểm thử cho VinSmart, BKAV, Viettel và VNPT.

Các startup tham gia Cuộc thi "Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2020" (QVIC 2020) có thể sử dụng các phòng lab của Qualcomm trong quá trình phát triển, kiểm tra, kiểm định sản phẩm. Thông tin được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến "Tầm nhìn phát triển 5G ở Việt Nam" do Tập đoàn Qualcomm tổ chức.

Việt Nam trên con đường phát triển 5G

Tại hội thảo, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho phép các doanh nghiệp VNPT, Viettel, Mobifone triển khai thử nghiệm 5G tại địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng trên tần số 2.6 GHz, 3.6 GHz, 26 GHz với tốc downlod 2 Gbps, Upload 120 Gbps.

So với tốc độ về lý thuyết còn có những khoảng cách nhất định, nhưng đã có sự khác biệt giữa mạng 4G và 5G, đây là nền tảng quan trọng cho phát triển 5G tại Việt Nam. Thời gian tới, Việt Nam sẽ xây dựng mô hình kinh doanh, hệ sinh thái cho mạng 5G; thử nghiệm với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất các thiết bị tại Việt Nam; thử nghiệm các dịch vụ mới IoT.

Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, Việt Nam hướng tới trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, hạ tầng băng thông rộng cáp quang phủ trên 80%; hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G.

Trước mắt, trong năm 2020, Việt Nam sẽ thử nghiệm 5G với băng tần số mới, dịch vụ mới; khuyến khích thử nghiệm có cung cấp dịch vụ tới người dùng với những tính năng vượt trội 5G. Ngoài ra, Việt Nam cũng thúc đẩy điện thoại thông minh; xây dựng các hành lang pháp lý và chính sách để cấp phép 5G.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Việt Nam đang thực hiện Chương trình Make in Việt Nam, sản xuất thiết bị 5G với các sản phẩm, ứng dụng phục vụ chuyển đối số quốc gia. Mong muốn Qualcomm với thế mạnh của mình, sẽ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình. Trong đó, Cuộc thi QVIC 2020 là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tiếp cận các chipset của Qualcomm, khả năng xây dựng các ứng dụng trên nền chipset, bản quyền của Qualcomm phục vụ cho các ngành, lĩnh vực đa dạng ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, Việt Nam đã và đang xây dựng các chính sách để thu hút các doanh nghiệp công nghệ, trong đó có Tập đoàn Qualcomm. Qualcomm Việt Nam thành lập năm 2003, nhưng đến nay đã đạt được thành quả ấn tượng, là động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.

Qualcomm hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển 5G

Công nghệ 5G dựa trên tốc độ siêu băng rộng với khả năng hỗ trợ cho triển khai IoT lớn hơn nhiều so với hiện nay. Công nghệ 5G sẽ tạo ra những dịch vụ mới mà 4G không thực hiện được như y tế trực tuyến, ô tô tự lái… Vai trò của dịch vụ điện toán đám mây sẽ được nâng cao như video streaming với độ phân giải cao.

Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam chia sẻ, thế giới đang triển khai 5G rất mạnh mẽ và Qualcomm cũng đang tích cực thực hiện. Hiện có khoảng 60 nhà mạng trên 30 quốc gia đã triển khai và thương mại 5G; 380 nhà mạng bắt đầu đầu tư vào công nghệ 5G. Ngoài ra, việc hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho thiết bị 5G cũng có rất nhiều, khoảng 375 thiết bị 5G đã được thương mại hóa và đang trong quá trình phát triển. Những thương hiệu lớn về điện thoại cũng như thiết bị đầu cuối đều có sản phẩm cho 5G. Qualcomm cũng cung cấp rất nhiều bản quyền, chipset cho thiết bị đầu cuối phục vụ 5G.

Với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, QVIC 2020 với mục tiêu phát triển hệ sinh thái công nghệ đang phát triển của Việt Nam, tập trung thiết kế các sản phẩm ở 5G, IoT, trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh, thiết bị đeo được và đa phương tiện sử dụng các nền tảng và công nghệ di động Qualcomm® và có thể hưởng lợi từ chuyên môn của Qualcomm trong một số lĩnh vực.

Tiến sỹ ATrần Mỹ An, Giám đốc Kỹ thuật cao cấp của Qualcomm phát biểu tại lễ phát động cuộc thi QVIC tháng 12/2019 tại Hà Nội.

Tiến sỹ Trần Mỹ An, Giám đốc Kỹ thuật cao cấp của Qualcomm cho rằng, những ý tưởng tuyệt với nhất về công nghệ là từ khởi nghiệp. Chính vì vậy, Qualcomm đã thực hiện Cuộc thi "Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2020" (QVIC), nhằm tìm kiếm và nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Việc lựa chọn các lĩnh vực này vì phù hợp với Việt Nam và cũng là thế mạnh công nghệ của Qualcomm.

Tháng 6 vừa qua, Qualcomm đã mở phòng thí nghiệm mới tại Việt Nam để mở rộng sản xuất chipset 5G, cung cấp dịch vụ kiểm thử cho VinSmart, BKAV, Viettel và VNPT. Phòng thí nghiệm sản xuất chipset 5G mới của công ty này sẽ được đặt tại Hà Nội với 3 cơ sở phụ khác nhau, đóng vai trò phát triển các công nghệ di động mới của Qualcomm.

Ông Thiều Phương Nam cho biết: "Khi các doanh nghiệp khởi nghiệp được chọn vào danh sách rút gọn, Qualcomm sẽ hỗ trợ để sản phẩm của doanh nghiệp được sử dụng phòng lab của Qualcomm tại Hà Nội trong quá trình phát triển, kiểm tra, kiểm định sản phẩm. Nếu công ty không nằm ở Hà Nội, chúng tôi sẽ hỗ trợ đưa các sản phẩm của các bạn ra phòng lab ở Hà Nội và hỗ trợ các chi phí cần thiết liên quan việc đó

Cuộc thi QVIC 2020 có tổng giá trị giải thưởng lên tới 375.000 USD. Ban giám khảo sẽ chọn ra 3 đội thi xuất sắc nhất để trao tiền thưởng và hỗ trợ sau Thử thách từ Qualcomm Technologies. Tối đa 10 công ty lọt vào danh sách sẽ nhận được khoản tài trợ 10.000 USD mỗi công ty để hỗ trợ ươm tạo.

Kết thúc thời gian ươm tạo, ba đội thi lọt vào vòng chung kết sẽ nhận thêm tiền thưởng lần lượt là 100.000 USD, 75.000 USD và 50.000 USD. Qualcomm Technologies sẽ không yêu cầu bất kỳ quyền sở hữu vốn hoặc sở hữu trí tuệ nào để đổi lấy hỗ trợ tài chính này.

Nhằm tạo điều kiện có các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia Cuộc thi, Qualcomm quyết định điều chỉnh kéo dài thời gian đăng ký dự thi đến 30/9/2020. Giai đoạn sơ tuyển sẽ diễn ra vào tháng 11/2020; giai đoạn ươm tạo thực hiện từ tháng 11/2020 đến 8/2021. Vòng chung kết sẽ diễn ra cuối năm 2021.


Tiến Lực

Chủ đề khác