VnReview
Hà Nội

Đông Nam Á đua nhau “mời chào” các nhà sản xuất tháo chạy khỏi Trung Quốc

Động thái tháo chạy hàng loạt của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc hứa hẹn sẽ trở thành cơ hội ngàn vàng mà các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cần phải nắm bắt càng sớm càng tốt.

Mới đây khi Tổng thống Indonesia, Joko Widodo chia sẻ về khu công nghiệp mới Batang trên đảo Java, ông đã gửi đi một thông điệp tới thế giới rằng, "quốc gia vạn đảo" đã sẵn sàng mở cửa kinh doanh. Ông Widodo chia sẻ: "Chúng tôi muốn các công ty từ Trung Quốc và cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ và bất cứ quốc gia nào trên thế giới tới đây đầu tư".

Theo nhật báo Nikkei, Đông Nam Á đang dần trở thành địa điểm thu hút đầu tư sôi động và hấp dẫn bậc nhất trên thế giới sau Trung Quốc. Sự trỗi dậy của khu vực Đông Nam Á phần lớn nhờ việc nhiều công ty đa quốc gia đang điều chỉnh lại chuỗi cung ứng sau khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực sản xuất và kinh doanh của họ.

Tất nhiên để mời gọi các nhà đầu tư đến đây, các quốc gia Đông Nam Á đã đưa ra hàng loạt ưu đãi hấp dẫn để mời chào các công ty chuyển nhà máy từ Trung Quốc về các quốc gia này. Nhưng với việc Liên Hợp Quốc dự báo, đầu tư nước ngoài vào các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á sẽ giảm tới 45% trong năm nay. Nguyên nhân chủ yếu do tác động của đại dịch thì có lẽ các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải cạnh tranh nhau khốc liệt để tìm được miếng bánh ngon nhất.

Đó cũng là định hướng của Indonesia và như lời của ông Widodo chia sẻ: "Nếu các quốc gia khác mời mọc với lời hứa 1 triệu ha đất thì chúng tôi có thể cung cấp khoảng 500 ngàn ha đất".

Indonesia có kế hoạch thành lập 19 khu công nghiệp mới trước năm 2024. Quốc gia này cũng đang cắt giảm thuế suất doanh nghiệp từ 25% xuống 22% trong năm nay nhằm đón đầu dòng tiền đầu tư. Thậm chí Indonesia còn có kế hoạch cắt giảm xuống 20% vào năm 2022, tức sớm hơn 1 năm so với kế hoạch trước đó.

Các quốc gia Đông Nam Á khác… đâu chịu ngồi yên

Nhưng tất nhiên Indonesia tiến lên không có nghĩa các quốc gia Đông Nam Á khác chịu ngồi yên. Mới đây, ủy ban đầu tư Thái Lan đã chấp thuận các ưu đãi mới cho nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hôm 17/6 vừa qua. Động thái này của Thái Lan được cho nhằm đón lõng các công ty nước ngoài chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận.

Hay như Malaysia cũng đã đề xuất miễn thuế 15 năm cho các nhà sản xuất mới chịu đầu tư trên 117 triệu USD vào nước này.

Trong khi đó, Myanmar sẽ ưu tiên sàng lọc các khoản đầu tư theo kế hoạch từ các công ty quốc tế. Việt Nam mặt khác mới đạt được thỏa thuận hợp tác kinh tế với EU nên khả năng hút vốn đầu tư từ các công ty Châu Âu muốn chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc rất cao.

Các nước Đông Nam Á dùng mọi chiêu thức "ganh đua" để thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Đại dịch Covid-19 vừa qua đã phơi bày rất nhiều vấn đề liên quan đến sự phụ thuộc của các quốc gia đối với công xưởng sản xuất của thế giới – Trung Quốc.

Vào thời điểm đại dịch hoành hành, Trung Quốc lại trở thành quốc gia cung cấp khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế hàng đầu. Nhưng tất nhiên, cái giá của việc phụ thuộc vào Trung Quốc là không đủ hàng, khan hiếm và loay hoay trong việc tìm các đối tác thay thế.

Đó là lý do Widodo kêu gọi các công ty hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Mỹ để tâm tới việc mở nhà máy sản xuất và cửa hàng ở Indonesia. Lời kêu gọi này được đưa ra trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đáp lại phía Indonesia cam kết sẽ ra các ưu đãi thuế đối với các nhà sản xuất thiết bị y tế.

Hay như ở Thái Lan, xứ sở chùa vàng đang xem xét gia hạn giảm thuế cho các công ty đầu tư vào thiết bị y tế và sản xuất thuốc nhằm thu hút dòng vốn đầu tư mạnh cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận thấy rằng, động thái này của Thái Lan hay bất kỳ các quốc gia Đông Nam Á nào khác chỉ xuất hiện khi hàng loạt các công ty Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản đang xem xét chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc để tránh sự phụ thuộc và những bất ổn tiềm tàng ở Trung Quốc.

Một chi tiết cũng cần phải nhắc đến, đó là Nhật Bản đã phê duyệt gói ngân sách bổ sung 219 triệu USD dành cho các công ty đang có ý định chuyển dây chuyền sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á và khu vực khác.

Nhiều chuyên gia phân tích nhìn nhận rằng, Nhật Bản và Mỹ nên hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á để tạo ra một chuỗi cung ứng mới, nhằm dần thoát ly khỏi Trung Quốc và tránh tình trạng Trung Quốc sử dụng các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nước ngoài để làm công cụ ngoại giao và gây sức ép khi cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay.

Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn nhưng quan trọng là phải… nhanh

Cơ hội đón đầu các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy từ Trung Quốc đang hiển hiện rõ hơn bao giờ hết với Việt Nam. Cụ thể từ tháng 3, nhà sản xuất tai nghe cho Apple là Luxshare; ICT đã tăng cường các đơn hàng mới và tuyển dụng thêm hàng ngàn nhân viên. Một số công ty có tiếng khác như Google hay Microsoft cũng đang lên kế hoạch chuyển một số dây chuyền sản xuất phần cứng sang Việt Nam trong thời gian tới.

Chưa kể Mỹ cũng lựa chọn Việt Nam vào trong bộ tứ mở rộng gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ. Sự xuất hiện của Việt Nam trong nhóm này sẽ mang tới một luồng gió mới và góp phần xây dựng mạng lưới kinh tế thịnh vượng, đồng thời dần chuyển dịch chuỗi ứng khỏi Trung Quốc và giảm tối đa rủi ro.

Việt Nam được hưởng lợi lớn từ làn sóng dịch chuyển nhưng quan trọng là phải nắm bắt được càng sớm càng tốt

Hồi đầu tháng 6 vừa qua, giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC) cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ là đối tác ưu tiên hàng đầu trong chuỗi cung ứng của Mỹ trong thời gian tới.

Nhưng như đã nói ở trên, dù Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và thuận lợi về mặt địa lý để di chuyển dây chuyền sản xuất hay các ưu đãi hấp dẫn nhưng các quốc gia khác trong khu vực không phải không có các lợi thế riêng, nhất là các đối thủ sừng sỏ như Thái Lan, Indonesia và xa hơn ở Nam Á là Ấn Độ.

Lợi thế của các quốc gia này là trình độ nhân lực cao, ưu đãi hấp dẫn và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho hoạt động logistic tốt.

Vậy Việt Nam có thể làm gì để thu hút đầu tư từ làn sóng dịch chuyển này? Câu trả lời có lẽ nằm ở các quyết sách rốt ráo đến từ chính phủ. Trước hết là sự chủ động tìm kiếm quỹ đất sạch, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho các nhà đầu tư và thứ hai là chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để đón đầu cơ hội.

Ngoài ra các vấn đề Việt Nam vẫn cần hoàn thiện thêm, đó là logistic hay các thủ tục đầu tư, hành chính rườm rà. Trên hết cần tạo môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Tiến Thanh

Chủ đề khác