VnReview
Hà Nội

Bangladesh đưa Internet về làng bằng xe đạp

Cách đây mấy năm, chị Amina Begum chưa bao giờ nhìn thấy máy tính, nhưng giờ đây chị thường xuyên dùng Skype để nói chuyện với chồng. Một phụ nữ đã đạp xe đạp để mang Internet đến cho chị.

Theo hãng tin AP, hàng chục chiếc xe đạp "Info Ladies" đã đến các bản làng xa xôi của Bangladesh cùng với laptop và Internet, giúp hàng chục ngàn người – đặc biệt là phụ nữ - tiếp cận mọi thứ từ các dịch vụ chính phủ đến việc nói chuyện (chat) với người thân ở xa. Những chiếc xe đạp đã trở thành một dịch vụ thiết yếu tại một đất nước có 152 triệu dân nhưng chỉ có 5 triệu người được tiếp cận với Internet.

Dự án Info Ladies ra đời năm 2008 do nhóm phát triển địa phương D.Net và các tổ chức cộng đồng khác sáng lập, sau chương trình giúp phổ cập ĐTDĐ tại Bangladesh. Dự án này dự định đưa hàng ngàn công nhân ở Bangladesh đến với các quỹ mới thành lập của những người Bangladesh đang làm việc ở nước ngoài và ngân hàng trung ương ở Nam Á đang hoạt động khắp thế giới.

Bangladesh đưa Internet đến các làng quê bằng xe đạp (ảnh AP)

D.Net tuyển dụng các phụ nữ và đào tạo họ trong 3 tháng sử dụng máy tính, Internet, máy in và camera. Họ sắp xếp các khoản vay ngân hàng để phụ nữ mua xe đạp và thiết bị. "Bằng cách này chúng tôi đang mang công ăn việc làm đến cho những người phụ nữ không có việc làm, đồng thời giúp người dân ở các làng, bản cập nhật thông tin", Ananya Raihan, giám đốc điều hành của D.Net nói.

Những người phụ nữ này hầu hết chưa tốt nghiệp đại học, xuất thân trong các gia đình nông thôn trung lưu. Họ không mang Internet miễn phí đến cho người dân. Chị Begum trả 200 takas (tiền Bangladesh, tương đương 2,40 USD) mỗi giờ để chat Skype với người chồng đang làm việc tại Ả Rập Xê Út.

Begum mỉm cười xấu hổ khi khuôn mặt tươi vui của chồng xuất hiện. Sử dụng tai nghe, cô vui mừng nói với chồng đã nhận được số tiền anh gửi ttháng trước. Thậm chí người mẹ chồng đã già của Begum giờ cũng dùng Skype để nói chuyện với con trai.

"Chúng tôi thích dùng Skype hơn ĐTDĐ, bởi như thế này chúng tôi có thể nhìn thấy mặt anh ấy trên màn hình", Begum nói. Ngôi làng nhỏ chuyên nghề làm nông của cô ở quận Gaibandha, cách 120 dặm (192 km) so với thủ đô Dhaka.

Ở ngôi làng bên Saghata, một cô bé 16 tuổi cũng đang kết nối vào mạng xã hội. "Tôi không có máy tính, nhưng khi Info Ladies đến, tôi dùng laptop của họ để chat với những người bạn trên Facebook của tôi", cô gái nói. "Chúng tôi trao đổi bài học ở lớp và thỉnh thoảng thảo luận các vấn đề xã hội, như tác hại của việc kết hôn quá sớm, chuyện của hồi môn hay lạm dục bé gái".

Info Ladies cũng cung cấp một số dịch vụ xã hội – một số mất phí và một số có thu phí. Họ nói chuyện với các cô gái vị thành niên về chăm sóc sức khoẻ và các chủ đề nhạy cảm như vệ sinh phụ khoa, ngừa thai và HIV. Họ giúp người dân tìm kiếm các dịch vụ chính phủ, gửi những lời phàn nàn đến các cơ quan chính quyền. Họ cũng nói chuyện với các nông dân về cách sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu. Với mức phí 10 taka (24 cent hoặc khoảng 5 nghìn đồng), họ giúp sinh viên điền vào các mẫu đơn trực tuyến của trường đại học. Họ thậm chí còn hướng dẫn cách thử máu và đo lượng đường.

Ý tưởng về Info Ladies đến từ người đạt giải Nobel, Muhammad Yunus. Năm 2004, Muhammad Yunus đã giới thiệu ĐTDĐ đến với những người phụ nữ ở nông thôn, bằng cách đào tạo và gửi các "Mobile Ladies" đến các làng mạc. Dự án thành công rực rỡ và giờ đã có hơn 92 triệu người ở Bangladesh có ĐTDĐ.

Gần 60 Info Ladies đang làm việc tại 19 trong số 64 quận của Bangladesh. Đến năm 2016, hy vọng sẽ có 15.000 phụ nữ được đào tạo.

Vào tháng 7 vừa qua, ngân hàng trung ương của Bangladesh cũng đã đồng ý cho Info Ladies vay nợ không tính lãi suất. Giai đoạn phân phối khoản vay đầu tiên, tổng số 100 triệu taka (1,23 triệu USD) sẽ bắt đầu vào tháng 12 tới. D.Net cũng đang khuyến khích những người Bangladesh sống ở nước ngoài gửi tiền về để giúp đỡ Info Ladies.

Jamilur Reza Chaudhury, một người tiên phong trong đào tạo CNTT ở Bangladesh, cho biết dự án này thực sự tác động đến những người dân ở vùng sâu vùng xa.

Info Lady Sathi Akhtar, người làm việc tại các làng của Begum và Dipa, nói rằng cô kiếm được nhiều tiền từ công việc này hơn là làm giáo viên. Cô cho biết sau khi thanh toán khoản vay 120.000 taka (1.480 USD) và các chi phí khác, cô mang về nhà được trung bình 10.000 taka (123 USD) mỗi tháng.

"Chúng tôi không chỉ vui vì kiếm được tiền, mà còn đóng góp vào việc giúp phụ nữ chúng tôi tiếp cận được nhiều thông tin. Điều đó khiến chúng tôi hạnh phúc".

Hoàng Luân

Chủ đề khác