VnReview
Hà Nội

Thị trường hàng giả trị giá 400 tỷ USD/năm tại Trung Quốc

Chỉ cần có mẫu, các nhà máy tại Trung Quốc có thể nhái giống đến 99% hàng thật. Thị trường đen này mang về tới 400 tỷ USD mỗi năm cho Trung Quốc đại lục và Hong Kong.

Bản báo cáo của Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) công bố hồi năm 2015 cho biết Trung Quốc đại lục và Hong Kong là "mẹ đẻ" của 86% hàng giả trên thế giới. Đáng chú ý hơn, miếng bánh béo bở này đem về cho quốc gia châu Á khoảng 400 tỷ USD mỗi năm.

Một báo cáo năm 2016 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết kim ngạch thương mại hàng giả toàn cầu ở mức 500 tỷ USD - chiếm 2,5% tổng kim ngạch nhập khẩu trên toàn thế giới - gấp đôi so với ngành công nghiệp buôn bán ma túy.

Trong khi đó, giá trị của các lô hàng giả xuất khẩu chiếm 12,5% tổng giá trị xuất khẩu, tương đương 1,5% GDP của Trung Quốc vào năm 2016.

Các mẫu túi xách nhái lại thương hiệu nước ngoài bị tịch thu tại Hong Kong. Ảnh: Reuters.

Lợi nhuận khổng lồ và sự quản lý lỏng lẻo của nhà nước càng khiến thị trường hàng giả, hàng nhái tại Trung Quốc bùng nổ mạnh kể từ năm 2008.

Một báo cáo khác từ Phòng Thương mại Mỹ tiếp tục chỉ ra con số ấn tượng về thị trường đen này. Cụ thể, trong khi Trung Quốc chiếm tới 86% thị phần hàng giả toàn cầu thì "thiên đường hàng nhái" xếp thứ 2 là Ukraine chỉ chiếm 0,43% thị phần, với tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD.

Lý giải cho sự bùng nổ hàng giả, hàng nhái ở Trung Quốc là tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng và thói ganh đua mua hàng hiệu của người dân châu Á. Bên cạnh đó, cải cách mở cửa kinh tế của Trung Quốc vào những năm 1980 cũng tạo điều kiện cho các hãng sản xuất nước ngoài tràn vào thị trường nội địa.

Và chỉ 10 năm sau, hiện tượng nhái lại các nhãn hiệu nước ngoài đã bắt đầu nhen nhóm tại Trung Quốc và phát triển thành "ngành công nghiệp" trăm tỷ USD.

Các sản phẩm nhái lại như thật, được bán với giá rất rẻ trên các trang thương mại điện tử Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Nhờ nhiều năm tiếp nhận dây chuyền sản xuất của nước ngoài và trở thành "công xưởng của thế giới", các nhà máy Trung Quốc đã tích lũy được nhiều chiêu trò để sao chép hầu hết mọi thứ. Bất cứ thứ gì, miễn là có mẫu, đều có thể được làm giả ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong.

Trong các cửa hàng tại Trung Quốc, ước tính 60% các mặt hàng mang nhãn hiệu cao cấp là hàng nhái và không khó để tìm kiếm những nơi bán hàng giả hoàn toàn như thật. Thậm chí, nhiều khu mua sắm "thiên đường hàng giả" cũng mọc lên công khai như nấm tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Giang Tô, Thẩm Dương.

Theo Báo cáo giả mạo thương hiệu toàn cầu năm 2018, thiệt hại toàn thế giới phải chịu do thị trường hàng giả lên tới 323 tỷ USD trong năm 2017, chỉ riêng các hãng sản xuất túi xách đã mất tới 20 tỷ USD. Thống kê cũng cho biết 80% hàng giả trên thế giới đến từ Trung Quốc và đây cũng là thị phần khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp đồ nhái.

Theo Zing

Chủ đề khác