VnReview
Hà Nội

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cáo buộc Apple, Google và nhiều hãng khác chỉ là “con tốt” của Trung Quốc

Cụ thể Tổng chưởng lý hay Bộ trưởng tư pháp Mỹ William Barr cho rằng, các công ty công nghệ lớn của Mỹ đang là những "con tốt" của Trung Quốc.

Trang CNBC vừa dẫn các phát biểu mới nhất của Tổng chưởng lý Mỹ William Barr, trong đó ông cáo buộc các công ty công nghệ Mỹ như Apple, Google, Microsoft, Yahoo, Cisco,…chỉ như con tốt và chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Barr cho rằng, một số công ty công nghệ và cả ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood đều sẵn lòng hợp tác với chính phủ Trung Quốc. Phát biểu trên được Barr đưa ra trong một bài phát biểu tại Bảo tàng Gerald R. Ford Presidential ở Grand Rapids, Michigan.

Ông cho rằng: "Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đang tham gia vào một chiến dịch kinh tế toàn diện, táo bạo nhằm giành lấy quyền chỉ huy nền kinh tế toàn cầu và vượt qua Mỹ trở thành một siêu cường mới. Đáng buồn là vì lợi nhuận ngắn hạn mà các công ty Mỹ luôn khuất phục trước sự ảnh hưởng của Trung Quốc ngay cả khi phải trả giá bằng giá trị tự do và cởi mở của nước Mỹ".

Trong đó Barr chỉ trích Cisco đã tham gia giúp đảng cộng sản Trung Quốc xây dựng hệ thống giám sát và kiểm duyệt Internet tinh vi nhất.

Bên cạnh đó, ông tỏ ra không mấy hài lòng khi Apple đặt các máy chủ tại Trung Quốc để chuyển một phần dữ liệu iCloud về đó. Barr nhấn mạnh, Apple cũng cho phép chính phủ Trung Quốc truy cập vào email, văn bản và dữ liệu cá nhân khác được lưu trữ trên kho lưu trữ đám mây.

Trước đó, Apple cũng đã gỡ bỏ ứng dụng tin tức Quartz khỏi App Store tại Trung Quốc sau khi chính phủ nước này phàn nàn về các bài viết can thiệp quá sâu vào tình hình tại Hồng Kông. Barr cũng lấy ví dụ về việc Apple không hỗ trợ chính phủ Mỹ mở khóa iPhone của kẻ khủng bố Alshamrani trong vụ xả súng tại một căn cứ hải quân ở Florida vào hồi tháng 12/2019 và so sánh với sự nhượng bộ của Apple tại Trung Quốc.

Trong một tuyên bố gửi tới CNBC, Apple tái khẳng định cam kết về an ninh mạng và mã hóa thông tin trên máy chủ. Trong đó liên quan đến vấn đề kiểm soát thông tin của người dùng tại Trung Quốc, Apple cho biết: "Các sản phẩm của chúng tôi giúp khách hàng Trung Quốc giao tiếp, học hỏi và thể hiện sự sáng tạo, khéo léo của họ. Chúng tôi tin vào tầm quan trọng của một xã hội mở, ở đó thông tin có thể tự do phân phối tới mọi người và chúng tôi tin có thể tiếp tục thúc đẩy sự cởi mở ngay cả khi chúng tôi không đồng ý với luật pháp nước sở tại".

Trong khi đó, Cisco cũng gửi email tới CNBC với thông điệp rằng, họ không cung cấp thiết bị tùy chỉnh nhằm phục vụ mục đích ngăn chặn truy cập và giám sát người dùng cho phía Trung Quốc. Cisco bác bỏ quan điểm của Barr và khẳng định: "Các sản phẩm của chúng tôi cung cấp trên toàn thế giới và Cisco tuân thủ đầy đủ các quy tắc kiểm soát xuất khẩu kể cả với Trung Quốc và những sản phẩm liên quan đến nhân quyền".

Phía Google từ chối đưa ra bình luận về tuyên bố của Barr. Công ty đã dừng cung cấp dịch vụ tìm kiếm tại Trung Quốc kể từ năm 2010. Yahoo và Microsoft cũng không đưa ra bình luận gì về vấn đề trên.

Ngoài ra, các công ty công nghệ lớn trên và nhiều công ty khác đang nằm trong diện theo dõi của Bộ tư pháp Mỹ vì các vi phạm chống độc quyền. Cụ thể Apple bị cáo buộc chiếm đoạt tới 30% nguồn thu từ thanh toán và đăng ký ứng dụng trên App Store, đồng thời không cho phép người dùng tải ứng dụng từ các cửa hàng bên thứ ba.

Hay như Google bị cáo buộc lợi dụng công cụ tìm kiếm Google Search để đặt các quảng cáo sản phẩm của hãng lên trước các đối thủ trong kết quả tìm kiếm. Đặc biệt, Google bị tố ép buộc các nhà sản xuất smartphone muốn cài Android phải đặt Google Search và Chrome là công cụ tìm kiếm và trình duyệt mặc định.

Cuối cùng, Barr nhắm mục tiêu tới ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood. Ông cho rằng, các công ty Hollywood như Disney thường xuyên phải quỵ lụy và đáp ứng các yêu cầu kiểm duyệt của phía Trung Quốc.

Tiến Thanh

Chủ đề khác