VnReview
Hà Nội

CEO Nguyễn Tử Quảng: 'Hãy cho các trường chuyên cơ chế tự chủ'

Từng là cựu học sinh chuyên Toán, CEO Nguyễn Tử Quảng hôm nay đã chia sẻ quan điểm cá nhân về sự tồn tại của trường chuyên, một vấn đề xã hội đang được rất nhiều người quan tâm.

Trong bài viết có tựa đề 'Giải pháp cho hệ thống trường chuyên' chia sẻ trên Facebook sáng nay, CEO Nguyễn Tử Quảng cho rằng câu chuyện về trường chuyên không mới và thỉnh thoảng lại bùng lên. Ông cũng cho biết bản thân là một cựu học sinh chuyên Toán (Đại học Sư phạm Hà Nội), học chuyên từ bé.

Theo CEO của tập đoàn Bkav, phải thừa nhận rằng hiện nay hệ thống trường chuyên có nhiều bất cập. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng đây là môi trường lý tưởng để ươm mầm tài năng và là nơi tập trung, thu hút những người có cùng chí hướng, đam mê.

Ông cho biết: 'Giá trị lớn nhất hệ thống trường chuyên có được hiện nay là thương hiệu nhiều chục năm vun đắp của những thế hệ và những con người tinh hoa, gồm cả thầy và trò. Trường chuyên vì vậy cũng xây dựng được cho mình truyền thống và nét văn hóa đặc sắc, vững chắc. Đây là những giá trị vô giá xã hội ta đã tạo ra trong nhiều chục năm và không nên bị phá bỏ, lãng phí'.

CEO Nguyễn Tử Quảng

CEO Nguyễn Tử Quảng lấy ví dụ về trường đại học Harvard để làm rõ quan điểm của mình. Ông cho rằng Đại học Harvard sở dĩ có thể đào tạo ra nhiều đời Tổng thống Mỹ, những nhà bác học, khoa học, nhà kinh tế lớn trên thế giới và đến nay vẫn tiếp tục duy trì được điều này, không phải chỉ do đội ngũ giảng viên. Nó còn do thương hiệu của Harvard đã thu hút được người giỏi khắp thế giới đến học, cùng với môi trường truyền thống, văn hóa của trường mà những sinh viên tốt nghiệp ở đây tiếp tục là những người tiêu biểu trong xã hội.

Từ đó CEO của Bkav cho rằng các trường như chuyên sư phạm, chuyên Đại học Khoa học tự nhiên, chuyên Hà Nội Amsterdam, chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Hồ Chí minh) và rất nhiều những cái tên khác ở các địa phương là những thương hiệu cần phải giữ và phát triển.

Vì những điều kể trên, theo CEO Nguyễn Tử Quảng để duy trì và phát triển hệ thống trường chuyên thì giải pháp bền vững chính là xã hội hóa. Ông viết: 'Hãy cho các trường chuyên cơ chế tự chủ, thu học phí cao tương xứng với chất lượng của trường, không cần cấp kinh phí hoặc cùng lắm là bằng với các trường khác. Các trường chuyên thừa sức tự đầu tư. Trường chuyên cũng có thể nhận các tài trợ từ các tổ chức, các cựu học sinh vốn gồm nhiều người thành đạt trong xã hội'.

Trường PTTH Chuyên Hà Nội Amsterdam. Ảnh: Internet

CEO của Bkav cho rằng trường chuyên nên hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận, tức là mọi thặng dư tạo ra đều phải phân bổ trở lại cho các hoạt động phát triển nhà trường, đảm bảo mức thu nhập tốt cho đội ngũ giáo viên, môi trường học tập cho học sinh. Một việc bắt buộc phải thực hiện là hoạt động thu hút và cấp học bổng cho học sinh giỏi không có điều kiện trả học phí. Điều này tạo ra sự công bằng xã hội. Tất cả đều phải được thực hiện một cách công khai minh bạch. Học sinh trả học phí cũng phải đạt trình độ nhất định mới được nhận.

Thời gian gần đây, vấn đề về hoạt động của trường chuyên đang nhận được sự tranh luận sôi nổi của các chuyên gia và những người quan tâm đến giáo dục. Có ý kiến cho rằng nên bỏ trường chuyên bởi mô hình này đã cũ và một số quốc gia đã làm điều này. Tuy nhiên, đa phần các chuyên gia về giáo dục cho rằng trường chuyên ở cấp trung học phổ thông là nơi để đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Vì thế, không thể bỏ mô hình này.

Bài chia sẻ của CEO Nguyễn Tử Quảng hiện nhận được sự quan tâm rất lớn từ các thành viên tại group Bphone Fans Club. Đa phần các bình luận phía dưới bài đăng đều đồng tình cho rằng nên duy trì mô hình trường chuyên nhưng nên thay đổi theo hướng xã hội hóa để giúp nó phát triển tốt hơn.

T.T

Chủ đề khác