VnReview
Hà Nội

6 dấu hiệu cho thấy bạn không phù hợp với nghề lập trình

Lập trình có dành cho tôi? Liệu tôi có thích việc viết mã không? Đó là những câu hỏi mà nhiều lập trình viên tương lai luôn tự hỏi.;

Mọi người đều có những lý do riêng khi quyết định học lập trình, nhưng thực tế là không phải ai cũng phù hợp để trở thành một lập trình viên.

Dù ai cũng có thể học viết mã, vui thú với sự nghiệp lập trình về lâu về dài là một điều hoàn toàn khác. Bạn hoàn toàn có thể là một coder tài năng, ấy thế nhưng bản thân lại không phù hợp một cách hoàn hảo với ngành lập trình.

Nếu bạn không chắc mình có phù hợp để trở thành một lập trình viên hay không, thì dưới đây là 6 dấu hiệu cho thấy bạn nên cân nhắc lại lựa chọn của mình.

1. Bạn không có tư duy sáng tạo thực nghiệm

Dù có nền tảng về mặt logic, lập trình là một công việc mang hơi hướng nghệ thuật sáng tạo. Một chương trình mới giống như một tờ giấy trắng. Bút vẽ của bạn là ngôn ngữ, framework, và các thư viện. Bạn cần một tầm nhìn cho tác phẩm của mình, và cần sự sáng tạo để mang nó ra đời thực.

Những coder thuần tuý sẽ nói rằng chỉ có một con đường duy nhất để viết được những đoạn mã hiệu quả, nhưng điều đó không đúng. Phát biểu như vậy cũng giống như nói chỉ có một cách để xây nên một căn nhà, để viết nên một cuốn tiểu thuyết, hay để làm một cái bánh. Có nhiều cách để viết mã cho phần mềm, và bạn nên sẵn sàng thử nghiệm.

Nếu không có bản chất tò mò, bạn sẽ hình thành một thứ gọi là "tầm nhìn đường hầm" và khó mà hình dung được một phần mềm mới sẽ trông ra sao. Lúc đó, lập trình trở thành một công việc tầm thường và không còn những điều thú vị làm bạn phải vỡ oà mỗi khi đạt được nữa.

2. Bạn không có động lực cá nhân

Bạn sẽ không thành công trong bất kỳ công việc gì trừ khi thực sự có động lực. Điều này đúng với mọi công việc, và cả lập trình nữa.

Một lập trình viên giỏi sẽ có khả năng tự tạo động lực cho chính họ. Lột bỏ mọi lớp vỏ hào nhoáng, lập trình về cơ bản là một công việc lặp đi lặp lại. Nếu bạn không thể làm bản thân hào hứng với việc viết mã, bạn sẽ gặp khó khăn và cảm thấy ngột ngạt. Bạn phải biết cách giải quyết mọi vấn đề bằng chính năng lực của mình.

Tất nhiên, đôi lúc bạn cần sự trợ giúp để tìm ra giải pháp cho một số vấn đề. Các lập trình viên có kinh nghiệm là một kho tàng kiến thức. Bạn phải có động lực để có thể tìm ra họ ngay khi có cơ hội.

3. Bạn không thể giải quyết các vấn đề logic

Người ta thường nhầm lẫn rằng bạn phải là một thiên tài toán học mới hiểu được lập trình. Bạn thực ra sẽ không rơi vào thế bất lợi nếu chưa bao giờ nắm bắt được bộ môn toán cao cấp. Tuy nhiên, bạn cần nắm được cách giải quyết các vấn đề bằng tư duy thuật toán.

Bạn có hứng thú với trò giải đố? Bạn có tò mò và hào hứng tìm hiểu tại sao các chương trình lại hoạt động theo cách chúng đang hoạt động? Nếu không, bạn sẽ thấy khó chịu khi gặp phải những rào cản đó.

Phần lớn những phần thưởng mà bạn đạt được trong quá trình lập trình đến từ việc giải những câu đố. Câu đố càng phức tạp, phần thưởng thu về càng nhiều. Nếu điều đó không khiến bạn cảm thấy hào hứng, lập trình sẽ chẳng gì hơn một chuỗi những ngày dài bực bội.

4. Bạn không thích nghiên cứu

Bạn biết bao nhiêu về lập trình không quan trọng, không sớm thì muộn bạn cũng sẽ gặp chướng ngại. Có thể bạn đang phát triển một ứng dụng web và không thể tận dụng được một framework theo ý đồ của mình. Hoặc điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bỗng được giao một dự án Python sau khi đã bỏ ra 10 năm trời làm chủ Java?

Làm sao để vượt qua những thách thức đó? Không có cuốn sách nào cung cấp ngay được câu trả lời cho bạn một cách dễ dàng cả. Mọi thứ bạn có là các tài liệu về lập trình, Google, và niềm khao khát khám phá để đưa ra được những câu hỏi vào đúng vấn đề.

Nếu bạn cảm thấy không thoải mái với việc phải lần mò tìm kiếm câu trả lời đúng giữa hàng tá những thứ nhập nhằng, thì bạn sẽ không yêu thích sự nghiệp lập trình viên đâu. Không phải lúc nào những coder thông minh nhất cũng thành công. Người thành công là người hiểu cách bóc tách vấn đề và nghiên cứu để khắc phục chúng.

5. Bạn thích làm giờ hành chính

Lập trình là một nghề linh hoạt. Một số công việc làm tại văn phòng, số khác cho phép bạn làm việc từ xa. Bạn có thể làm cho một startup hoặc làm tự do để phát triển sự nghiệp cho chính mình. Tất nhiên, đổi lấy sự linh hoạt đó, bạn cần có tinh thần cống hiến. Chúng ta hẳn từng nghe nhiều câu chuyện về các lập trình viên "cày" xuyên đêm hoặc cắm mặt vào màn hình hàng giờ liền, đôi lúc họ còn chẳng quan tâm đến việc làm sao để cân bằng được giữa công việc và cuộc sống nữa!

Quá trình phát triển phần mềm thường đi kèm những deadline khắt khe. Để kịp tiến độ, đôi lúc bạn không thể cứ tuân thủ ngày làm việc 9 tiếng suốt 5 ngày/tuần như thông thường. Các nhóm coder thường phải làm ngoài giờ để chạy đua với deadline. Kể cả các freelancer (người làm việc tự do) cũng phải cật lực "cày cuốc" suốt một thời gian dài mới mong đi trước được các đối thủ.

Khi bạn đã hoàn thành công việc thì sao? Có thể dư âm của nó vẫn bám lấy bạn. Sẽ có những lúc bạn nằm dài ra giường mới ý định chợp mắt, nhưng trong đầu bạn hàng dãy cú pháp vẫn đang chạy đều. Lập trình là một công việc đòi hỏi tình yêu, nhưng có thể biến thành thù hận nếu bạn không hợp với nó.

6. Bạn chỉ quan tâm đến lương thưởng

Thành thật mà nói, lập trình có thể giúp bạn sống sung túc. Mức lương trung bình của các lập trình viên đủ sức để họ chi trả mọi hoá đơn và vẫn còn dư dả để tận hưởng cuộc sống.

Có thể bạn đang mò mẫm các website tìm việc và hào hứng khi thấy mức lương tính theo giờ của các vị trí nóng trong ngành công nghệ. Bạn không phải là người đầu tiên, và cũng không phải là người cuối cùng, thử sức với lập trình để kiếm một khoản kha khá trang trải cuộc sống. Nhưng bạn nên biết rằng muốn vậy, bạn phải đi một chặng đường khá dài. Trước đây, bằng cử nhân (4 năm đại học) là yêu cầu cần có, còn nay, ngày càng nhiều công ty yêu cầu bằng thạc sĩ.

Bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền nhờ lập trình hay không? Chắc rồi, nhưng không dễ đâu. Nếu bạn muốn làm giàu thật nhanh, có lẽ cách tốt nhất là... mua vé số.

Tạm kết

Có lẽ khi đọc danh sách này, bạn sẽ thấy một số mục khá đúng với bản thân. Hiển nhiên chúng sẽ khiến bạn cảm thấy nhụt chí đôi chút nếu đang cân nhắc sự nghiệp lập trình.

Nhưng bạn không nên từ bỏ trước khi thử hết sức mình. Cách tốt nhất để biết lập trình có phù hợp với bạn hay không là bắt tay vào thử ngay. Hãy học cách viết mã, học một ngôn ngữ lập trình, đọc thật nhiều sách về lập trình...

Có rất nhiều nhánh trong ngành lập trình, và bạn có thể tìm thấy cho mình một thứ mà bản thân thật sự thích thú. Nếu không, đừng từ bỏ ngành công nghệ. Có vô vàn những công việc khác trong ngành công nghệ để bạn thử sức mà chẳng phải tập trung viết mã.

Giả dụ bạn chấp nhận rằng lập trình không dành cho mình, nhưng vẫn muốn tận dụng những kỹ năng đã tích luỹ qua nhiều năm? Bạn có những lựa chọn gì?

Có một số cách để bạn không phí hoài kiến thức của mình.

Bạn có thể viết. Kinh nghiệm về kỹ thuật có được từ thời gian lập trình sẽ mang lại cho bạn lợi thế khi viết về các vấn đề kỹ thuật (như các tài liệu hướng dẫn, tài liệu nghiên cứu...).

Bạn cũng có thể là một nhà phân tích dữ liệu. Tuỳ thuộc vào lĩnh vực chuyên sâu của mình, bạn có thể vận dụng kiến thức để trở thành một chuyên gia tư vấn cho các hệ thống bảo mật, các nền tảng web, game engine, hay các mô hình kiếm tiền. Nếu bạn thích kinh doanh nhưng muốn làm việc trong ngành công nghiệp phần mềm, tại sao không làm quản lý nhóm phát triển của riêng mình? Một lãnh đạo hiểu được những quy trình phức tạp của lập trình luôn được chào đón trong ngành công nghệ.

Minh.T.T (theo MakeUseOf)

Chủ đề khác