VnReview
Hà Nội

Sau 20 năm, tham vọng số hoá của chính phủ Nhật Bản vẫn chỉ là một mớ giấy lộn

Hai thập kỷ sau khi Nhật Bản công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng một xã hội số, đại dịch COVID-19 đã bóc trần sự yếu kém về mặt công nghệ đã ăn sâu trong tư tưởng của chính phủ nước này, khi mà các Bộ nhà nước vẫn mắc kẹt trong văn hoá giấy tờ mà nhiều chuyên gia nói rằng đang khiến hiệu suất công việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Dù Tokyo đã và đang đưa "chuyển đổi số" trở thành một kế hoạch dài hạn chính của họ trong năm nay, việc chuyển đổi có lẽ không mấy dễ dàng khi mà các quan chức thuộc nhiều Bộ khác nhau vẫn không có khả năng cùng tổ chức những cuộc hội thảo trực tuyến, và họ hầu như cũng chẳng thể giải quyết được nhiều công việc thông qua mạng internet.

Các nhà phân tích nói rằng sự yếu kém trong việc số hoá chính phủ có thể làm giảm đi động lực thúc đẩy khu vực tư nhân bước vào kỷ nguyên số, gây tác động tiêu cực đến những nỗ lực của Nhạt Bản nhằm tăng cường hiệu suất công việc.

"Thiếu hụt đầu tư số của chính phủ đã gây ảnh hưởng đến hiệu suất và hiệu quả của khu vực tư nhân" - Takuya Hoshino, nhà kinh tế học kỳ cựu tại Viện nghiên cứu đời sống Dai-ichi nói.

Trong chiến lược chính sách giữa năm, chính phủ Nhật Bản đã cam kết đẩy nhanh số hoá hệ thống chính phủ lỗi thời mà thời gian qua đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì những chậm trễ trong việc hỗ trợ tiền trợ giúp người dân trước đại dịch COVID-19.

Phần lớn vấn đề nói trên xuất phát từ thói quen sử dụng tài liệu giấy và dấu chứng thực tại các văn phòng chính phủ của Nhật Bản.

"Tài liệu giấy và con dấu vẫn còn hiện diện. Các chính trị gia mà tôi đã gặp cũng thích các cuộc họp mặt đối mặt hơn" - một viên chức chính phủ tiết lộ.

Chưa hết, một nguyên nhân khiến tình trạng số hoá chính phủ của Nhật bị trì trệ là cấu trúc bộ máy hành chính theo phương dọc: mỗi Bộ cũng như các chính quyền địa phương lại tự phát triển các hệ thống máy tính của riêng mình, không tương thích với các hệ thống khác.

Hiện tại, mỗi Bộ ở Nhật Bản đã phát triển mạng LAN của riêng họ với nhiều nhà cung cấp khác nhau, khiến việc tổ chức hội thảo từ xa với các Bộ khác là rất khó để thực hiện bởi những khác biệt trong chính sách bảo mật đường truyền - một viên chức làm việc trong Văn phòng Nội các, phụ trách chiến lược IT, cho biết.

Tại Nhật Bản, chưa đến 12% tổng số công việc hành chính được thực hiện trực tuyến - theo Viện nghiên cứu Nhật Bản.

Nhìn chung, nếu không số hoá, chính phủ Nhật Bản sẽ lãng phí đến 323 triệu giờ làm việc mỗi năm, tương đương gần 8 tỷ USD chi phí.

Những hạn chế trong quá trình số hoá đã làm lung lay hình ảnh của Nhật Bản, vốn được nhiều người lầm tưởng là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ cao - trên thực tế, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này chỉ xếp ở vị trí thứ 23 trong số 63 quốc gia, thua nhiều quốc gia châu Á khác như Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Dự báo kinh tế số mới nhất của OECD đã xếp Nhật Bản vào vị trí thấp nhất trong số 31 quốc gia khi xét đến các thủ tục hành chính trực tuyến, với chỉ 5,4% tổng số người dân tận dụng các ứng dụng số tại các văn phòng công quyền, thua xa Đan Mạch, Estonia, và Iceland vốn đạt đến 70%.

Seiji Kihara, một cựu viên chức Bộ Tài chính Nhật Bản, nay là Phó phụ trách mảng chính sách của đảng cầm quyền, nói rằng trong 20 năm làm việc tại Bộ Tài chính, ông đã chứng kiến các viên chức trẻ tuổi thường xuyên phải chạy quanh với hàng tá tài liệu giấy để xin được con dấu của các sếp.

"Ngày nay, họ vẫn đang làm như vậy!".

Minh.T.T;(theo Reuters)

Chủ đề khác