VnReview
Hà Nội

Vì sao trong đợt dịch Covid-19 mới có nhiều ca bệnh nặng và rất nặng?

Theo thông báo từ Bộ Y tế, Việt Nam đang có 15 ca Covid-19 diễn biến nặng và rất nặng, chủ yếu là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm.

Đà Nẵng đang dùng những biện pháp gì để chống dịch Covid-19?

Tính đến ngày 30/7, Việt Nam đang có 15 ca bệnh nặng và rất nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế. Trong đó, các ca tiên lượng rất nặng gồm bệnh nhân thứ 416, 418, 428, 431, 436, 437, 438; các ca tiên lượng nặng lên như bệnh nhân số 429, 426, 427, 430, 422, 433... Đa phần các bệnh nhân kể trên là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm. Trong số các bệnh nhân kể trên, bệnh nhân thứ 428 đã tử vong vào ngày 31/7 trên nền bệnh lý nặng và mắc Covid-19.

Các trường hợp bệnh nặng và rất nặng còn lại có bệnh nhân thứ 437 là nam giới, 61 tuổi, trú ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Bệnh nhân có tiền sử suy thận mãn, đã điều trị suy thận chạy thận nhân tạo, tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, gout tại bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian dài trước khi phát hiện nhiễm Covid-19 vào ngày 27/7.

Ngoài ra còn có bệnh nhân thứ 416 ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng bị suy hô hấp, đầu chi tím nhẹ có biến chứng nặng của hội chứng suy hô hấp tiến triển (ARDS). Bệnh nhân hiện đã được chỉ định ECMO (tim phổi nhân tạo) từ đêm 24/7.

Ảnh minh họa

Trong khi đó, bệnh nhân thứ 418 ở quận Hải Châu, Đà Nẵng, 61 tuổi đã khởi phát bệnh từ ngày 11/7. Sau 7 ngày không đỡ mệt, ho khạc đờm trắng người này mới nhập viện. Bệnh nhân hiện bị viêm đường hô hấp cấp nặng do nhiễm SARS-CoV-2, vẫn sốt nhẹ, đang được thở máy, được nuôi ăn qua sonde. Các chỉ số và chức năng của bệnh nhân 418 đang trong phạm vi kiểm soát nhưng tiên lượng rất nặng.

Đa phần các ca nhiễm Covid-19 bệnh nặng và rất nặng trong đợt dịch mới đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Trong đó, yếu tố tuổi cao là nguy cơ nặng với các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong cao nhất thuộc nhóm người lớn tuổi. Ở nhóm tuổi 50-69, tỷ lệ tử vong khoảng 2,45%. Trong đó, các bệnh mạn tính như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, phổi mạn tính, thận mạn tính đều có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Giáo sư Nguyễn Gia Bình – nguyên trưởng Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai trả lời trên báo Pháp luật và bạn đọc cho biết với những bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên nền bệnh mãn tính sẽ càng nguy hiểm hơn. Virus SARS-CoV-2 'ác' là sau khi tấn công hệ hô hấp của bệnh nhân thì nó sẽ tấn công vào hệ mạch máu. Bệnh nhân bị đái tháo đường vốn tổn thương rất nhiều cơ quan nội tạng khác như mạch máu, tim, gan, thận và khi bị nhiễm Covid-19 sẽ rất dễ bị 'đánh gục'.

Tổ chức Y tế thế giới cho biết mọi lứa tuổi đều có nguy cơ nhiễm Covid-19 tuy nhiên người cao tuổi và người có bệnh nền mang khả năng mắc bệnh cao hơn. Đồng thời, tỷ lệ bệnh nặng của những người cao tuổi cũng cao hơn người trẻ tuổi. Các nghiên cứu cho thấy tuổi tác có ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng bệnh nặng.

Đợt dịch mới tại Việt Nam có nhiều bệnh nhân nhiễm bệnh do nguồn lây lớn nhất là ở các bệnh viện lớn thuộc khu vực thành phố Đà Nẵng. Đây là nơi có rất nhiều người đã sở hữu bệnh nền, sức đề kháng kém hơn người bình thường. Khi nhiễm Covid-19 sẽ khiến sức khỏe yếu đi nhanh hơn.

Ngay từ khi phát hiện những ca nhiễm bệnh đầu tiên trong đợt dịch mới, bộ Y tế đã cử các đoàn công tác đến Đà Nẵng với những chuyên gia đầu ngành về điều trị, giám sát dịch tễ và xét nghiệm. Hàng ngày, các ekip này đều báo cáo, trao đổi và hội chẩn về chuyên môn, đặc biệt là trong công tác điều trị bệnh nhân nặng nhằm nỗ lực tốt nhất giúp Đà Nẵng khoanh vùng, xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân.

Mới đây, Bộ Y tế đã thành lập 'Bộ Chỉ huy tiền phương' chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng. Đội được đặt dưới sự chỉ huy của PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế - Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Cùng với đó, Bộ Y tế còn huy động gần 1.000 người phục vụ công tác phòng, chống dịch tại Đà Nẵng. Ngoài ra, 5 giảng viên và 150 sinh viên của Đại học Y dược Huế cũng đã vào Đà Nẵng để hỗ trở giám sát cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết và một số hoạt động phòng, chống dịch khác.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long cho biết: 'Ngành y tế tập trung tối đa lực lượng tinh nhuệ nhất để khoanh vùng, dập dịch ở Đà Nẵng. Ngoài các lực lượng của Bộ Y tế đang ở Đà Nẵng, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cử các chuyên gia ở các bệnh viện đầu'.

T.T

Chủ đề khác