VnReview
Hà Nội

Thế giới đối mặt với làn sóng Covid-19 mới khi có tới 70% quốc gia báo cáo số ca nhiễm tăng

Nhiều quốc gia trên thế giới dù đã hạn chế đi lại và thực hiện các biện pháp giãn cách thành công nhưng vẫn không thể tránh khỏi làn sóng dịch thứ hai quay trở lại.

Tình hình các ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng nhanh trở lại ở các quốc gia trên thế giới khi có khoảng 126 quốc gia, chiếm khoảng 70% quốc gia trên thế giới đang ghi nhận các ca nhiễm tăng trở lại. Đây cũng là tỷ lệ tăng cao nhất từng ghi nhận kể từ hồi đầu tháng Tư.

Dựa trên dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, nhật báo Nikkei đã tính toán số lượng các quốc gia và khu vực ghi nhận số ca tăng mới trở lại trong tuần qua.

Trong số 188 quốc gia và khu vực, có 77 quốc gia đã trải qua xu hướng tăng trong tháng 5. Nhưng con số bây giờ đã lên tới 126 quốc gia. Có khoảng 40 quốc gia ghi nhận số ca tăng trở lại ở Châu Âu. Con số này tương đương 80% số quốc gia trên lục địa già đang ghi nhận số ca bùng phát trở lại. Trong khi đó ở Châu Á và Châu Đại Dương, tỷ lệ này là gần 70%.

Tỷ lệ các quốc gia có số ca tăng mới trong ngày, trong đó Châu Âu tăng mạnh nhất

Khi đại dịch không có dấu hiệu lắng xuống, các quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức trong việc cân bằng nền kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo tránh lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Đơn cử như trường hợp của Tây Ban Nha. Sau khi phần nào kiểm soát được dịch bệnh, nước này đang từng bước mở cửa lại nền kinh tế. Nhưng niềm vui chẳng tày gang khi số ca nhiễm Covid-19 bắt đầu tăng nhanh trở lại. Thậm chí số ca nhiễm mới còn nhiều hơn gấp 8 lần so với khoảng tháng 6.

Nước Úc cũng ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày tăng mạnh, vượt mức cao nhất trước đó vào cuối tháng 3.

Một trong những lý do làm gia tăng số ca nhiễm đó là số ca xét nghiệm mới tăng nhanh

Hồi đầu tháng 4, tỷ lệ các trường hợp phát hiện dương tính so với tổng số xét nghiệm ở Mỹ là trên 20%. Ở Nhật, con số này là trên 7%. Nhưng tỷ lệ trung bình đã giảm xuống khoảng 2% trong tháng 7 tại 88 quốc gia và khu vực.

Theo Max Roser, một chuyên gia tại Đại học Oxford chia sẻ, 3% là ngưỡng cho thấy một quốc gia đang trải qua xu hướng tăng số ca nhiễm. Trong số các quốc gia có tỷ lệ phần trăm số ca dương tính bị phát hiện trên tổng xét nghiệm, một nửa trong số đó đều có tỷ lệ trên 3%.

Có 9 quốc gia ở Châu Âu, bao gồm Tây Ban Nha và Bỉ đang ghi nhận tỷ lệ này gia tăng. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Nhật Bản từng giảm xuống dưới 1% trong tháng 6 nhưng đã tăng trở lại 5%. Điều này có nghĩa rằng, tốc độ lây lan của SARS-CoV2 đang nhanh hơn so với tốc độ lấy mẫu xét nghiệm.

Bài toán mở cửa lại nền kinh tế và nguy cơ bùng dịch trở lại

Ở Châu Âu, các quốc gia đã bắt đầu áp đặt các biện pháp cứng rắn, bao gồm hạn chế đi lại từ hồi tháng Tư. Nhờ biện pháp mạnh tay này nên các ca nhiễm mới đã giảm đáng kể.

Nhưng trong vài tháng qua, các nền kinh tế này đang dần mở cửa lại và tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch lại một lần nữa nếu người dân không thực sự thận trọng. Theo Viện Robert Koch của Đức, sự lo lắng đó là có cơ sở khi số ca nhiễm mới chủ yếu xuất hiện trong cộng đồng, tại các buổi tiệc gia đình, địa điểm giải trí và văn phòng.

Số quốc gia tái áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển

Đó là chưa kể việc một số nước nới lỏng lệnh giãn cách xã hội và dỡ bỏ hạn chế đối với khách du lịch nước ngoài kể từ tháng 6 đã tạo điều kiện cho virus quay lại. Hiện tại nhiều quốc gia đã tái khởi động các biện pháp hạn chế di chuyển. Trong tuần qua, 84 quốc gia và khu vực đã bắt đầu áp dụng các biện pháp như cấm tập trung và đóng cửa các cơ sở giải trí.

Khoảng 25 quốc gia ở Châu Âu và 19 quốc gia ở khu vực Châu Á và Châu Đại Dương cũng đã hạn chế công dân di chuyển và tái phong tỏa nhiều địa điểm có dịch.

Việc áp dụng các lệnh hạn chế di chuyển trên toàn quốc và phong tỏa đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nền kinh tế. Do đó các nhà chức trách đang cố gắng tìm ra các giải pháp mới để vừa có thể kiểm soát được dịch và vẫn phục hồi được nền kinh tế đã chịu quá nhiều thiệt hại.

Một số nước ở Châu Âu đang thử một biện pháp mới đó là "phong tỏa thông minh". Chính phủ liên bang và các địa phương ở Đức đã đồng ý với chiến lược mới này. Theo đó, họ sẽ thực hiện các hạn chế chỉ trong các quận có liên quan đến ca nhiễm hoặc một khu vực nhỏ. Đặc biệt sẽ có những quy định chặt chẽ về việc kiểm soát những người ở khu vực đó.

Biện pháp tương tự đã được áp dụng tại Catalonia, Tây Ban Nha. Còn tại Anh, chính phủ nước này cũng đã công bố các biện pháp giãn cách xã hội, bao gồm cấm tụ tập tại nhà quá đông ở khoảng 20 khu vực.

Nhiều quốc gia tại Châu Âu cũng đang hướng sự quan tâm đến đối tượng khách du lịch. Cụ thể Ý đã bắt đầu cho phép người trong khối EU vào quốc gia này từ hồi đầu tháng 6. Nhưng vào ngày 24/7 vừa qua, họ đã quyết định áp dụng lệnh cách ly bắt buộc hai tuần đối với tất cả khách du lịch đến từ Rumani và Bulgari.

Hay tại tiểu bang Queensland, Úc đã mở cửa cho du khách trong nước nhưng hạn chế cho khách đến từ tiểu bang Victoria và Sydney, nơi đang ghi nhận số ca nhiễm gia tăng.

Mặc dù các biện pháp này được kỳ vọng là tạm thời ngăn chặn được nguồn lây Covid-19 nhưng tất nhiên không phải là giải pháp cuối cùng có thể cân bằng được giữa hoạt động kinh tế và chống dịch.

Tiến Thanh

Chủ đề khác