VnReview
Hà Nội

Người cha thứ hai tạo ra chuột máy tính qua đời ở tuổi 91

Bill English, người đồng sáng tạo ra chuột máy tính đã qua đời ở tuổi 91.

Kỹ sư kiêm nhà phát minh Bill English (hay William English) sinh năm 1929 tại Kentucky. Ông đã học đại học ngành kỹ sư điện tử trước khi nhập ngũ.

Ông đã tạo ra con chuột máy tính đầu tiên vào năm 1963 dựa trên ý tưởng của cộng sự là Doug Engelbart khi hai người bắt cặp để nghiên cứu về máy tính.

Mãi hai thập kỷ sau, đến khi máy tính cá nhân trở nên thịnh hành thì những con chuột máy tính mới trở nên phổ biến.

Vợ của Bill English đã xác nhận với truyền thông Anh về sự ra đi của ông.

Bill English (trái) và Doug Engelbart (phải) cùng nguyên mẫu chuột máy tính đầu tiên

Lịch sử ra đời chuột máy tính

Bill English là người đầu tiên sử dụng chuột máy tính khi ông chế tạo thành công nguyên mẫu đầu tiên của thiết bị này trong dự án nghiên cứu của ông Engelbart tại Viện Nghiên cứu Stanford.

Phần ý tưởng là của ông Engelbart đưa ra, ban đầu chỉ là "những gạch đầu dòng nhỏ" và ông English đã chế tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.

Phiên bản chuột máy tính đầu tiên là một khối gỗ chỉ có một nút bấm, phía bên dưới là hai bánh xe đặt vuông góc nhau để ghi nhận các chuyển động ngang và dọc.

Trong một phỏng vấn tại Viện bảo tàng Lịch sử Máy tính năm 1999, ông English cho biết "Chúng tôi sử dụng nó cho soạn thảo văn bản, mục tiêu là một thiết bị có thể chọn các từ và chữ trong văn bản".

Trong một thử nghiệm, cặp đôi đã yêu cầu người dùng sử dụng chuột máy tính cùng với các thiết bị khác như bút hoặc que. Kết quả là chuột máy tính được ưa thích hơn hẳn. Họ cũng viết một báo cáo về kết quả này, tuy nhiên nó đã bị phớt lờ hàng năm trời.

Trong buổi giới thiệu năm 1968, đây là lần đầu tiên chuột máy tính được quảng bá trước người dùng. Buổi giới thiệu này cũng có các sản phẩm mới khác như hội nghị video, xử lý văn bản và một dạng đường link tương tự cái chúng ta đang dùng trên internet ngày nay.

"Khi nó di chuyển lên xuống hoặc qua lại, bộ phận theo dõi sẽ ghi nhận", ông Doug Engelbart giới thiệu trước khán giả trong khi Bill English phụ trách phần kỹ thuật bên cạnh sân khấu. Họ có có cả một đoạn video giới thiệu khiến khán giả trầm trồ.

Độ tự nhiên trong buổi giới thiệu chuột máy tính đạt đến mức được những phóng viên gọi là "chúa tể của mọi phần giới thiệu".

Nhiều thập kỷ sau buổi giới thiệu đó, khi được hỏi liệu đây có phải là một khoảnh khắc đáng nhứo trong lịch sử máy tính hiện đại không, ông English đã trả lời rằng "Tôi không phủ nhận điều đó".

Mèo và chuột

Một số câu chuyện cho là vì kích thước và phần dây cáp dài giống cái đuôi nên thiết bị mới này được gọi là "chuột". Một số lại cho rằng lúc đó con trỏ chuột trên màn hình được gọi là "mèo" và nó giống như đang đuổi theo chuyển động của thiết bị mới nên mới có tên là "chuột".

Nhưng cả ông English và ông Engelbart đều không nhớ rõ ai đã đặt tên cho thiết bị này hay chính xác lý do là gì.

"Trong bản mô tả đầu tiên, chúng tôi phải gọi nó bằng một cái tên nào đó. ‘Một hộp gỗ có nút bấm' chắc chắn không được", ông English nhớ lại.

"Nó phải là một cái tên ngắn gọn. Cực kỳ ngắn gọn".

Nguyên mẫu chuột máy tính đầu tiên

Ông English còn được biết đến là người tạo ra giao diện máy tính cho người dùng được sử dụng trên tất cả các máy tính hiện đại ngày nay.

Năm 1971, ông rời Viện Nghiên cứu Stanford và chuyển đến Trung tâm nghiên cứu Parc của Xerox.

Tại đây, ông đã thay thế hai bánh xe trên mẫu chuột đầu tiên thành một viên bi, thiết kế này đã được hầu hết người dùng sử dụng trong những thập kỷ tiếp đó. Telefunken, một công ty Đức, cũng đã thử nghiệm một thiết kế tương tự.

Ông English qua đời ngày 26/7 tại California. Và ông Engelbart qua đời năm 2013 ở tuổi 88.

Cả hai người đàn ông này đều không thể giàu lên nhờ phát minh của mình. Dù đã được cấp bằng sáng chế nhưng nó lại thuộc quyền sở hữu của các nhân viên của hai người. Và bằng sáng chế này đã hết hạn từ năm 1987, trước khi chuột máy tính trở thành thiết bị công nghệ phổ biến nhất hành tinh.

Sau sự ra đi của ông Engelbart, ông English đã từng trả lời với BBC rằng "Khoảng tiền duy nhất Doug được nhận từ chuột máy tính là 50 nghìn đô do Xerox trả khi họ sử dụng chúng".

Sau đó, Apple cũng sử dụng chuột máy tính cho chiếc máy tính cá nhân đời đầu của họ, máy tính Lisa.

Tuy nhiên, ông English cho biết "Apple chưa từng chi trả một đồng nào từ việc sử dụng và từ đó đến nay cũng không có công ty nào trả tiền sử dụng".

Minh Bảotheo BBC

Chủ đề khác