VnReview
Hà Nội

Hai mẹ con Trung Quốc lừa Apple bảo hành 1.000 chiếc iPhone giả

Lợi dụng chính sách bảo hành của Apple, hai người này đã dùng iPhone giả để lừa đảo suốt một thời gian dài.

Toà án tại Thuỵ Sĩ sắp xét xử một vụ lừa đảo do hai mẹ con, có quốc tịch Trung Quốc, thực hiện suốt một thời gian dài.

Theo tờ báo Thụy Sĩ;SRF, cặp mẹ con đã bị khởi tố tội lừa đảo. Người con, năm nay 34 tuổi, có thể bị phạt tù 4 năm cũng như bị trục xuất khỏi Thụy Sĩ, nơi anh này đã sống gần 20 năm.

Những chiếc iPhone giả được mang tới Apple Store để bảo hành. Nhân viên tại Apple Store rất khó kiểm chứng iPhone có phải hàng thật hay không nếu không thể bật máy. Ảnh: Geeky Gadgets.

Thủ đoạn lừa đảo của hai mẹ con này không mới, đã từng xuất hiện tại Mỹ cách đây vài năm. Các đối tượng sẽ mang iPhone giả với ngoại hình rất giống thật vào Apple Store, yêu cầu đổi mới theo chính sách bảo hành. Những chiếc điện thoại này được làm giả IMEI giống máy xịn, có AppleCare+ chính hãng.

iPhone được mang tới bảo hành sẽ được làm giả biểu hiện bị vào nước, hỏng máy. Theo chính sách của Apple, khi điện thoại bảo hành không mở lên được, Apple không cố gắng sửa chữa, kích nguồn để kiểm tra thêm bởi có rủi ro chập cháy. Chỉ cần kiểm tra AppleCare+ hợp lệ so với IMEI, khách hàng có thể được đổi máy mới với mức phí khoảng 107 USD.

Vụ việc bị phát hiện khi hải quan Thụy Sĩ tại Basel bắt giữ hai lô hàng với 50 chiếc iPhone giả. Tuy nhiên, không rõ vì sao nhân viên hải quan có thể nhận biết đây là iPhone giả, dù nhân viên tại Apple Store thì không.

SRF cho biết người con đã đem lừa hơn 1.000 chiếc iPhone, còn người mẹ thì lừa khoảng 100 chiếc. Tuy nhiên, hai người này không phải là chủ mưu mà chỉ là trung gian cho một đầu mối tại Hong Kong. Chính đầu mối này là người gửi cho họ những chiếc iPhone giả và nhận lại iPhone xịn. Với mỗi chiếc iPhone lừa đảo thành công, cặp mẹ con nhận được tiền công khoảng 11 USD.

Nhân viên Apple Store chỉ cần kiểm tra gói bảo hành AppleCare, nếu máy có IMEI trùng với IMEI đăng ký AppleCare thì sẽ được đổi máy. Ảnh: Apple.

Tại phiên xét xử, hai người này cho rằng họ vô tội, tin iPhone mà mình mang đi bảo hành là hàng xịn. Họ giải thích được nhờ đem điện thoại đi bảo hành vì thủ tục tại Trung Quốc khó hơn. Phán quyết sẽ được đưa ra trong ngày 6/8.

Vào năm 2019, 2 du học sinh Trung Quốc Yangyang Zhou và Quan Jiang cũng dùng thủ đoạn tương tự để kiếm lời trước khi bị bắt. Những sinh viên này từ đầu năm 2017 đã mang hàng nghìn chiếc iPhone giả từ Trung Quốc vào Mỹ, sau đó gửi tới Apple đòi sửa chữa và thay iPhone mới với lý do máy bật không lên.

Chiêu này đã thành công khi Apple nhiều lần đổi cho họ iPhone mới. Theo ước tính của cơ quan điều tra, Apple bị thiệt hại 895.800 USD vì trò lừa đảo này. Sau khi có được iPhone mới, 2 sinh viên gửi chúng về Trung Quốc để bán lấy tiền.

Luật sư của cả 2 biện hộ rằng họ không hề biết đây là iPhone giả.

"Ông Zhou không biết rằng đây là hàng giả, nên chúng tôi tin rằng ông ấy không thể bị khép bất kỳ tội danh nào liên quan", luật sư của Zhou đã nói.

Theo Zing

Chủ đề khác