VnReview
Hà Nội

Đỉnh dịch Covid-19 là gì? Đỉnh dịch ở Việt Nam khi nào?

Khi Covid-19 lan rộng ra toàn thế giới, chúng ta dần dần quen với những thuật ngữ y học mà trước đây có thể chưa từng nghe tới như: giãn cách xã hội, tự cách ly, cách ly xã hội hay đỉnh dịch. Trong đó, tại Việt Nam cụm từ 'đỉnh dịch' thời gian gần đây được chú ý khá nhiều.

5 người khỏi Covid-19 tình nguyện hiến huyết tương cho bệnh nhân

Để đánh giá về tình trạng dịch bệnh, các nhà dịch tễ học vạch ra một đường cong bằng cách vẽ số lượng ca bệnh mới theo thời gian trên biểu đồ. Theo tờ The Cut, đường cong này chính là những gì chúng ta muốn xem để đánh giá tình trạng dịch bệnh. Ở đó, trên một khung thời gian cụ thể, đỉnh dịch chính là ngày tại một vùng địa lý nhất định có số lượng ca nhiễm bệnh nhiều nhất. Sau đó, số lượng ca nhiễm bệnh bắt đầu giảm. Theo định nghĩa này, sẽ có khoảng 50% số ca nhiễm bệnh sẽ được phát hiện sau đỉnh dịch.

Tờ NyTimes cũng đưa ra một định nghĩa tương tự khi cho rằng đỉnh dịch là ngày tại một địa phương có nhiều ca nhiễm nhất trong một khoảng thời gian cụ thể. Trong thời điểm này, dịch bệnh phát triển rất mạnh, số người nhiễm và chết nhiều hơn ngày trước đó. Tờ NyTimes cũng lấy ví dụ về tình hình dịch Covid-19 ở Ý trong tháng 3 để làm ví dụ.

Khi đó, từ vài trăm ca nhiễm mỗi ngày, dịch bệnh ở Ý bắt đầu leo thang và đến ngày 21/3 tăng lên tới 6.500 ca nhiễm bệnh. Sự tăng tốc số ca nhiễm này dừng lại ở đó bởi các biện pháp cách ly xã hội. Kể từ ngày 21/3, các ca nhiễm bệnh tại Ý giảm dần nhưng vẫn dao động từ 4.000 - 6.000 ca mỗi ngày. Trên biểu đồ dịch bệnh, đường cong biểu hiện số người nhiễm bệnh ở nước này gần như đi ngang trong một khoảng thời gian. Điều này có nghĩa đỉnh dịch có thể không chỉ là một ngày mà là nhiều ngày.

Ảnh minh họa

Đến một thời gian sau, khi Ý bước sang tháng 4, tốc độ lây lan virus Sars-CoV-2 chậm lại và đường cong biểu hiện số người nhiễm bệnh ở Ý bắt đầu đi xuống. Điều này có nghĩa đỉnh dịch đã kết thúc.

Như vậy, có thể hiểu đỉnh dịch Covid-19 là ngày mà đường cong trên biểu đồ số người nhiễm bệnh đạt mức cao nhất tại một khu vực nhất định. Khi qua đỉnh dịch, đường cong trên biểu đồ sẽ bắt đầu đi xuống với nguyên nhân có thể là do các biện pháp kiểm dịch hiệu quả hoặc người dân đã đạt được sự miễn dịch hoặc virus đã hết người để lây nhiễm. Tuy nhiên, có thể tại một khu vực sẽ có nhiều đỉnh dịch khác nhau. Ví dụ tại Mỹ vào tháng 4 đã đạt đỉnh dịch 1 lần với khoảng 50.000 người nhiễm mỗi ngày. Sau đó, số người nhiễm bệnh bắt đầu giảm bởi các biện pháp cách ly. Tuy nhiên, khi các bang của Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại thì đến tháng 7 số người nhiễm bệnh lại tiếp tục đạt đỉnh mới với khoảng 70.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày.

Theo tờ The Cut, Mỹ trong thời điểm tháng 4 và tháng 7 hoàn toàn không có các biện pháp giảm thiểu sự lây lan của virus SARS-CoV-2, dẫn đến đau khổ và tử vong trên diện rộng. Vì vậy, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, virus SARS-CoV-2 lây lan sẽ chậm hơn và đỉnh dịch sẽ ở con số thấp. Nếu phòng bệnh tốt, đương nhiên dịch bệnh vẫn sẽ có đỉnh nhưng nó sẽ ở con thấp và ít gây thiệt hại hơn.

Tại Việt Nam, vào tháng 4, khi dịch tiến triển chậm và nước ta thực hiện một loạt biện pháp quyết liệt, giãn cách xã hội trên cả nước, nhiều chuyên gia nhận định rằng sẽ khó có khả năng bùng phát Covid-19 mạnh như châu Âu hay Mỹ. PGS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trưởng khoa Y tế công cộng và điều dưỡng, ĐH Quang Trung trả lời báo chí vào tháng 4 cho biết: 'Việt Nam chưa có đỉnh dịch và chưa chắc có. Một khi không tạo thành ổ dịch lớn, vùng dịch lớn thì sẽ không có đỉnh dịch. Nếu Việt Nam vẫn đóng cửa với các nước như thế này đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 sẽ hạn chế được các ca vì không lây nữa, khống chế được các ca lây tại chỗ, các ổ dịch'.

Tuy nhiên, trong những ngày gây, dịch bệnh tại Việt Nam, cụ thể là ở Đà Nẵng có những diễn biến rất phức tạp. Trước tình hình này, ngày 5/8, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại thành phố Đà Nẵng cho rằng: 'Dự báo số lượng bệnh nhân sẽ còn tăng lên và đến đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới. Qua phân tích sự lây nhiễm của virus, ngành y tế khuyến cáo, trong 10 ngày tới, người dân cần hết sức cẩn thận và thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh'.

Hiện tại, Việt Nam đã có 717 ca nhiễm Covid-19, 381 ca phục hồi và 9 ca tử vong. Đà Nẵng đang là tâm dịch bệnh với ổ dịch từ bệnh viện Đà Nẵng. Địa phương này hiện đã có 194 ca nhiễm bệnh, 7 người tử vong và 6 người phục hồi.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện nghiêmcác biện pháp; phòng, chống dịch COVID-19:

1. Hạn chế đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người.

2. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách tiếp xúc tốt nhất 2m.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn.

5. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt tiếp xúc.

6. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế gần nhất.

Liên hệ ngay với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn; cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19: https://www.bluzone.gov.vn.

T.T

Chủ đề khác