VnReview
Hà Nội

Xét nghiệm nhóm Covid-19 Đà Nẵng sắp triển khai hoạt động như thế nào?

Để tăng tốc xét nghiệm Covid-19 và sớm tìm ra người dương tính với virus SARS-CoV-2, mới đây UBND TP. Đà Nẵng đã quyết định triển khai phương pháp xét nghiệm nhóm.

Đỉnh dịch Covid-19 là gì? Đỉnh dịch ở Việt Nam khi nào?

Hiện nay phương pháp xét nghiệm nhóm Covid-19 chưa được Bộ Y tế xây dựng quy trình. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trường khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM thì phương pháp này được dùng khá phổ biến trong nhiều trường hợp, điển hình là xét nghiệm sàng lọc HIV/AIDS.

Theo CNN, xét nghiệm nhóm (Pool testing) được chuyên gia kinh tế Robert Dorfman tại Đại học Harvard (Mỹ) phát triển nhằm tìm ra bệnh giang mai trên các binh sĩ Mỹ vào Chiến tranh thế giới thứ 2.

Với Covid-19, theo tờ Health, phương pháp xét nghiệm nhóm cũng dựa trên công nghệ xét nghiệm PCR như các xét nghiệm dành cho cá nhân. Cách này lấy mẫu bệnh phẩm từ nhiều người khác nhau và cho vào một ống nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm cho kết quả dương tính thì chắc chắn một trong những người có mẫu bệnh phẩm trong ống nghiệm kể trên sẽ dương tính với Covid-19. Ngược lại, nếu ống mẫu cho kết quả âm tính thì nhóm người này chắc chắn âm tính và được loại khỏi đối tượng nghi ngờ.

Ông Carol A. Winner - Chuyên gia y tế công cộng của Mỹ cho rằng xét nghiệm nhóm có nhiều lợi thế. Nó có thể giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ các phòng thí nghiệm khỏi tình trạng quá tải. Nó cũng có thể giúp loại trừ một số lượng lớn những người không nhiễm bệnh cùng một lúc mà không phải đợi kết quả xét nghiệm từng cá nhân. Xét nghiệm nhóm cũng giúp tăng tốc quá trình xét nghiệm vì nó ít tốn thời gian hơn so với việc lấy mẫu của từng cá nhân.

Tuy nhiên, theo Amesh A. Adalja - Chuyên gia cao cấp tại trung tâm an ninh y tế Johns Hopkins thì xét nghiệm nhóm có thể tiết kiệm chi phí và thời gian nhưng trong một số trường hợp nó không phải là một cách tiếp cận hoàn hảo. Ví dụ, nếu có quá nhiều người nhiễm bệnh trong cùng 1 nhóm ở mẫu ban đầu thì việc xét nghiệm lại họ sẽ tốn rất nhiều thời gian. Đồng thời, việc xét nghiệm cũng có thể ít khả thi hơn nếu có quá nhiều mẫu thử của nhiều người trong một ống nghiệm. Khi đó, thể tích ống nghiệm tăng lên, nồng độ virus có thể giảm và gây ra âm tính giả.

Theo ông Carol A. Winner, số lượng mẫu bệnh phẩm trong 1 ống nghiệm là bao nhiêu còn tùy thuộc vào loại máy nào được sử dụng để xét nghiệm. Hiện nay, ý kiến của các nhà khoa học vẫn còn khác nhau về vấn đề này. Một số người cho rằng có thể gộp tối đa 10 mẫu bệnh phẩm trong 1 ống xét nghiệm trong khi một số người lại cho rằng con số này có thể lên tới 50. Tuy nhiên, một nghiêm cứu tại Israel lại cho rằng có thể phát hiện được virus trong 1 ống xét nghiệm có tới 64 mẫu bệnh phẩm.

Tại Đà Nẵng, việc xét nghiệm nhóm sẽ được thực hiện theo hình thức trộn các mẫu bệnh phẩm của nhiều người trong một gia đình. Cụ thể hơn, theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đà Nẵng thì 3 - 5 người trong 1 gia đình sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm vào 1 ống nghiệm. Nếu ống mẫu này cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, nhân viên y tế sẽ xét nghiệm lại để xác định đúng đối tượng nhiễm virus. Ngược lại, nếu ống mẫu cho kết quả âm tính, nhóm người này có thể được loại ra khỏi đối tượng nghi ngờ.

Trả lời trên Thông tấn xã Việt Nam, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết việc áp dụng phương pháp nhóm đang được Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng quy trình để đưa vào thực hiện sớm nhất. Khi thực hiện phương pháp này, ngành y tế cần có chính sách, chiến lược để đảm bảo chất lượng xét nghiệm.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các biện pháp; phòng, chống dịch COVID-19:

1. Hạn chế đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người.

2. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách tiếp xúc tốt nhất 2m.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn.

5. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt tiếp xúc.

6. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế gần nhất.

Liên hệ ngay với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn; cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19: https://www.bluzone.gov.vn.

T.T

Chủ đề khác