VnReview
Hà Nội

Donald Trump dọa cấm nốt WeChat: "cú tát" vào hàng triệu người Hoa xa xứ

Ứng dụng nhắn tin phổ biến của công ty Trung Quốc là WeChat nhiều khả năng bị cấm tại Mỹ nếu Tencent không đồng ý bán đứa con cưng vào giữa tháng 9 tới.

Tuyên bố nói trên của ông Trump đã khiến các nhà đầu tư quan ngại, đặt các công ty Trung Quốc lẫn các nhà phân tích vò đầu bứt tai dự báo kết quả có thể xảy ra.

Nó còn khiến cổ phiếu của Tencent sụt giảm đến 10% tại thị trường Hong Kong. Dù trong ngày, cổ phiếu của hãng có tăng lên đôi chút, nhưng đến phiên đóng cửa, giá trị cổ phiếu vẫn giảm gần 5%.

Sắc lệnh mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra vào tối thứ 5 tuần này sẽ cấm WeChat và TikTok, ứng dụng video ngắn thuộc sở hữu của ByteDance, không được hoạt động tại Mỹ trong 45 ngày nếu chúng không được các công ty mẹ bán lại. Ông Trump từng nói rằng sẽ cấm TikTok nếu ByteDance không đạt được thoả thuận nào với một công ty của Mỹ, nhưng việc đưa cả WeChat vào danh sách cho thấy Washington đang muốn tăng cường việc hạn chế hoạt động của một số ứng dụng Trung Quốc khác tại Mỹ.

Động thái cấm TikTok và WeChat được xem là "một sự can thiệp chưa từng có tiền lệ của chính quyền Mỹ vào khu vực công nghệ tiêu dùng" –;theo lời Paul Triolo, giám đốc mảng địa công nghệ tại công ty tư vấn nguy cơ chính trị Eurasia Group.

Nó còn đánh dấu lần đầu tiên chính phủ Mỹ "tìm cách cấm một ứng dụng phần mềm chạy trên hàng triệu điện thoại di động" ở Mỹ - Triolo nói tiếp.

Cú tát vào mặt người Trung Quốc xa xứ

Một lệnh cấm WeChat sẽ như cú tát vào mặt người Trung Quốc xa xứ, bao gồm sinh viên và những người khác đang sinh sống tại Mỹ, vốn dựa vào ứng dụng này để liên lạc với gia đình, bạn bè, và các đối tác kinh doanh ở Trung Quốc.

WeChat là phiên bản quốc tế của ứng dụng nhắn tin phổ biến của Tencent ở Trung Quốc là Weixin. Ứng dụng này cung cấp cho người dùng một loạt các dịch vụ, bao gồm nhắn tin tức thời và chuyển tiền đến người dùng khác.

Theo sắc lệnh, một lệnh cấm sẽ áp dụng đối với "bất kỳ giao dịch nào liên quan đến WeChat" được thự hiện bởi bất kỳ người nào hoặc "bất kỳ tài sản nào" được quy định trong luật tư pháp Mỹ.

Bộ Trưởng ngoại giao Trung Quốc hôm qua đã tuyên bố quốc gia này "phản đối mạnh mẽ" các sắc lệnh nhắm vào WeChat và TikTok.

"Mỹ đang sử dụng an ninh quốc gia như một lý do và sử dụng quyền lực nhà nước để đàn áp các doanh nghiệp không phải của Mỹ" – người phát ngôn bộ ngoại giao Uông Văn Bân nói, cáo buộc Mỹ "thao túng và đàn áp chính trị".

TikTok cho biết họ bị sốc bởi sắc lệnh của ông Trump và cảnh báo rằng điều đó "sẽ đặt ra một tiền lệ nguy hiểm đối với việc tự do biểu đạt và thị trường mở". Công ty này nói rằng sẽ "thử mọi biện pháp có thể để giải quyết vấn đề".

Trong khi đó, người phát ngôn của Tencent cho biết công ty "đang đánh giá sắc lệnh để có cái nhìn đầy đủ".

Công ty trụ sở tại Thâm Quyến này được xem là "nhà vô địch công nghệ quốc gia" của Trung Quốc. Weixin là ứng dụng thiết yếu được sử dụng mỗi ngày bởi hàng trăm triệu người Trung Quốc, vốn dựa vào nó để nhắn tin với bạn bè, chia sẻ ảnh, gọi xe, trả các loại phí, đặt nhà hàng, đặt thức ăn, và là nơi lưu trữ các dịch vụ khác. Hồi tháng 3, Tencent công bố Weixin và WeChat có gần 1,2 tỷ người dùng thường xuyên mỗi tháng. Công ty không tiết lộ số lượng người dùng theo quốc gia, nhưng các nhà phân tích công nghiệp nói rằng đại đa số họ ở tại Trung Quốc.

Tencent còn là công ty game lớn nhất thế giới xét về doanh thu. Tencent đã phát hành nhiều tựa game di động và máy tính phổ biến, và họ còn sở hữu công ty game Mỹ là Riot Games (nhà phát triển Liên minh Huyền thoại), nắm phần lớn cổ phần trong Supercell (nhà phát triển Clash of Clans), và có cổ phần nhỏ trong các công ty game quốc tế khác như Epic (nhà phát triển Fortnite) và Activision Blizzard (nhà phát triển WarCraft)…

Công ty này cũng là một trong những nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất Trung Quốc, sở hữu một dịch vụ stream nhạc – Tencent Music được kê khai tại Wall Street, điều hành một ứng dụng stream video phổ biến và mới đây đã tung ra một ứng dụng chia sẻ video ngắn để cạnh tranh với TikTok ở Trung Quốc.

Dù cho cổ phiếu sụt giảm trong hôm qua, cổ phiếu của Tencent vẫn tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Tencent vẫn là một trong những công ty công nghệ giá trị nhất thế giới, với giá trị vốn hoá thị trường đạt hơn 5 nghìn tỷ Hong Kong dollar (khoảng 650 tỷ USD), cao gấp đôi so với Netflix.

Một đòn tấn công mang tính tượng trưng

Những cú đấm mà ông Trump dành cho Tencent cho đến lúc này hầu như chỉ mang tính tượng trưng, bởi thị phần của WeChat tại Mỹ là rất bé. Nhưng nếu hãng này mở rộng các ứng dụng gaming của mình, hoặc sang các lĩnh vực khác, thì đó sẽ là vấn đề lớn.

Hơn một nửa doanh thu của Tencent trong năm ngoái đến từ một mảng gọi là Value Added Services, bao gồm các tựa game đầy màu mỡ của công ty. Các dịch vụ tài chính và các ứng dụng thanh toán như WeChat Pay đóng góp khoảng 25% doanh thu, và quảng cáo trực tuyến chiếm chưa đến 20%.

Tencent đứng sau nhiều ứng dụng game di động phổ biến, như PUBG. Người chơi tại Mỹ hiện bỏ ra những số tiền khổng lồ vào tựa game này – theo công ty phân tích App Annie thì năm ngoái, PUBG đứng thứ 10 tại Mỹ xét về chi tiêu của người tiêu dùng.

Tencent có thể đánh mất thị trường game di động Mỹ nếu lệnh cấm các ứng dụng Trung Quốc được mở rộng – đó dường như chính là ý đồ của chính quyền Trump.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo nói hôm thứ tư tuần này rằng "các ứng dụng Trung Quốc không đáng tin cậy" nên bị loại bỏ khỏi các cửa hàng ứng dụng Mỹ. Ông không nêu chi tiết quá trình triển khai, hay liệu chính phủ có cần sự hỗ trợ từ các công ty tư nhân hay không.

Sắc lệnh của Trump ở mức tối thiểu sẽ "buộc các nhà cung cấp cửa hàng ứng dụng Mỹ là Apple và Google phải loại bỏ cả hai ứng dụng sau quãng thời gian 45 ngày" – theo Triolo.

Tổn hại quan hệ song phương

Điều chưa rõ là liệu các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google tại Trung Quốc có phải loại bỏ các ứng dụng sau 45 ngày hay không, xét việc chúng được điều hành bởi các công ty Mỹ.

"Vì WeChat đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống thường ngày và trong hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, động thái này nhiều khả năng sẽ là thảm hoạ đối với hoạt động kinh doanh của Apple tại Trung Quốc – ví dụ, nếu iPhone không cài được Weixin thì doanh số của nó nhiều khả năng sẽ tụt dốc" – Triolo nói.

Graham Webster, nhà nghiên cứu Kinh tế Số Trung Quốc tại viện New America ở Washington, thì hoài nghi về việc các lệnh cấm có được triển khai hay không.

"Đúng là có những quan ngại thực sự về quyền riêng tư và không gian mạng đối với các công ty Trung Quốc sử dụng ứng dụng, nhưng đó không phải là điều đang diễn ra. Nếu bạn muốn giải quyết điều đó, bạn phải có một hướng tiếp cận rộng hơn và thiên về kỹ thuật hơn" – Webster nói.

"Tôi có thể thấy các doanh nghiệp Mỹ đang vận động hành lang tích cực. Người ta sẽ phải xem xét lại, và chính quyền thì có lịch sử trì hoãn và thay đổi" những sắc lệnh khoa trương như thế này – ông nói thêm.

Minh.T.T (theo CNN)

Chủ đề khác