VnReview
Hà Nội

Chợ tươi sống tác động đến con người và động vật hoang dã như thế nào?

Chờ đồ tươi sống rất phổ biến tại các nước Nam Á. Các chợ này bán những mặt hàng tươi sống như trái cây, rau củ quả, hải sản, gia cầm… Một mặt, hàng triệu người sinh sống phụ thuộc vào các chợ này, nhưng ở mặt khác, đây có thể là nơi có nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh mới.

Trước đây, khái niệm chợ đồ tươi sống cũng từng được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, đại dịch lần này đã giúp loại hình buôn bán này được cả thế giới biết đến. Tuy nhiên, liệu bạn đã biết chợ tươi sống có thể gây hại cho con người và cả động vật hoang dã như thế nào chưa? Bài viết này sẽ giải đáp cho bạn.

Chợ đồ tươi sống là gì?

Nhiều nơi trên thế giới có những loại hình buôn bán như siêu thị, chợ nông sản… Chợ đồ tươi sống cũng tương tự. Loại hình chợ này thường thấy ở Việt Nam, là một khu vực rộng với nhiều gian hàng bán các thực phẩm tươi sống. Các mặt hàng được bán ở đây gồm rau củ quả, trái cây, thịt, cá… Một số chợ còn bán cả động vật sống được giết mổ tại chỗ.

Động vật sống được bán gồm các loại gia cầm (gà, vịt, bồ câu…), bò sát (rắn, cá sấu, kỳ nhông…) và các loài động vật có vú như (heo, bò, chó, mèo…).

Một khảo sát được tiến hành từ năm 2002 đến năm 2003 cho thấy có 212 loài chim, 84 loài bò sát, 36 loài động vật có vú và 5 loài lưỡng cư được bán trong các chợ đồ tươi sống tại miền Nam Trung Quốc.

Mặc dù các chợ gia cầm thường được tách riêng khu với các chợ cá hay chợ thịt nhưng ở một số nơi các quầy hàng vẫn được bố trí sát nhau.

Hình ảnh một khu chợ đồ tươi sống tại các nước Nam Á (Ảnh: ;Filipe.Lopes & Ronnie Chua/Shutterstock)

Những khu chợ đồ tươi sống có các mặt hàng dễ hư hỏng hơn các chợ đồ khô. Vì vậy, khu chợ đồ tươi sống có nhiều nước thải hơn. Ví dụ như nước từ các bể chứa cá, tôm; máu của các loài vật khi giết mổ; hay đá ướp hải sản tan ra… Ngoài ra người bán cũng thường xuyên tưới nước nên thực phẩm để giữ độ tươi cũng như xịt rửa để vệ sinh quầy hàng của mình.

Chợ đồ tươi sống có ở đâu và đặc điểm của nó là gì?

Chờ đồ tươi sống thường xuất hiện ở các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và ở nơi có dân số đông như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar. Tuy nhiên, một số nơi ở Mỹ cũng có chợ đồ tươi sống.

Chợ đồ tươi sống cung cấp nhu yếu phẩm cho hàng triệu người, đặc biệt là ở các nước châu Á. Do vậy, chợ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống và là kế sinh nhai của hàng triệu người. Hơn nữa, hầu hết người dân tại châu Á ưa chuộng đồ tươi sống hơn là đồ đông lạnh và hàng đóng gói sẵn, những mặt hàng này được tiêu thụ nhiều hơn ở các nước châu Âu. Thông thường, người dân có thể mở một quầy hàng tại chợ và bán các mặt hàng tươi sống cho dân cư quanh khu vực đó. Những người nội trợ ở các nước châu Á thích đến chợ đồ tươi sống hơn. Tại đây, họ có thể trò chuyện với người bán để lựa chọn loại thực phẩm mình cần, hay thông tin về các loại thực phẩm theo mùa, thậm chí là có thể hỏi người bán cách chế biến.

Ảnh: Daniel Fung/Shutterstock

Mặt khác, chợ đồ tươi sống cũng được những người theo phong trào không lãng phí và sống bền vững yêu thích vì hầu hết các mặt hàng bày bán trong chợ không đóng gói sẵn bằng túi nhựa. Người mua hàng có thể tự mang theo túi của mình và tái sử dụng các loại hộp để đựng những thứ họ mua.

Chợ đồ tươi sống và chợ động vật hoang dã có giống nhau?

Nhiều người thường cho rằng chợ đồ tươi sống và chợ động vật hoang dã là một. Tuy nhiên, điều duy nhất giống nhau giữa hai nơi này là cả hai đều là chợ. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai loại chợ trên là chợ động vật hoang dã bán nhiều loài động vật sống trong tự nhiên (như chó sói con hay cầy hương) hoặc các bộ phận của chúng. Thậm chí nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng và chúng được mua bán, trao đổi trái phép tại các chợ động vật hoang dã. Một số loài còn được giết mổ tại chỗ để chế biến. Bên cạnh đó, chợ động vật hoang dã cũng bán các sản phẩm chế biến sẵn có nguồn gốc từ động vật tự nhiên như đồ ăn, thú nuôi hay thuốc.

Các mặt hàng trong chợ động vật hoang dã (Ảnh: Vladimir Wrangel & MindStorm & WeHaveEverything/Shutterstock)

Chợ đồ tươi sống tác động đến con người như thế nào?

Mối quan tâm lớn nhất đối với chợ đồ tươi sống là nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ động vật hoang dã sang người. Hãy nghĩ xem, các chợ này bán nhiều loại động vật sống và được nhốt trong chuồng nhiều ngày, hay thậm chí là nhiều tuần. Thường thì chúng bị nuôi nhốt trong môi trường thiếu vệ sinh, không gian chật chội và thường xuyên tiếp xúc với con người. Điều kiện môi trường này chính là nơi lý tưởng cho các dịch bệnh phát triển, lây lan và truyền từ loài động vật này sang động vật khác và cuối cùng là truyền sang người.

Động vật thường mang các loại vi sinh vật có hại như vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng có thể khiến con người mắc các bệnh nghiêm trọng. Thực tế, các nhà khoa học tại Mỹ ước tính khoảng 75% dịch bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật. Vi khuẩn có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp (dịch cơ thể, phân), gián tiếp (tiếp xúc với các bề mặt lây nhiễm), qua thức ăn, nguồn nước và qua vật chủ trung gian (như bọ ve).

Chợ đồ tươi sống thường trong tình trạng kém vệ sinh và không an toàn (Ảnh:  icosha & Kim David & Amar Shrestha/Shutterstock)

Trước đây, nhiều dịch bệnh đã phát sinh và lây lan ra từ chợ đồ tươi sống. Một ví dụ điển hình là hội chứng suy hô hấp cấp, hay còn gọi là SARS. Trong giai đoạn 2002-2003, căn bệnh đường hô hấp do một virus mới xuất hiện đã gây ra dịch bệnh tại Trung Quốc và sau đó lan ra toàn thế giới khiến 8.000 người bị nhiễm bệnh. Nguồn bệnh được cho là từ con cầy vòi mốc, chúng được nuôi tại Trung Quốc để làm thực phẩm và phục vụ mục đích y tế. Đến nay, chúng ta vẫn chưa rõ chúng là nguồn phát sinh virus hay chỉ là vật chủ trung gian. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã xác định mối quan hệ giữa sự xuất hiện của SARS và quá trình mua bán cầy vòi mốc tại các nước Nam Á.

Tương tự, dơi được xác định là loài phát sinh virus corona giống với SARS gần đây. Và người ta tin rằng việc mua bán thịt dơi đã dẫn đến sự lây nhiễm chéo giữa các loài động vật tại chợ đồ tươi sống và con người. Các nhà nghiên cứu còn tìm thấy sự xuất hiện của vi khuẩn Salmnella trong các loài gặm nhấm tại chợ đồ tươi sống ở Thái Lan vì chúng tiếp xúc gần với con người và đồ ăn. Trên thực tế, các nhà khoa học nghi ngờ rằng virus gây ra dịch Covid-19 xuất phát từ các chợ đồ tươi sống tại Trung Quốc.

Chợ đồ tươi sống tác động đến các loài động vật hoang dã như thế nào?

Không may là nhiều chợ đồ tươi sống không chỉ bán các loài gia cầm và hải sản. Nhiều nơi còn có cả các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng bị cấm săn bắn và mua bán như tê tê, cầy hương, dơi, rùa, rắn, sói con, lửng và nhiều loài khác. Những con vật này thường được nuôi nhốt trong môi trường thiếu vệ sinh và bị đối xử tồi tệ khiến chúng luôn trong tình trạng căng thẳng. Và cũng giống như con người, khi cơ thể chúng căng thẳng, hệ miễn dịch sẽ yếu đi và khiến chúng dễ mắc bệnh hơn. Khi có càng nhiều động vật với hệ miễn dịch kém được nuôi nhốt gần nhau và có tiếp xúc gần với con người thì môi trường lý tưởng cho sự xuất hiện của một dịch bệnh mới đã được hình thành.

Nuôi nhốt động vật trong môi trường chật hẹp, tối và mất vệ sinh khiến chúng bị căng thẳng cao độ (Ảnh: Ronnie Chua & tera.ken/Shutterstock)

Mặt khác, sự gia tăng dân số chóng mặt của con người và nhu cầu về thịt là mối đe dọa đối với sự sinh tồn của các loài động vật khác. Ví dụ tại chợ đồ tươi sống Tây Bengal (Ấn Độ), đây được biết đến là nơi mua bán trái phép các loài rùa, nhím, cá đuối và thằn lằn, các loài này đều được pháp luật bảo vệ. Đặc biệt là rùa, chúng được xem là món ăn ngon trong các lễ hội và có khoảng 150 ký thịt rùa được bán tại các chợ mỗi năm.

Đa số các nhà khoa học đều dự báo rằng thế giới sẽ chứng kiến sự gia tăng của các mầm bệnh lây nhiễm từ động vật sang con người. Để ngăn chặn điều này, chúng ta phải có những biện pháp cũng như luật lệ chặt chẽ nhằm ngăn chặn việc mua bán trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm từ chúng. Với bài biết này, chúng tôi hi vọng bạn sẽ chung tay ngăn chặn bằng cách nói không với việc mua bán các loài động vật hoang dã nói chung và các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Minh Bảo theo Science ABC

Chủ đề khác