VnReview
Hà Nội

Trung Quốc phản ứng ra sao trước lệnh cấm TikTok của chính quyền Mỹ?

Các chuyên gia cảnh báo trong khi người tiêu dùng Trung Quốc lại bày tỏ sự tức giận với lệnh cấm TikTok và WeChat của chính quyền Trump.

Câu chuyện nóng nhất trong tuần vừa qua chính là việc tổng thống Trump cảnh báo sẽ cấm TikTok nếu như nó không được một công ty Mỹ tiếp quản trước ngày 15/9 tới.

Và trong lúc Microsoft đang nỗ lực hết mình để đạt được thỏa thuận mua lại mảng kinh doanh TikTok tại Mỹ từ tay ByteDance, Trung Quốc rõ ràng cũng rất quan tâm đến thương vụ này.

Tờ China Daily mới đây đã đăng tải một bài xã luận mô tả việc TikTok bị Mỹ "bắt nạt" như thế nào và giải thích nguyên nhân dẫn tới việc công ty mẹ ByteDance buộc phải từ bỏ quyền sở hữu và chuyển giao cho một công ty Mỹ khác.

Bài xã luận có đoạn khẳng định, Trung Quốc sẽ không ngồi nhìn TikTok bị một công ty Mỹ tiếp quản, đồng thời cho biết thêm chính quyền Bắc Kinh có nhiều cách để đối phó nếu Mỹ cố tình chiếm đoạt ứng dụng này. Bài viết nhấn mạnh, Mỹ đang "bắt nạt" các công ty công nghệ Trung Quốc và đây là kết quả của "tầm nhìn hạn hẹp", coi nước Mỹ trên hết và khiến các công ty Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải phục tùng hoặc chiến đấu tới chết.

Ngoài China Daily, một tờ báo khác là Global Times cũng có một bài xã luận tương tự, phản đối lệnh cấm của Trump với TikTok. Tuy nhiên tờ báo này có chỉ ra một vấn đề, đó là Trung Quốc không có đủ khả năng để bảo vệ các công ty nước này khỏi sự trả đũa của Mỹ vì rõ ràng Mỹ vẫn có ưu thế cao hơn về công nghệ và các mối quan hệ đồng minh.

Nhiều khả năng, chính phủ Trung Quốc có thể tính đến giải pháp cấm Apple hoặc đưa công ty này vào danh sách các thực thể không tin cậy giống như cách Mỹ đã làm với Huawei. Trước đó, hai gã khổng lồ công nghệ Mỹ là Facebook và Google đã bị cấm tại Trung Quốc.

Đã từng có thời điểm Apple chiếm giữ phần lớn doanh số bán smartphone tại thị trường Trung Quốc. Nhưng trong vài năm trở lại đây, Huawei và các thương hiệu nội địa nước này đang dần vươn lên và vượt mặt Apple. Đơn cử như Huawei đã vượt mặt Apple và Samsung trở thành hãng smartphone số 1 tại thị trường Trung Quốc và cả trên thế giới.

Các chuyên gia đánh giá lệnh cấm của ông Trump mang tính chủ quan

Ông Trump tuyên bố sẽ cấm TikTok với lý do ứng dụng này là mối đe dọa an ninh quốc gia. Và nếu muốn tiếp tục hoạt động tại Mỹ, họ sẽ phải bán chi nhánh tại Mỹ cho một công ty Mỹ. Ông Trump cho rằng, một phần đáng kể từ thương vụ này, bất kể ai trả phí sẽ phần nào đóng góp cho Kho bạc Mỹ.

Ông Trump khẳng định: "Nó hơi giống mối quan hệ chủ nhà/người thuê nhà. Nếu không có hợp đồng thuê nhà thì sẽ không có người thuê. Vì vậy họ sẽ phải trả khoản tiền được gọi là tiền thuê nhà. Nhưng nước Mỹ cũng phải được hoàn trả hoặc được trả một phần số tiền vì nếu không có nước Mỹ thì họ sẽ chẳng có gì cả. Vì vậy ít nhất nước Mỹ phải có 30% trong số đó".

Như CNN và một số bên đã chỉ ra, thỏa thuận mà ông Trump vẽ không có cơ sở nếu chiếu theo luật chống độc quyền. Thậm chí một số chuyên gia đã so sánh nó giống như một thỏa thuận với mafia vậy.

Cựu cố vấn Bộ Tư pháp Mỹ, ông Gene Kimmelman cho biết: "Đây là điều khá bất thường và điều này nằm ngoài quy chuẩn. Thực sự rất khó hiểu tổng thống Trump đang muốn nói đến điều gì ở đây. Việc có những giao dịch mang ý nghĩa địa chính trị lớn giữa các quốc gia không phải là hiếm. Nhưng thật lạ khi có thể nghĩ về những khoản tiền kiếm được từ các giao dịch mua bán này".

Các chuyên gia chỉ ra rằng, động thái của ông Trump không giúp giải quyết vấn đề an ninh mà còn tiếp tục làm trầm trọng thêm các vấn đề đang diễn ra.

Mark Lemley, giám đốc chương trình luật, khoa học và công nghệ của Đại học Stanford cho biết: "Tôi nghĩ đây là một phần trong kế hoạch phân tán Internet và đó là vấn đề. Việc tách TikTok thành các thực thể ở các quốc gia khác nhau sẽ chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn".

Ngay từ trước khi có lệnh cấm của ông Trump, phía TikTok vẫn liên tục đưa ra các cam kết về việc bảo mật cơ sở dữ liệu của người dùng Mỹ. Josh Gartner, người phát ngôn của TikTok nhấn mạnh: "TikTok có 100 triệu người dùng tại Mỹ vì nó là ngôi nhà để giải trí, thể hiện bản thân và kết nối. TikTok sẽ ở đây trong nhiều năm tới".

Từ trước khi có lệnh cấm của Mỹ, truyền thông đã nhiều lần đưa tin về việc ByteDance đang tìm cách mở các trụ sở TikTok mới ở nước ngoài, trong đó có Mỹ để xoa dịu sự lo ngại của giới chức Mỹ.

Về phần người tiêu dùng Trung Quốc. Lệnh cấm bất ngờ của ông Trump đã làm dấy lên làn sóng tức giận của đông đảo người dùng trên các mạng Weibo, WeChat và TikTok.; Họ cho rằng, đó là lệnh cấm "điên rồ" và "vô lý". Ngoài ra đông đảo người dùng nước này tiếp tục kêu gọi làn sóng tẩy chay các thương hiệu của Mỹ ví dụ như Apple, Tesla.

Tiến Thanh

Chủ đề khác