VnReview
Hà Nội

Những nơi được ca ngợi chống dịch Covid-19 tốt nhất thế giới, hiện giờ ra sao?

Một số quốc gia trên thế giới từng được ca ngợi vì cách phòng chống Covid-19 rất tốt, có thông điệp rõ ràng, chế độ cách ly nghiêm ngặt... Nhưng giờ đây, đa phần các nước tiếp tục phải đối phó với làn sóng dịch mới.

Hơn 20 triệu người trên thế giới đã nhiễm Covid-19, số ca bệnh ở Mỹ vượt mốc 5 triệu

Úc

Chỉ vài tháng trước, Úc được ca ngợi trên toàn thế giới vì phản ứng tốt với đại dịch Covid-19. Họ đóng cửa biên giới của mình từ rất sớm, hạn chế các cuộc tụ tập, đóng cửa các nhà hàng, quán bar khi các ca nhiễm gia tăng vào tháng 3. Một thời gian sau đó, đại dịch được kiểm soát tại nước này.

Vào ngày 8/5, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã công bố kế hoạch mở lại đất nước vòa tháng 7. Vào thời điểm đó, Úc có khoảng gần 7.000 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 97 ca tử vong.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số trường hợp nhiễm bệnh ở nước này lại tăng đột biến, đặc biệt là ở bang Victoria. Trong ngày 9/8, 19 người ở nước này chết vì Covid-19 - một kỷ lục trên toàn Úc kể từ khi đại dịch bắt đầu. Vùng ranh giới giữa 2 bang Victoria và New South Wales - 2 bang đông dân nhất của Úc đã lần đầu tiên bị đóng cửa trong suốt 100 năm. Úc hiện tại đang tăng cường các biện pháp kiểm dịch, lệnh giới nghiêm được ban hành trên khắp Melbourne và các ngành không thiết yếu phải đóng cửa, các trường học trở lại hình thức học online. Đến nay, Úc đã có khoảng 21.000 ca nhiễm Covid-19, 314 người tử vong.

Hong Kong

Hong Kong được thế giới ca ngợi vì phản ứng nhanh với Covid-19 ngay từ thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát. Họ đưa ra các biện pháp giãn cách xã hội, khuyến khích rửa tay và các biện pháp bảo vệ khác ngay từ tháng 1/2020.

Vào tháng 3, Hong Kong đã cấm tất cả những người không phải cư dân ở đây nhập cảnh. Đặc khu hành chính của Trung Quốc này cũng tạm dừng việc quá cảnh tại sân bay, thực hiện việc kiểm tra và cách ly nghiêm ngặt... trong nhiều tuần, số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày ở Hong Kong giảm xuống rõ rệt.

Tuy nhiên, bất chấp những biện pháp kiểm dịch mạnh mẽ, Hong Kong vẫn chứng kiến rất nhiều ca nhiễm Covid-19 trong thời gian gần đây. Các quan chức y tế ở đây bắt đầu cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn nếu dịch bệnh không được kiểm soát. Các cuộc tụ tập đông người ở Hong Kong đã bị giới hạn, phòng tập thể dục đóng cửa và khách du lịch đến đây đã phải đưa ra giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2. Vào cuối tháng 7, Hong Kong đã lần đầu tiên quy định việc đeo khẩu trang bắt buộc.

Ngày 9/8, Hong Kong ghi nhận 72 ca nhiễm mới, trong đó có 63 ca lây nhiễm cộng đồng. Đến thời điểm này, tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở đây là 4.079 người và 51 người tử vong.

Đức

Đức được coi là một trong những hình mẫu về chống dịch ở châu Âu khi vào tháng 3, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trung bình của thế giới là 4% thì con số này ở Đức chỉ là 0,4%. Cơ quan chức năng Đức gần như đã ngăn chặn được dịch bệnh bùng phát nhờ những phản ứng nhanh chóng, xét nghiệm hàng loạt và những biện pháp cách ly nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, khi Đức bắt đầu mở cửa trở lại, các biện pháp cách ly được nới lỏng thì số ca nhiễm Covid-19 ở nước này lại bắt đầu tăng đột biến. Vào tháng 5, Đức ghi nhận khoảng 900 ca nhiễm bệnh mỗi ngày. Đến tháng 6, một bang của nước này đã phải áp đặt các lệnh cấm mới sau khi hơn 1.000 công nhân ở một nhà máy chế biến thịt dương tính với virus SARS-CoV-2.

Đến ngày 31/7, Đức ghi nhận 955 ca nhiễm Covid-19 - con số cao nhất được ghi nhận kể từ đầu tháng 5. Sự gia tăng ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia ở Tây Âu được cho là do các biện pháp cách ly được nới lỏng cũng như có quá nhiều người trở về Đức từ nước ngoài.

Nhật Bản

Nhật Bản trong những ngày cuối tháng 5 được cả thế giới ca ngợi về các biện pháp chống dịch hiệu quả. Ngày 25/5, Thủ tướng Shinzo Abe đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp của nước này và tuyên bố: 'Chúng ta có thể chấm dứt sự bùng phát dịch bệnh bằng cách riêng của Nhật Bản'. Ông cũng cho biết 'đất nước mặt trời mọc' sẽ dần dần tăng cường các hoạt động kinh tế, xã hội để tạo ra một 'cuộc sống mới' với virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, thời gian gần đây Nhật Bản đã tiếp tục phải đối phó với làn sóng dịch bệnh mới. Ngày 8/8, Nhật Bản ghi nhận thêm 1.564 ca nhiễm Covid-19, riêng tại thủ đô Tokyo là 429 trường hợp. Chính quyền thành phố Tokyo đã phải nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất khi số ca nhiễm Covid-19 không ngừng tăng trong những ngày vừa qua.

Nghiên cứu tại Nhật Bản cho thấy rằng nhiều người nhiễm Covid-19 có thể bị lây từ những trường hợp dưới 40 tuổi, không cảm thấy bị bệnh (không có triệu chứng). Từ đó, nước này cho rằng nên tăng cường các biện pháp cách ly, giãn cách và đeo khẩu trang để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh.

T.T

Chủ đề khác