VnReview
Hà Nội

Thủ tướng: Cung cấp ít nhất 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm nay

Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp và nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020. Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn 8 bộ, 25 tỉnh tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 dưới 10%, đây là con số đáng báo động.

Thủ tướng: Lần này dịch khác trước vì đã lây ra cộng đồng nhiều ngày

Chiều 26/8, tại trụ sở Chính phủ đã diễn ra hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) với các Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT bộ, ngành và Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành phố. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.

Bài học từ sự quyết liệt của người đứng đầu

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Bộ Y tế cho biết một trong những bài học quan trọng là sự quyết liệt của người đứng đầu. Đến nay Bộ Y tế đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. 100% bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh đã kết nối giám định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam,...

Cùng quan điểm, tỉnh Bình Phước cho rằng nơi nào người đứng đầu vào cuộc thật sự thì nơi đó có kết quả cao. Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện được trang bị máy tính, cấp xã đạt 71%. Với sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã được hoàn thiện.

UBND tỉnh đã yêu cầu cán bộ, công chức không nhận hồ sơ giấy khi thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đã tăng vượt bậc, từ 9% (trước ngày 19/5/2020) lên 97% (ngày 21/8/2020). Tỉnh Bình Phước đề xuất Chính phủ sớm hoàn thiện và chia sẻ cho địa phương sử dụng các cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, đất đai, đăng ký kinh doanh...

Báo cáo tại Hội nghị về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết đã bố trí 100% công an xã chính quy, đây là một nguồn nhân lực quan trọng để bảo đảm thu thập, bổ sung dữ liệu đầy đủ, liên tục. Từng đồng chí cảnh sát khu vực, công an xã xuống từng khu vực nhà dân như khẩu hiệu trong chống dịch COVID-19 là "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để bảo đảm có số liệu chính xác, đầy đủ. Đến nay đã thu thập 40 triệu thông tin. Bộ Công an phấn đấu sẽ đưa vào vận hành chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1/7/2021. Bộ cũng đề xuất triển khai dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân đồng bộ với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, làm nền tảng cho Chính phủ điện tử.

Báo cáo tiến độ và kế hoạch triển khai cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, Bộ TN&MT cho biết, đến nay 100% Văn phòng Đăng ký đất đai đã ứng dụng CNTT trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai.

Tính đến hết tháng 8/2020 đã có 192/707 đơn vị hành chính cấp huyện đưa cơ sở dữ liệu (CSDL) địa chính vào vận hành, khai thác, sử dụng, đã đưa được hơn 22 triệu thửa đất và hơn 11 triệu hồ sơ địa chính dạng số vào CSDL đất đai để quản lý, khai thác sử dụng.

Ghi nhận các ý kiến, kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát huy, tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ số để góp phần cùng xã hội vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam mà được thế giới đánh giá là điểm sáng.

Thủ tướng cũng biểu dương các doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu như Viettel, VNPT, BKAV… đã đóng góp nhân lực, tài lực vào phòng chống dịch, đầu tư xây dựng các ứng dụng xử lý, phân tích tình hình dịch bệnh, truy vết tiếp xúc người nhiễm bệnh như Bluezone, NCovi…

Những tồn tại cần sớm khắc phục

Theo Thủ tướng, lực lượng trên 50.000 doanh nghiệp công nghệ hiện nay có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số ở Việt Nam, "không có thì khó thành công". Thời gian qua, các nền tảng CPĐT được phát triển nhanh. Số lượng các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh được xây dựng tăng đột biến, trong 6 tháng qua, tỉ lệ bộ, tỉnh có nền tảng này tăng hơn 3 lần (tháng 2/2020 mới chỉ có 25 bộ, tỉnh có nền tảng tương ứng 27%, nhưng đến tháng 7 đã có 76 bộ, tỉnh có nền tảng, tương ứng 82,6%). Hiện nay, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp khoảng 15,9%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại cần sớm khắc phục. Đó là môi trường pháp lý cho CPĐT chưa hoàn thiện, một số nghị định quan trọng vẫn chưa được ban hành (bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh, xác thực điện tử).

Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp và nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020. Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn 8 bộ, 25 tỉnh tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 dưới 10%, đây là con số đáng báo động.

Một số cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử vẫn chậm được triển khai, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai. Vấn đề an toàn, an ninh mạng chưa được đầu tư đúng mức. Đầu tư cho an toàn an ninh mạng thường không đạt ngưỡng 10% ngân sách chi cho CNTT.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị triển khai ngay một số phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Trước hết là về thể chế. Bộ Công an cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2020.

Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ TT&TT hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử, phấn đầu hoàn thành trong quý III/2020.

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, hướng đến năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4… Hằng tháng, Bộ TT&TT thống kê tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của từng bộ, tỉnh để đôn đốc triển khai.

T.T

Chủ đề khác