VnReview
Hà Nội

Bài văn điểm 10 thi THPT Quốc gia lấy dẫn chứng "đại gia Gatsby" không phù hợp

Tại kỳ thi THPT quốc gia 2020, trên cả nước có hai thí sinh đạt điểm 10 ngữ văn - môn tự luận duy nhất trong số tất cả các môn thi.

Điểm chẩn đại học 2020: Sẽ tăng rất mạnh so với năm 2019?

Đây là kết quả khá bất ngờ bởi môn ngữ văn vẫn thi ở hình thức tự luận và được cho rất khó có điểm 10 tuyệt đối. Như năm 2019 không có một điểm 10 nào xuất hiện ở môn học này tại kỳ thi THPT Quốc gia. Hai thí sinh đạt điểm 10 môn ngữ văn gồm em Đặng Thị Hồng Trang (lớp 12A1 Trường THPT Mỹ Tho, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) và em Dương Ngọc Trâm (Trường THPT Chu Văn An, An Giang).

Đáng chú ý trong hai thí sinh này có em Ngọc Trâm đã trả lời báo chí về bài thi đạt điểm 10 ngôn ngữ văn của mình. Trâm cho biết: "Em biết một số bạn chỉ phân tích từng câu, từng chữ trong đoạn trích mà không nêu bật lên được luận điểm chính đề bài yêu cầu: "Đất nước là của nhân dân". Em nghĩ rằng, điều người chấm muốn nhìn thấy là khả năng phân tích, lập luận chứ không chỉ là vấn đề về mặt câu chữ".

Ngọc Trâm cho biết trong bài làm đã liên hệ, dẫn chứng ở các tác phẩm trong và ngoài nước. Thí sinh này nói: "Em đã liên hệ với tác phẩm "Đại gia Gatsby". Nhân vật chính trong tác phẩm này xuất phát điểm là một người nghèo đói, nhưng anh vẫn sẵn sàng ra trận để chiến đấu. Khi trở lại, anh chăm chỉ làm việc và trở thành đại gia nước Mỹ trong những năm 50. Em đã liên hệ với nhân vật này để làm dẫn chứng cho "những người đã làm ra đất nước".

Ngọc Trâm, thí sinh đạt điểm 10 môn Ngữ văn tại kỳ thi THPT Quốc gia 2020

Tuy nhiên, ngay sau khi Ngọc Trâm chia sẻ về bài thi môn ngữ văn của mình đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, có ý kiến cho rằng việc thí sinh này lấy dẫn chứng về tác phẩm "Đại gia Gatsby" để làm rõ luận điểm chính "Đất nước là của nhân dân' thực sự không phù hợp. Đặc biệt, Trâm liên hệ Gatsby - một nhân vật hư cấu, nổi tiếng với sự gian xảo trong kinh doanh để dẫn chứng cho "những người làm ra đất nước" là không đúng.

Thực tế nhân vật Gatsby là người xuất hiện trong tiểu thuyết "Đại gia Gatsby" (The Great Gatsby của nhà văn Mỹ F. Scott Fitzgerald được xuất bản năm 1925) là một kẻ dối trá, mạo danh. Người này là một đại diện cho tầng lớp gian xảo của nước Mỹ trong thập niên 1920, thành công được xây dựng từ sự dối trá, buôn lậu rượu và cuối cùng kết thúc trong bi kịch.

Cùng với đó, xuyên suốt tiểu thuyết "Đại gia Gatsby", tác giả Francis Scott Key Fitzgerald chủ yếu tập trung và chuyện tình yêu của Gatsby và Daisy. Khi là sĩ quan quân đội (tham gia Thế chiến I) chưa có gì trong tay thì Gatsby đã đem lòng yêu tiểu thư 'con nhà lành' Daisy. Tuy nhiên, khi Gatsby trở nên giàu có bằng những trò làm ăn gian xảo, phi pháp thì Daisy đã lấy chồng. Không từ bỏ, nhân vật chính liên tục tổ chức tiệc tùng, tận dụng các mối quan hệ để 'lấy lòng' người đẹp. Thế nhưng những bi kịch cứ nối tiếp bi kịch xung quanh chuyện tình của Gatsby và Daisy.

Có thể nói, trong tiểu thuyết kể trên, Gatsby là một nhân vật có quá khứ tăm tối, chạm đỉnh thành công từ những việc làm dối trá và chỉ có tình yêu dành cho Daisy là chân thành. Ý nghĩa của tác phẩm "Đại gia Gatsby" cũng không phải trọng tâm đề cập đến quá trình nỗ lực của Gatsby và nhân vật này cũng không thể được lấy ra làm dẫn chứng cho "Những người đã làm ra đất nước". Công bằng mà nói, Gatsby chỉ phù hợp làm biểu tượng cho những người hết lòng vì tình yêu.

Nhân vật Gatsby nổi tiếng trong lịch sử văn học Mỹ bởi đây được coi là một biểu tượng của văn hóa đại chúng với một tính cách, suy nghĩ rất phức tạp và có thể nói là đại diện của nước Mỹ trong thập niên 1920 với sự thành công được xây dựng từ sự dối trá và cuối cùng kết thúc trong bi kịch.

Bản thân tác phẩm này cũng gây tranh cãi ở Mỹ. Thậm chí mới đây, Hội đồng giáo dục Alaska đã bỏ phiếu cấm tác phẩm này được đưa vào giảng dạy trong nhà trường bởi nội dung vì đề cập đến tình dục và mô tả về hiếp dâm và loạn luân, không phù hợp với lứa tuổi teen.

Tóm lại, Gatsby là một nhân vật làm giàu bất chính điển hình với mục tiêu sống là kiếm tiền, làm giàu và đến khi chết cũng vì tình yêu với Daisy. Mục đích của tác phẩm "Đại gia Gatsby" là nói về tình yêu và so sánh nhân vật Gatsby với "Những người làm ra đất nước" trong bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm là rất khập khiễng và vô căn cứ. Đồng thời, Ngọc Trâm cũng trả lời phỏng vấn cho biết Gasby trở thành đại gia nước Mỹ trong những năm 1950. Đây là điều hoàn toàn sai bởi bối cảnh của "Đại gia Gatsby" là vào những năm 1920.

Vì vậy, nếu dẫn chứng trong bài thi đạt điểm 10 của Ngọc Trâm là về Gatsby như những gì thí sinh này trả lời phỏng vấn là sự thật thì kết quả đó rất đáng phải xem xét. Thí sinh có quyền bày tỏ quan điểm, trình bày hiểu biết, kiến thức trong bài thi. Còn việc đánh giá bài thi đó hoàn hảo là của giám khảo.

Điểm 10 trong bài thi môn Ngữ văn tại kỳ thi THPT Quốc gia đại diện cho sự hoàn mỹ bởi đây là môn thi tự luận và cả nước chỉ có 2 người làm được điều này. Vậy sự hoàn mỹ này có đúng đắn không khi một người dối trá, gian xảo được lấy ra làm đại diện cho "Những người làm ra đất nước"?

T.T

Chủ đề khác