VnReview
Hà Nội

CEO Nguyễn Tử Quảng nói về cách để duy trì cuộc sống bình thường mới đối mặt với đại dịch Covid-19

Tối 26/8, tại group Bphone Fans Club - Trải nghiệm không giới hạn, CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng đã có buổi livestream giao lưu trò chuyện trực tuyến đầu tiên với cộng đồng Bfans và những người yêu công nghệ với chủ đề chính xoay quanh "Cuộc sống bình thường mới với phòng chống dịch Covid và ứng dụng Bluezone".

Mở đầu buổi giao lưu, ông Quảng chia sẻ về "niềm vui nho nhỏ" của ông trong ngày khi vừa buổi chiều ông cùng một nhóm các start-up công nghệ đã có cuộc nói chuyện gần gũi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng có nhắc đến Bphone và niềm xúc động của Thủ tướng khi lần đầu tiên được cầm trên tay chiếc smartphone "made in Việt Nam". Sự kiện Thủ tướng lần đầu cầm trên tay điện thoại Bphone đã diễn ra khá lâu rồi nhưng Thủ tướng vẫn nhớ để nhắc lại khiến ông Quảng vui và tin rằng Bphone đã có sự ủng hộ của các vị lãnh đạo cao nhất. "Vấn đề là chúng ta tiếp tục cùng nhau thúc đẩy ngành công nghiệp smartphone, đặc biệt là xóa bỏ định kiến rằng chúng ta không cạnh tranh được với các nước phát triển", ông Quảng chia sẻ với các Bfans.

Buổi giao lưu kéo dài khoảng hơn 1 giờ và CEO Nguyễn Tử Quảng đã giải đáp nhiều câu hỏi về ứng dụng Bluezone giúp người xem hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của ứng dụng cũng như hiểu được tại sao càng nhiều người cài đặt sử dụng Bluezone thì hiệu quả bảo vệ cộng đồng khỏi Covid-19 càng cao.

Giải thích tại sao Bluezone không sử dụng các công nghệ như GPS hay mạng di động mà sử dụng công nghệ Bluetooth, ông Quảng cho biết, các công nghệ như GPS và mạng di động đều có nhược điểm là cho sai số rất lớn và không chính xác khi cần xác minh sự tiếp xúc gần giữa những người sử dụng. Công nghệ GPS chỉ cho biết một người đang ở trong một toà nhà nhưng không biết họ đứng chính xác ở vị trí nào, căn phòng nào trong toà nhà đó và nếu xuất hiện một ca F0 trong tòa nhà thì có thể phải cách ly cả tòa nhà. Công nghệ mạng di động có thể phát hiện khoảng cách lên đến vài trăm mét giữa những người ở trong cùng một khu vực và thực tế ở ổ dịch Bạch Mai hay Đà Nẵng, cơ quan chức năng đã sử dụng các trạm BTS của nhà mạng để tìm ra những người có mặt ở ổ dịch, nhưng số lượng lên tới hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn, tức là sai số rất lớn, không hiệu quả trong việc tìm ra F1, F2. Trong khi đó, công nghệ Bluetooth có thể phát hiện các tiếp xúc gần ở phạm vi từ 1 đến 10m và trong các tòa nhà, trong các văn phòng, việc khoanh vùng và ghi nhận các tiếp xúc sẽ hiệu quả hơn. Đấy là vì sao không chỉ Việt Nam mà cả thế giới hiện nay tin tưởng vào công nghệ Bluetooth.

Bluezone cũng sử dụng công nghệ Bluetooth Low Energy (BLE) là thế hệ mới so với công nghệ Bluetooth Classic, có mức tiêu thụ năng lượng thấp nên có thể bật hàng ngày, người dùng có thể sử dụng liên tục mà không phải lo lắng về vấn đề pin. Hiện nay nhiều bạn trẻ đã quen với việc sử dụng tai nghe không dây kết nối với điện thoại bằng công nghệ Bluetooth nên có thể nói công nghệ này đang ngày càng phổ biến và tiện dụng, an toàn.

Về vấn đề một số dòng điện thoại cũ không tương thích với công nghệ Bluetooth BLE, ông Quảng cho biết đó là một vấn đề nhóm phát triển vẫn đang nghiên cứu vì nếu áp dụng công nghệ Bluetooth Classic thì sẽ dùng được trên nhiều thiết bị hơn nhưng có thể sẽ tốn pin hơn và không thể ở chế độ chạy ngầm. Tuy nhiên điều này không đáng lo, vì thực tế còn có những người sử dụng điện thoại cơ bản feature phone cũng không thể cài được Bluezone, nhưng một khi cộng đồng cài Bluezone đủ lớn thì vẫn có hiệu quả chống dịch. Ví dụ khi vào một nhà hàng có rất nhiều người, chúng ta không thể đòi hỏi tất cả mọi người đều dùng smartphone và tất cả những người dùng smartphone đều cài Bluezone, nhưng vẫn có hiệu quả chống dịch vì thực tế trong truy vết để tìm ra các F1, F2 khi có 1 người bị nhiễm F0 ở trong nhà hàng, cơ quan y tế sẽ điều tra dịch tễ cơ bản truyền thống, hỏi xem người đó tiếp xúc trực tiếp với ai, việc này phụ thuộc vào trí nhớ của người nhiễm F0, từ đó giúp khoanh vùng một phần. Phần còn lại, tức là khi bệnh nhân F0 không nhớ được hết những người đã tiếp xúc, cũng như những người vô tình tiếp xúc với F0 mà không biết, thì Bluezone sẽ phát huy vai trò, tự động tìm ra được những ai đã tiếp xúc với người này. Như vậy chúng ta kết hợp cả cách truyền thống và cách sử dụng Bluezone. Vì lẽ đó, càng nhiều người cài đặt Bluezone thì càng hỗ trợ cơ quan chức năng sớm truy vết người tiếp xúc và sẽ dập dịch được nhanh chóng.

Đáng chú ý, CEO Nguyễn Tử Quảng dành nhiều thời lượng của buổi giao lưu để giải thích về hệ số lây nhiễm của virus SARS-CoV2 và ý nghĩa của việc truy vết dập dịch sớm, các điều kiện để chúng ta vẫn có thể sống cuộc sống bình thường trong lúc vẫn kiểm soát được dịch bệnh tránh lây lan rộng.

Theo ông Quảng, virus SARS-CoV2 - với tính toán và chứng minh của các nhà khoa học - lây nhiễm với hệ số 2,5 cho đến 3, tức là 1 người có thể lây cho khoảng 3 người, trong một đợt bùng phát dịch thì có thể có hệ số lây nhiễm cao hơn nhưng khi đã lây rộng thì hệ số chung là như vậy và đó là quy luật rồi. Khi virus lây với khoảng 3 chu kỳ (1x3, 3x3, 9x3) thì khi phát hiện ra F0 đầu tiên, kết hợp dùng Bluezone và các công nghệ truy vết truyền thống, chúng ta sẽ tìm ra ngay lập tức các trường hợp tiếp xúc gần. "Nếu sau này mọi người đều cài Bluezone và phối hợp nhịp nhàng, thì thậm chí trong 1 tuần chúng ta sẽ tìm được hết những người tiếp xúc với người đó. Và chắc chắn là những ca nhiễm nằm trong số đó. Nó lây nhiễm trong 3 tuần và chỉ trong 1 tuần chúng ta truy vết xong hết rồi, thì nó không có cơ hội để bùng lên như vừa rồi. Vì dịch bệnh lây theo cấp số nhân nên nếu để lơ là như một số nước khác, dịch lây lan mạnh nhiều chu kỳ thì sẽ không kiểm soát được", ông Quảng nói.

Vậy cuộc sống "bình thường mới" sẽ diễn ra như thế nào? Theo ông Quảng, chúng ta hoàn toàn có thể chấp nhận một vài ca nhiễm trong cộng đồng, sau đó nó sẽ bộc lộ ở các bệnh viện. Các bệnh viện sẽ phải thực hiện các chốt chặn ở các khoa liên quan đến các bệnh hô hấp, thực hiện xét nghiệm để rà soát F0 và khi phát hiện F0 thì nhanh chóng dùng Bluezone cùng với các công nghệ khác để truy tìm ngay được các F1, F2, giảm số chu kỳ lây nhiễm.

"Theo tính toán của Viện nghiên cứu AI của Bkav, có ít nhất trên 50 triệu người trên cả thế giới nhiễm Covid trong thời gian tới, thì dịch bệnh sẽ còn kéo dài hàng năm trời nữa, thậm chí là 2 năm nữa như WHO đã nói. Chúng ta không thể đóng cửa một mình, chúng ta vẫn phải giao thương với thế giới. Tôi nói ví dụ chúng ta sẽ phải mở cửa để cho những người ở mức độ kiểm soát như chúng ta, không cần phải là tuyệt đối không có ca Covid nào, ví dụ mỗi ngày họ chỉ vài ca, vài chục ca. Tôi nghĩ rằng Việt Nam sắp tới cũng sẽ vậy, mỗi ngày vài ca, vài chục ca không phải là vấn đề thì chúng ta hoàn toàn có thể mở cửa giao thương với họ. Vì họ cũng như chúng ta, mỗi ngày đang kiểm soát ở mức độ như vậy. Còn nước nào đó để cho lây nhiễm nhiều hơn thì chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục đóng cửa với họ. Khi mở cửa như vậy, chúng ta chấp nhận có những ca lây nhiễm ở bên ngoài. Nhưng như tôi nói, nếu chốt chặn tốt ở những khoa về bệnh hô hấp thì chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện ra ngay. Nó luôn duy trì ở mức vài ca, vài chục ca một ngày thôi", ông Quảng nhận định.

"Để có được cuộc sống bình thường mới, chúng ta phải cài Bluezone trên máy, chúng ta tốn thêm 10% của pin, của máy, nhưng với cách như vậy chúng ta có thể kiểm soát được dịch bệnh và vẫn chung sống với nó. Gọi là cuộc sống bình thường mới là như vậy. "Mới" tức là phải áp dụng một số biện pháp như tôi đã nói".

Trả lời cho câu hỏi, có phải là chính phủ bỏ tiền ra thuê Bkav phát triển Bluezone không, ông Quảng cho biết: "Nếu như các bạn theo dõi Bkav và bản thân tôi từ trước đến nay, thì sẽ thấy định hướng của Bkav là luôn luôn thấy việc nào là tốt cho xã hội thì chúng tôi sẽ làm, trong năng lực và khả năng của mình, bất kể nó là việc nào. Các bạn biết đấy, Bkav và cá nhân tôi, bắt đầu từ năm 1995 tôi làm phần mềm diệt virus và cung cấp miễn phí ra thị trường. Sau đó, 10 năm sau, tôi phải thương mại hóa nó để có kinh phí để phát triển tốt hơn nữa. Việc thương mại hóa nó là để có nguồn thu để làm nó tốt hơn nữa, chứ thực sự đối với cá nhân tôi không phải là để kiếm tiền. Đấy là xuất phát của Bkav, cũng là bản chất của Bkav. Và các việc khác cũng vậy".

Tương tự như vậy, với Bluezone, ông Quảng cho biết, xuất phát từ đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, do Bkav có kinh nghiệm về phần mềm và cũng đồng thời có kinh nghiệm làm việc với hệ điều hành cho smartphone, sản xuất smartphone nên Bkav cần tham gia làm phần mềm giúp phòng chống dịch Covid-19. Bkav đã lập tức thành lập một đội gần 100 người để tham gia chiến đấu với Covid bằng công nghệ Bluetooth, ngay sau khi có lời đề nghị của Bộ trưởng, và đã phát triển Bluezone hoàn toàn vô vụ lợi.

"Các bạn sẽ ngạc nhiên là tại sao phải nhiều đến thế, nhưng thực sự xoay quanh công nghệ này, để một phần mềm đơn giản như vậy đưa ra lại không hề đơn giản. Nếu các bạn đọc thì sẽ biết trên thế giới có một số nơi họ cũng đang làm, thế nhưng có lẽ Bluezone hiện là phần mềm tiết kiệm năng lượng nhất. Đấy là bởi vì chúng tôi sở hữu các công nghệ làm smartphone, từ phần mềm, phần cứng. Chẳng hạn như để tiết kiệm như thế này, chúng tôi phải dùng các thiết bị máy móc để đo đến tận lõi của firmware của máy để tiết kiệm từng chu kỳ phát sóng, để một thiết bị phải đọc liên tục các tiếp xúc thế này có thể tiết kiệm năng lượng như vậy. Ở đây cũng yêu cầu về toán học rất cao với các thuật toán về mã hóa để đảm bảo tính riêng tư cho người sử dụng, rồi về phần mềm, rất nhiều thứ. Kể cả gần đây nữa là nhóm truy vết cũng đòi hỏi phải có nguồn lực.

Thật sự chúng tôi rất hạnh phúc khi được tham gia công việc này và đúng là theo định hướng là bất kể việc nào hữu ích với xã hội là mình tham gia nếu như mình có đủ năng lực. Hiện nay ngày đêm, một đội ngũ khoảng 100 người của Bkav vẫn tham gia tích cực việc này một cách vô vụ lợi. Tôi nghĩ rằng không chỉ Bkav đâu mà tất cả các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, các bạn thấy các nhà mạng cũng đang rất nỗ lực cùng chúng tôi hằng ngày, rồi Cục Tin học hóa, Cục An toàn An ninh mạng của Bộ Thông tin & Truyền thông. Tôi phải nói hết sức tuyệt vời, những con người tuyệt vời đang cùng chúng tôi hằng ngày, hằng đêm để tham gia vào việc này, và chúng tôi rất vui với việc đó".

Buổi giao lưu của CEO Nguyễn Tử Quảng còn có một số câu hỏi khác nữa, bạn đọc quan tâm có thể xem đầy đủ nội dung tại group Facebook Bphone Fans Club - Trải nghiệm không giới hạn. Ông Quảng cho biết;sẽ định kỳ thực hiện các buổi giao lưu tương tự về các chủ đề công nghệ và cuộc sống tại group này.

Mai Mai

Chủ đề khác