VnReview
Hà Nội

Thung lũng Silicon trống rỗng bởi sự ra đi của hàng chục nghìn kỹ sư Trung Quốc

Trung tâm công nghệ sầm uất của tiểu bang California giờ tiêu điều hoang vắng vì ảnh hưởng của dịch bệnh và khủng hoảng việc làm.

Sa thải

Làn sóng sa thải nhân viên như một cơn bão, quét qua nước Mỹ, bao gồm cả Thung lũng Silicon, nơi quy tụ những nhân tài về công nghệ tiên tiến nhất thế giới.

Tính cho đến tháng 8, Trần Trác, một kỹ sư ở Thung lũng Silicon, đã chứng kiến ​​hết đợt sa thải này đến đợt sa thải khác. Và anh bắt đầu phát hiện ra rằng thất nghiệp không phải là "thảm họa" cuối cùng mà các kỹ sư Trung Quốc sẽ phải trải qua.

Vào ngày 7/8, chính quyền Donald Trump đã đưa ra thông báo rằng WeChat có thể bị chặn. Vài ngày sau, Trần Trác đề cập đến tin tức này trên tài khoản chính thức của mình, nói rằng anh đã làm việc ở đây trong suốt 5 năm. Anh cũng trích dẫn một câu thơ của Thích Kế Quang - một võ tướng cổ ở Trung Quốc - hàm ý là: "Ta không mong phong hầu, mà chỉ cầu bình an", bày tỏ sự bi quan và hi vọng rằng mọi thứ cuối cùng sẽ an ổn.

Từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng nổ ở Mỹ vào tháng 3 và đến cuối tháng 5, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ đã lên tới 41 triệu người. Thung lũng Silicon, nơi được coi là thánh địa Internet toàn cầu, cũng không ngoại lệ. Tính đến tháng 6, số công ty ở Thung lũng Silicon thông báo sa thải đã lên tới 117 và tổng số nhân viên bị sa thải đã vượt quá 17.000.

Đây là một cơn sóng gió mà thiên đường công nghệ này chưa từng trải qua trong hơn một thập kỷ qua. Hàng chục nghìn kỹ sư Trung Quốc đã mất công việc mang lại thu nhập cao chỉ sau một đêm. Và trong số đó, một số lượng đáng kể người Trung Quốc cần thị thực lao động để duy trì tình trạng của họ tại nơi đây.

Bởi phía sau đó là câu chuyện lưu trú của những người Mỹ gốc Hoa.

Thung lũng Silicon đang tiêu điều sau cuộc khủng hoảng việc làm bởi Covid-19.

Lý Bỉnh Dương đã trải qua nửa đầu năm 2020 một cách an toàn. Công ty mà anh làm việc có trụ sở chính tại Thung lũng Silicon với quy mô hàng nghìn người. Văn phòng là một tòa nhà đơn có ba tầng với khu vườn trên mái, bãi cỏ bậc thang ở giữa, rất nhiều cây xanh. Khắp nơi có những băng ghế để nhân viên ngồi nghỉ trong giờ giải lao, hay muốn phơi mình trong nắng ấm.

Anh từng nghe đồng nghiệp kể rằng hai cây lớn ở khu vườn trên mái được mang lên bằng trực thăng. Một số tòa nhà ở Thung lũng Silicon có một vài cây nhỏ trên nóc, nhưng cây lớn như công ty anh thì không phổ biến.

Nhưng từ đầu tháng 3, công ty quyết định rằng, ngoại trừ các vị trí trọng yếu yêu cầu máy móc thiết bị đặc biệt thì tất cả các nhân viên khác sẽ làm việc tại nhà. Mọi người được thông báo qua email và thời gian làm việc cũng thay đổi, từ tháng 5 sang tháng 7. Và lần cuối cùng anh nhận được thông báo rằng công việc sẽ tiếp tục là có thể phải đợi đến cuối năm.

Trong suốt 6 tháng qua, Bỉnh Dương đã không đến công ty lần nào, chỉ có thể ở nhà chờ đợi. "Tôi chưa nghe nói về một công ty nào ở đây vẫn đang mở cửa", anh nói.

California, nơi có Thung lũng Silicon, là tiểu bang đông dân nhất ở Mỹ, lên tới hơn 40 triệu người. Đây cũng là khu vực đầu tiên ở Mỹ thực hiện việc phong tỏa, làm việc tại nhà từ 16/3. Trước đây, lúc nào nơi đây cũng đầy ắp các đám đông nhộn nhịp và lưu lượng giao thông tắc nghẽn. Nhưng dịch bệnh đã khiến nó chỉ còn lại một khung cảnh trống trải hoang vắng.

Nhưng có một việc không hề bị gián đoạn, đó là sa thải nhân viên.

Công ty cũ của Trần Trác là một gã khổng lồ công nghệ nổi tiếng thế giới. Và như một số công ty khác tại Thung lũng Silicon, việc sa thải để tối ưu hóa cơ cấu là sự kiện thường ngày. "Về cơ bản, chúng tôi sa thải một đến hai nghìn người mỗi năm, hoặc hai đến ba nghìn người một lúc trong hai hoặc ba năm", anh cho biết.

Về phương diện này, Trần Trác đã kinh ngạc từ lâu. Nhưng năm nay, hoạt động của công ty bị tổn hại do ảnh hưởng của dịch bệnh, báo cáo tài chính không tốt, số liệu giảm mạnh, và một đợt sa thải mới đã bắt đầu. Công ty đã thông báo trước rằng nhân viên tự nguyện nghỉ việc sẽ được đãi ngộ tốt hơn, như có thể bảo lưu vài tháng để ra ngoài tìm việc mà không cần đến công ty, nhưng lương vẫn được trả. Đây là những tin tức mà Trần Trác đã nghe được từ các đồng nghiệp cũ của mình.

Còn hiện tại, anh đang làm việc cho một công ty khởi nghiệp về công nghệ của Trung Quốc. Công ty này không sa thải nhân viên nhưng cũng không tuyển thêm nhân viên mới.

"Có thể tất cả đều đang chuẩn bị rút lui. Hiện tại chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đang rất khốc liệt, nếu chính quyền Mỹ đưa công ty vào danh sách các thực thể trong tương lai, công ty sẽ không còn tồn tại được nữa", anh cho biết.

Danh sách các thực thể mà Trần Trác đề cập là "danh sách đen", một khi lọt vào danh sách này thì tương đương với việc bị Mỹ tước đi cơ hội giao thương. Năm 2019, các công ty Trung Quốc như Huawei và iFlytek đều đã có tên trong "danh sách đen" này. Và anh đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

"Tôi làm việc trong một công ty Trung Quốc, vì vậy không có vấn đề gì. Có lẽ nhiều nhất là tôi không ở lại Mỹ nữa và sẽ rút khỏi nơi đây", anh nói.

Sự thất vọng lớn tới mức mà chiếc "thẻ xanh" - thứ mà anh đã phải trả cái giá không nhỏ để sở hữu - cũng không còn là động lực để níu chân anh ở quốc gia này.

Thẻ xanh

Trần Trác có xuất phát điểm rất cao. Sau khi lấy bằng cử nhân của một trường đại học nổi tiếng ở Trung Quốc năm 2005, anh đầu quân cho một công ty thiết bị truyền thông lớn trong nước.

Năm 2008, anh gia nhập công ty nước ngoài này, khi đó công ty này là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Huawei. Bốn năm sau, Trần Trác được chuyển đến trụ sở chính ở Mỹ với tư cách là giám đốc kỹ thuật.

Trong sự nghiệp của mình, Trần Trác từng hy vọng mình có thể "đóng một vai lớn" ở Mỹ. Nhưng thực tế đã dội cho anh một gáo nước lạnh, khiến anh dần nhận ra "cái trần vô hình" của việc đi làm kỹ sư người Hoa trong một công ty nước ngoài.

Nhóm của Trần Trác là nhóm dự án cốt lõi. Vì giám đốc dự án là người Trung Quốc nên có hơn chục người trong nhóm dự án. Và chiếm đa số, hơn một nửa thành viên trong nhóm là người Trung Quốc. Mặc dù có những lợi thế nhất định về số lượng, các kênh thăng tiến lại thường mở cho người da trắng và người Ấn Độ trước.

Ông chủ trực tiếp của Trần Trác, giám đốc dự án, đã làm việc ở vị trí tương tự tại trụ sở chính ở Mỹ trong 10 năm. Mặc dù vậy, ở công ty này, vị trí này đã là cấp bậc cao nhất mà người Trung Quốc có thể ứng tuyển. Trần Trác nhớ rằng có những người Trung Quốc giữ chức vụ phó chủ tịch và các vị trí cấp cao trong công ty, nhưng sau đó họ đều rời đi.

Trong số đó, phải kể đến sếp trực tiếp của Trần Trác. Khoảng năm 2018, công ty đã trải qua một thời kỳ kinh hoàng. Dưới ảnh hưởng của các cuộc tranh giành quyền lực, ông chủ của anh đã buộc phải từ chức, ra đi cùng với các đồng nghiệp trong đội dự án.

Trần Trác vẫn ở lại, dù anh chưa từng được thăng chức trong suốt thời gian ở Mỹ.

Thẻ xanh - tấm bùa níu kéo nhiều kỹ sư Trung Quốc ở lại Mỹ - nay đã không còn nhiều hiệu lực.

Thực tế thì ngay từ năm 2015, anh đã có ý định từ chức. Khi đó, anh đã liên tiếp hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra cho mình trước đó là xuất bản các bằng sáng chế tại Mỹ và học lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Stanford. Việc từ chức đã được lên kế hoạch rõ ràng.

Nhưng tấm thẻ xanh đã "trói" được chân Trần Trác. Vì công ty của anh có khả năng trong việc giúp nhân viên xin thẻ xanh, Trần Trác đã nộp đơn xin cấp thẻ trong năm đầu tiên ở Mỹ.

Điều kiện là nếu làm việc cho công ty tới năm 2018, anh sẽ có thể lấy được thẻ xanh một cách suôn sẻ. Chiếc thẻ xanh đồng nghĩa với việc có hộ khẩu thường trú tại Mỹ, được nhập cảnh không cần visa. Đối với Trần Trác, điều đó có ý nghĩa lớn đối với việc giáo dục trong tương lai của con cái ở các trường đại học Mỹ.

"Tôi đã đợi ba năm, bỏ cuộc vào thời điểm này thật đáng tiếc", Trần Trác sau đó quyết định đợi thêm ba năm nữa. Từ năm 2015 đến 2018, các công ty khác liên tục ném những "cành ô liu" cho Trần Trác nhưng anh đều từ chối từng người một.

Để giết thời gian, anh đã có một cách tiếp cận khác. Trong thời gian này, anh sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình để bắt đầu kinh doanh với bạn bè. Anh đã mang khoản tiền hơn 70.000 USD để đầu tư vào các công ty ở Trung Quốc. Anh tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ cho các dự án riêng vào ban đêm, ban ngày đến công ty làm việc như bình thường. Trong thời gian đó, anh chỉ có thể được nghỉ ngơi sau 1 giờ sáng. Và sau gần hai năm, cuối cùng anh đã phát triển được một sản phẩm phần cứng thông minh của riêng mình.

Trần Trác nhớ vào ngày đầu tiên sản phẩm này được đưa lên nền tảng bán hàng ở Trung Quốc, hơn 2.000 chiếc đã được bán với đơn giá hơn 100 nhân dân tệ. Tuy nhiên, bất đồng với các đối tác cũng xuất hiện. Một bên nhất quyết muốn sáp nhập với một công ty lớn hơn, trong khi Trần Trác cho rằng chi phí bỏ ra quá cao và muốn từ bỏ hướng phần cứng để dồn lực cho nền tảng trực tuyến nhằm tiếp thị sản phẩm.

Cuối cùng, anh đã tự nguyện rút lui và không nhận được cổ phần hay lợi nhuận nào từ dự án này. Sau đó, công ty bị bán vì người mua lại bị phá sản do quản lý kém và việc phát triển sản phẩm không thành công. Trần Trác chấp nhận tất cả các kết quả, rút tiền túi ra để trả lại cho các nhà đầu tư.

Sau nhiều gian nan, cuối cùng anh cũng bước vào thời khắc quan trọng năm 2018 - ngày anh nhận được thẻ xanh.

Không có lễ kỷ niệm, không có ăn mừng, ngay khi nhận được tấm thẻ xanh, anh nhanh chóng chia tay và rời khỏi công ty đã gắn bó 10 năm. Sau khoảng thời gian tự do ngắn ngủi, anh không ngờ rằng chỉ hai năm sau, mình sẽ đưa ra quyết định về Trung Quốc làm việc.

Trong khi đó, Lý Bỉnh Dương vẫn đang đau đầu vì không nhận được visa H1B.

Người có thị thực H1B có thể làm việc ở Mỹ trong ba năm, sau đó họ có thể được gia hạn thêm ba năm nữa. Sau khi hết thời hạn sáu năm, nếu tình trạng của người đó vẫn chưa được chuyển đổi, người đó phải rời khỏi nước Mỹ.

Thị thực F1 của Bỉnh Dương có thể giúp anh làm việc tại Mỹ trong tối đa ba năm. Nhưng do số lượng cấp H1B ít và số lượng người đăng ký đông nên việc sàng lọc được thực hiện bằng hình thức rút thăm.

Công ty nơi anh làm việc có một đội ngũ luật sư chịu trách nhiệm về việc xin thị thực và thẻ xanh cho nhân viên. Bỉnh Dương cũng như các đồng nghiệp nước ngoài khác, chỉ có thể nộp đơn theo lịch trình và chờ đợi.

Ngày 1/4, kết quả báo về cho thấy anh không được chọn. Anh đã làm việc ở Mỹ được một năm rưỡi và theo kế hoạch đến năm 2021 anh sẽ chỉ còn một cơ hội bốc thăm cuối cùng. Việc ra đi hay ở lại là tùy thuộc vào điều này.

Nhưng các chính sách liên quan đã thay đổi do dịch bệnh. Sau khi đại dịch gây ra tỷ lệ thất nghiệp lớn, để bảo vệ việc làm cho người Mỹ, chính phủ đã đưa ra thông cáo vào tháng 6 rằng từ ngày 24/6 đến ngày 31/12/2020, bốn loại thị thực lao động không định cư bao gồm H-1B sẽ bị hạn chế. Điều này có nghĩa là thị thực lao động H1B sẽ bị tạm đình chỉ.

Lý Bỉnh Dương đã sẵn sàng rời nước Mỹ.

Lối thoát

Để tới được Thung lũng Silicon, Bỉnh Dương đã đi đường vòng mất ít nhất hai năm.

Khi còn là sinh viên, anh đã chọn chuyên ngành kỹ thuật truyền thống. Nhưng khi chuẩn bị ra trường, anh nhận thấy học chuyên ngành này có rất ít cơ hội việc làm và rất khó tìm việc.

Trong năm 2015 và 2016, nhiều sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ thích chọn chuyên ngành phổ biến là khoa học máy tính. Lý Bỉnh Dương cũng đã thay đổi chuyên ngành của mình và dành một năm rưỡi để nghiên cứu khoa học máy tính, sau đó giành được bằng tốt nghiệp kép vào năm 2018.

Trong thời gian thực tập, anh đã nộp đơn xin vào hơn 20 công ty, bao gồm Facebook ở Thung lũng Silicon, Google và các tập đoàn khổng lồ khác. Mặc dù không vào một công ty lớn nào nhưng anh cũng nhận được lời đề nghị từ ba công ty. Cuối cùng, anh đã chọn một công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon.

Lý Bỉnh Dương sau đó thực tập và làm việc tại công ty này với đãi ngộ rất tốt. Trong thời gian thực tập anh được cung cấp chỗ ở, mức lương sau khi vào làm không hề thấp khoảng 120.000 USD một năm.

Nhưng hiện giờ, anh phải chuẩn bị đưa ra lựa chọn của bản thân.

Một cách rất bình tĩnh, anh cho biết mình không có kế hoạch trở về Trung Quốc trong thời gian ngắn hạn, nhưng đồng thời cũng sẽ không khăng khăng ở lại Mỹ. Nếu thực sự phải rời khỏi nước Mỹ, anh sẽ nộp đơn để được công ty gửi đến chi nhánh ở Canada. Lối thoát dạng này không phải là hiếm trong các công ty đa quốc gia. Ít nhất thì Lý Bỉnh Dương sẽ không hoàn toàn mất việc vì vấn đề thị thực.

 

Sự ra đi của hàng chục nghìn kỹ sư Trung Quốc diễn ra ở khắp thung lũng Silicon, từ công ty khởi nghiệp cho tới các tập đoàn khổng lồ.

WeChat là phần mềm mạng xã hội duy nhất được Trần Trác sử dụng.

Trước đó, anh cũng đã đăng ký một tài khoản Facebook nhưng nhanh chóng từ bỏ. Anh sử dụng hệ thống liên lạc nội bộ của công ty để liên lạc với đồng nghiệp và email để giao tiếp với mọi người ở Mỹ. Vì vậy anh không còn cần đến các phần mềm mạng xã hội khác ngoại trừ WeChat.

Có thể nói, anh là một người sử dụng WeChat rất có kinh nghiệm. Ngay từ năm 2015, anh đã bắt đầu mở tài khoản chính thức của riêng mình và hiện tại số lượng người hâm mộ đã lên đến hàng trăm nghìn người. Tần suất cập nhật tài khoản chính thức này cũng không thấp, trung bình 3 hoặc 4 bài mỗi tuần. Trần Trác đã chia sẻ tin tức về các công nghệ tiên tiến của Thung lũng Silicon và thỉnh thoảng bình luận về một số tin tức xã hội và sự kiện nóng của Mỹ.

Trong 5 năm qua, điều hành một tài khoản nổi tiếng đã trở thành một phần trong cuộc sống của anh. Do đó nếu WeChat thực sự bị chính quyền Mỹ cấm, anh sẽ không ngại có thêm lý do để ra quyết định. Anh dự định sẽ trở về Trung Quốc cùng gia đình vào cuối năm nay và bắt đầu công việc kinh doanh thứ hai của bản thân.

Trần Trác mơ hồ nhớ lại rằng khi anh mới đến Mỹ 8 năm trước, vì lần đầu tiên sử dụng WeChat, anh đã đăng ký vào nhiều nhóm hỗ trợ lẫn nhau của người Trung Quốc ở Mỹ vì tò mò. Một số nhóm hỗ trợ có tới 500 thành viên. Chức năng của các nhóm này chủ yếu để chia sẻ thông tin tuyển dụng và thông tin việc làm giữa các kỹ sư Trung Quốc, cũng như nhiều sinh viên mới tốt nghiệp hay người mới trong ngành.

Và ngày nay, khi dịch bệnh kéo mọi thứ đến thời điểm đen tối nhất, các cộng đồng tương trợ này lại một lần nữa xuất hiện. Chúng giống như ván gỗ nổi trên mặt nước và người thất nghiệp nào cũng muốn chớp lấy cơ hội để bấu víu nó nhằm lên bờ, để giảm thiểu thiệt hại do cuộc khủng hoảng này gây ra.

Giữa thời kỳ giông bão, các kỹ sư và học giả về khoa học công nghệ Trung Quốc ở Thung lũng Silicon đã và đang phải đưa ra những lựa chọn và kế hoạch khác nhau. Còn số phận sẽ đưa họ đến đâu thì chỉ có thời gian mới có thể cho câu trả lời.

Điều chắc chắn duy nhất là họ được định sẵn để trở thành ẩn dụ minh họa của thời đại đặc biệt này. Từ xung đột giữa công nghệ và chính trị, cuộc chơi giữa các quốc gia lớn, đến sự nóng lạnh của làn sóng công nghệ ở Thung lũng Silicon, và sự sống chết của một công ty nào đó, tất cả những thay đổi cuối cùng sẽ để lại dấu ấn không thể phai mờ trên số phận của họ.

Theo Trí thức trẻ

Chủ đề khác