VnReview
Hà Nội

Chưa kịp lấy lại danh tiếng, “thái tử” Samsung tiếp tục bị truy tố thao túng thị trường chứng khoán

Người thừa kế sáng giá của tập đoàn Samsung bị cáo buộc thổi phồng giá trị các công ty để mở đường thuận lợi giành quyền thừa kế điều hành tập đoàn.

Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong đã bị truy tố vào hôm thứ Ba với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán và vi phạm quyền thụ hưởng được viện dẫn diễn ra vào 5 năm trước. Những cáo buộc này đã tiếp tục phủ một đám mây đen u ám lên tập thể lãnh đạo của nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới khi họ vẫn đang cố gắng giải quyết những tác động đến từ căng thẳng chính trị trên thế giới cũng như tình hình đại dịch Covid-19.

Bên công tố cho biết người thừa kế 52 tuổi của đế chế Samsung có dính líu đến vụ việc thao túng giá cổ phiếu của công ty Samsung C&T và công ty Cheil Industries khi hai công ty này sáp nhập vào năm 2015.

Lee Bok-hyun, công tố viên cao cấp tại Văn phòng Công tố Trung tâm Seoul cho biết thái tử Lee đã cố gắng củng cố quyền thừa kế của mình với phí tổ ít nhất có thể, "chúng tôi đã quyết định truy tố ông ta sau khi suy xét mức độ nghiêm trọng trong việc lũng đoạn thị trường vốn".

Công tố viên cũng nói rằng Lee đã thừa nhận lừa gạt sổ sách tài chính tại Samsung Biologics, một công ty con sản xuất thuốc của Samsung C&T, một mảnh ghép trong kế hoạch tăng cường sức mạnh trong tập đoàn. Lee là cổ đông lớn nhất của Samsung C&T, mô hình công ty Holding thực tế của tập đoàn Samsung, với 17.33% cổ phần.

Tuy nhiên, bên công tố đã không ban hành lệnh bắt giữ Lee ở lần này, điều đó có nghĩa ông ta sẽ bị xét xử mà không tạm giam, ngày xét xử sẽ được tòa án ấn định sau. Tòa án trước đó đã bác bỏ yêu cầu bắt giữ phó chủ tịch của Samsung trong tháng Sáu.

Các luật sư của Lee đã lên án quyết định truy tố là "không công bằng" và phủ nhận mọi hành vi sai trái của Lee hoặc các công ty.

"Việc sáp nhập Samsung C&T là hành động quản lý hợp pháp nhằm mục đích tuân thủ các quy định của chính phủ, ổn định công tác quản lý và tạo ra sức mạnh tổng hợp trong doanh nghiệp. Chúng tôi khẳng định rằng tất cả quy trình trong quá trình sáp nhập đều được thực hiện theo pháp luật. Chúng tôi nghi ngờ rằng các công tố viên đã có chủ tâm truy tố tập đoàn Samsung và Lee Jae-yong hơn là tìm kiếm sự thật dựa trên những bằng chứng".

Lee sẽ "chuẩn bị cho phiên xét xử một cách kỹ lưỡng nhất, từng bước một chứng minh lý do tại sao cáo trạng của bên công tố là không công bằng trong phòng xử án", các luật sư nói thêm.

Bản cáo trạng trên không phải là tranh chấp pháp lý duy nhất mà phó chủ tịch Lee phải đối mặt. Vào năm 2017,; ông ta đã bị bỏ tù vì tội hối lộ cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, nhưng đã kháng cáo vào tháng 2 năm 2018 và được giảm án cũng như hưởng án treo. Hiện tại, bên tòa án đang cố gắng xem xét lại bản án của ông ta khi mà Tòa án Tối cao đã lật ngược lại phán quyết thi hành vào năm ngoái. Vụ việc đang chờ xử lý tại Tòa án Tối cao Seoul và nếu phán quyết chống lại Lee, ông ta có thể lại "ngồi sau song sắt" một lần nữa.

Trong diễn biến mới nhất, cơ quan công tố đã dành gần hai năm để điều tra sau khi Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai lần đầu tiên tiết lộ họ nghi ngờ đã có những gian lận sổ sách kế toán diễn ra tại Samsung Biologics. Cơ quan công tố đã mở rộng điều tra đối với quá trình thừa kế của tập đoàn Samsung vào năm ngoái, với những ngờ vực rằng ban lãnh đạo của tập đoàn đã thổi phồng giá trị Samsung Biologics  để giúp Lee đạt được sức mạnh kiểm soát đối với tập đoàn.

Lee và Samsung đã phủ nhận các cáo buộc, khẳng định không hề có bất cứ hành vi trái luật pháp nào diễn ra trong quá trình sáp nhập, đồng thời Samsung Biologics cũng luôn tuân theo các quy tắc kế toán quốc tế.

Các cáo buộc được đưa ra trong bối cảnh Samsung đang cố gắng lèo lái công ty vượt qua khủng hoảng đại dịch và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Với việc Washington quyết tâm triệt đường sống của Huawei Technologies, đối thủ chính của Mỹ trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại thông minh và mạng viễn thông, Samsung có thể tận dụng cơ hội để giành lấy thị phần. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là một thị trường và cơ sở sản xuất quan trọng của công ty Hàn Quốc, vì vậy họ vẫn phải tính toán duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh.

Cho đến nay, đại dịch vẫn tạo ra những động lực đáng kể đối với nhu cầu cung ứng chipset đến từ Samsung, khi mà mô hình làm việc từ xa đang được phổ biến trên toàn thế giới. Tuy nhiên, lượng hàng tiêu thụ đối với smartphone lại giảm sút đến mức tạo cơ hội cho Huawei vượt mặt Samsung ở số lượng các lô hàng được xuất xưởng trong Quý II vừa qua.

Trước đó, Phó chủ tịch Lee đã cố gắng đánh bóng bản thân khi đặt ra giới hạn sau vô số những tranh cãi tại Samsung. Vào tháng 5, ông nói rằng mình sẽ không để các con thừa kế quyền điều hành công ty và thề sẽ không gây ra bất cứ xung đột xung quanh quá trình kế vị một lần nào nữa. Ông cũng đã thể hiện rõ hơn vị thế lãnh đạo của mình khi viếng thăm các nhà máy của Samsung tại Trung Quốc và xuất hiện trong nhiều sự kiện khác nhau tại quê nhà.

Giang Vu theo Nikkei

Chủ đề khác