VnReview
Hà Nội

Sáng kiến bảo mật dữ liệu mới của Trung Quốc kêu gọi các công ty công nghệ không cài đặt backdoor

Trung Quốc đang phải giải quyết những lo ngại toàn cầu và sự chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc ngày càng tăng bằng một bộ tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu mới. Quốc gia tỉ dân này đã công bố một sáng kiến toàn cầu mới, đưa ra các nguyên tắc khuyến khích người tham gia tôn trọng chủ quyền của những chính phủ khác trong cách họ xử lý dữ liệu.

Sáng kiến bảo mật dữ liệu mới của Trung Quốc kêu gọi các công ty công nghệ không cài đặt backdoor

Hồi năm ngoái, các công ty công nghệ Trung Quốc – vốn nổi lên như cồn ở nước ngoài, như TikTok và PUBG Mobile – đã bị cáo buộc lấy cắp dữ liệu người dùng và chia sẻ bất hợp pháp với chính phủ Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc nhiều lần phủ nhận những cáo buộc này, thế nhưng, họ hi vọng sẽ giải quyết các quan ngại này với sáng kiến an ninh toàn cầu mới. Tuy nhiên, đó không phải là luật, do đó, chỉ các công ty công nghệ đăng ký tham gia mới bắt buộc phải tuân theo những nguyên tắc này.

Sáng kiến dữ liệu mới này khuyên các công ty "không cài đặt backdoor trong những sản phẩm và dịch vụ của họ để thu thập dữ liệu từ người dùng, kiểm soát hoặc thao túng hệ thống cũng như thiết bị của người dùng một cách bất hợp pháp" và kêu gọi cấm những hoạt động "xâm phạm thông tin cá nhân". Hơn nữa, nó yêu cầu tất cả các quốc gia xử lý bảo mật dữ liệu một cách "toàn diện, khách quan và dựa trên bằng chứng".

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, gọi cuộc đàn áp của Washington đối với TikTok và Huawei là "những hành động bắt nạt trắng trợn" và bổ sung thêm rằng: "Bị buộc tội bởi các hành vi đơn phương, một quốc gia nào đó đã liên tục đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống lại quốc gia khác dưới danh nghĩa giữ cho mạng lưới ‘sạch sẽ' và lấy cớ bảo mật để làm mồi cho các doanh nghiệp của những quốc gia khác có lợi thế cạnh tranh."

Tháng trước, Mỹ đã công bố chương trình Clean Network nhằm tìm cách giữ cho hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ Mỹ, như những cửa hàng ứng dụng và nhà mạng, không có sự xuất hiện của nhiều công ty có nguồn gốc Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, cho biết, đây là "cách tiếp cận toàn diện để bảo vệ tài sản của quốc gia, bao gồm quyền riêng tư của công dân và thông tin nhạy cảm nhất của các công ty, khỏi sự xâm nhập của nhiều kẻ xấu, chẳng hạn như Trung Quốc."

Gần đây, Trung Quốc cũng đã cập nhật luật xuất khẩu công nghệ của mình, đề cập đến "khuyến nghị các dịch vụ thông tin được cá nhân hóa dựa trên dữ liệu". Việc sửa đổi luật này được cho là sẽ phức tạp hóa thêm quá trình bán mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ.

Minh Hùng theo Digital Trends

Chủ đề khác