VnReview
Hà Nội

Nước Đức là nạn nhân của chính thành công chống dịch

Phản ứng của Đức trước đại dịch được khen ngợi. Nhưng chính thành công này khiến nhiều người cực đoan tin rằng dịch bệnh không tồn tại và chỉ là một âm mưu của chính phủ.

Một người phụ nữ tóc tết vàng đã kết thúc một trong những cuộc biểu tình chống lệnh phong tỏa lớn nhất ở châu Âu hôm 29/8 vừa qua. Tại đó, hàng chục nghìn người - bao gồm những nhóm phản đối vaccine, những người theo thuyết âm mưu và cực hữu - đã diễu hành ở thủ đô Berlin của Đức.

Phát biểu trên sân khấu trước tòa nhà Quốc hội Đức (Reichstag), người phụ nữ tóc vàng xúi giục đám đông chiếm đóng tòa nhà. Theo một video được đăng trên mạng xã hội, bà ta đưa thông tin sai lệch rằng: "Tổng thống Trump đang ở Berlin".

"Hãy đến đó, ngồi thật im lặng trên các bậc thang và cho Tổng thống Trump thấy rằng… chúng ta mong muốn hòa bình thế giới và rằng chúng ta đã chán với việc đó (giãn cách xã hội)", bà hét lớn.

CNN xác định người phụ nữ là Tamara K, làm việc trong ngành truyền thông của Đức.

Đám đông xô đổ các chướng ngại vật và tiến thẳng đến tòa nhà Reichstag trong một khung cảnh khiến các chính trị gia phải kinh hoàng, gợi nhớ đến thời kỳ đen tối của đất nước. Những người biểu tình giơ cao các biểu ngữ đế quốc, một lá cờ hiện được phe cực hữu sử dụng thay cờ có biểu tượng phát xít (trông như chữ "Vạn") đã bị cấm tại Đức.

Trong đám đông là những người ủng hộ thuyết QAnon, họ đeo trên mình phù hiệu và biểu tượng ngôi sao - sọc của cờ Mỹ, một hình ảnh hiếm khi liên quan đến các cuộc biểu tình chống chính phủ của Đức. QAnon là một hệ thuyết âm mưu cho rằng có một đường dây buôn bán trẻ em làm nô lệ tình dục trên toàn cầu, do những kẻ ấu dâm thờ quỷ Satan đứng đầu và Tổng thống Donald Trump là người đang chiến đấu chống lại chúng.

Cuộc biểu tình trước quốc hội Đức vào tháng 8. Ảnh: Getty.

Nước Đức được ca ngợi bởi các phản ứng với đại dịch, nhờ vào việc xét nghiệm trên diện rộng và các hành động nhanh với sự bùng phát của virus. Điều đó đã giúp nước này giữ tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở mức thấp - cho dù số ca nhiễm bệnh được báo cáo ở mức cao.

Tuy nhiên, các sự kiện ở tòa nhà Reichstag đã khiến cho các chuyên gia lo lắng rằng nước Đức đang trở thành nạn nhân của chính sự thành công của mình, tạo điều kiện cho sự hoài nghi về virus corona lan truyền.

"Các nhà virus học nói rằng không hề có vinh quang trong việc phòng ngừa; nếu việc phòng ngừa thành công, con người không nhìn thấy được sự nguy hiểm," theo Thorsten Quandt, một giáo sư của Đại học Munster, người đang nghiên cứu về những âm mưu cánh hữu trong đợt dịch này. "Điều trớ trêu là bạn cảm nhận dịch bệnh càng ít, bạn càng thành công trong các phương pháp phòng chống, người khác sẽ càng bảo bạn nên dừng lại".

Chiến thuật mới của AfD

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang có được tỷ lệ tán thành cao từ sự tiếp cận mang tính quyết định của bà với đợt bùng phát Covid-19. Cử tri đã dồn sự ủng hộ về cho các đảng truyền thống trong khi sự ủng hộ dành cho đảng Sự thay thế cho nước Đức (AfD) - với chủ trương chống người nhập cư - đang sụt giảm, tờ Bild dẫn các cuộc thăm dò địa phương.

Đây là một trong những điều tồi tệ nhất với AfD kể từ khi đảng này giành được vị trí thứ ba trong cuộc bầu cử hồi năm 2017 và trở thành đảng cực hữu đầu tiên có ghế trong quốc hội kể từ thập niên 1960.

Đảng AfD, vốn được biết đến với các mâu thuẫn nội bộ trong những tháng gần đây, đã chuyển sang chiến thuật tận dụng sự hoài nghi về dịch bệnh. Trong những tuần qua, người phát ngôn của đảng, Tino Chrupalla đã phủ nhận công dụng của khẩu trang và khuyến khích những người theo dõi mình trên mạng xã hội tham gia biểu tình hôm 29/8.

Cuộc biểu tình xảy ra vào lúc mà các nhà nghiên cứu nhận định rằng những người tin vào thuyết âm mưu như QAnon đang tăng theo cấp số nhân tại Đức.

Những người diễu hành hôm 29/8 vừa qua đã đưa ra khẩu hiệu cầu khẩn Tổng thống Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin "giải phóng" cho nước Đức, họ cũng vẫy cao quốc kỳ của Mỹ. Những người khác thậm chí nói với phóng viên của CNN rằng Tổng thống Trump là một "thiên thần", và rằng dịch bệnh là giả dối, và Tổng thống Trump đã biết điều đó "bởi vì ông ấy đã không đeo khẩu trang ngay từ đầu".

(Tuy nhiên, theo cuốn sách mới của nhà báo Bob Woodward, khi trả lời phỏng vấn từ tháng 2 với ông Woodward, Tổng thống Trump thừa nhận ông biết virus corona có thể gây tử vong tồi tệ hơn những chủng cúm thường gặp).

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters.

Trong lịch sử, các phe phái theo thuyết âm mưu và nhóm cực hữu đã từng phê bình gay gắt các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của Mỹ, theo Michale Buter, giáo sư tại trường Đại học Tübingen và một chuyên gia về thuyết âm mưu.

"Những người này hoài nghi cao độ về việc Mỹ đóng vai trò bá chủ trong các vấn đề toàn cầu", ông nói thêm. "Đặc biệt là những người ở cánh hữu cực đoan….và Tổng thống Trump là vị tổng thống duy nhất mà những người này đồng cảm".

Nguyên nhân phổ biến

"Những gì chúng ta thấy bây giờ có thể gọi là hình thức của chủ nghĩa cực đoan chéo," Quandt nói. "Điều gắn kết họ là niềm tin rằng nhà nước và các đảng chính trị đều tham nhũng."

Anetta Kahane, người sáng lập nhóm chống phân biệt chủng tộc nổi tiếng Amadeu Antonio Foundation, đã kinh hoàng theo dõi cuộc diễu hành từ cửa sổ căn hộ ở Berlin của mình.

Bà nói với CNN rằng có vẻ như các nhóm khác nhau - gồm những người theo chủ nghĩa âm mưu, những người theo chủ nghĩa tân phát xít, người chống vaccine và người theo chủ nghĩa bí truyền - đã vượt qua sự khác biệt chính trị của họ.

"Điều đó chống lại chủ nghĩa tự do, chống lại xã hội toàn cầu hóa, chống lại khoa học, chống lại tri thức, chống lại chủ nghĩa đa văn hóa và tất cả đều là những cạm bẫy của xã hội hiện đại", bà nói.

Các chính trị gia Đức từ lâu đã đau đầu trước mối đe dọa của chủ nghĩa cực hữu trong nước. Một chính trị gia ủng hộ người nhập cư trong đảng của bà Merkel đã bị giết vào năm 2019, nghi bởi một người ủng hộ phe cực hữu.

Vài tuần trước khi lệnh giãn cách xã hội có hiệu lực vào tháng 3, một tay súng có quan điểm phân biệt chủng tộc đã giết chết 9 người tại các quán bar ở thành phố Hanau. Và vào tháng 6, chính phủ cho biết họ đã giải tán một đơn vị quân đội tinh nhuệ trong nỗ lực quét sạch các phần tử cực hữu trong hàng ngũ của mình, Reuters đưa tin.

Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp Đức năm 2019 cảnh báo rằng chủ nghĩa cánh hữu đang gia tăng ở Đức. Văn phòng này cho rằng có bằng chứng về sự "sẵn sàng" sử dụng bạo lực của những phần tử cánh hữu cực đoan. Báo cáo mới nhất về chủ nghĩa cực đoan cho hay các nhà chức trách đã biết về ít nhất 24.100 người đang hoạt động trong các tổ chức cực hữu khác nhau.

Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng những người theo thuyết âm mưu chỉ phản ánh một tỷ lệ nhỏ trong dân số hơn 80 triệu người của Đức - những người mà theo cuộc thăm dò gần đây đã nhiệt thành ủng hộ các biện pháp chống Covid-19 của bà Merkel. Sự phẫn nộ theo sau các cuộc biểu tình không phải vì "nhiều người Đức tin vào thuyết âm mưu hơn, mà vì nhận ra rằng những người này có tồn tại", ông Butter nói với CNN.

Những người theo dõi phe cực hữu cho rằng nỗi lo thực sự là đảng AfD cuối cùng sẽ có thể kết nối được với các cử tri bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế từ đại dịch, những người nằm trong hàng trăm nghìn người Đức bị mất việc làm.

"Điều đó có thể là bước nhảy cho đảng AfD nếu họ có được những người tin rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 là một âm mưu lớn, và cả những người nghĩ rằng nó có thật, nhưng chính phủ đã xử lý khủng hoảng kinh tế một cách tồi tệ", ông Butter nói.

Theo Zing

Chủ đề khác