VnReview
Hà Nội

Mới chỉ có 19,10% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Chính phủ điện tử đo lường bằng số lượng dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ số đo lường bởi số thủ tục được cắt giảm, số dịch vụ mới tăng lên và số bộ dữ liệu mở được cơ quan nhà nước cung cấp.

Cổng dữ liệu quốc gia chính thức đi vào hoạt động

Sáng 17/9, Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2020 đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện này được sự quan tâm, tham gia của hàng trăm chuyên gia, lãnh đạo cấp cao đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng lãnh đạo một số tỉnh, thành phố.

Tại Hội nghị các chuyên gia cho rằng những nỗ lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử của nước ta trong thời gian qua đã được ghi nhận tích cực, Việt Nam tăng hạng 13 bậc từ năm 2016 theo Báo cáo xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc, năm 2020 Việt Nam tăng hạng 02 bậc, xếp thứ 86/193 quốc gia, trong khu vực Châu Á xếp thứ 23/47, trong khu vực ASEAN xếp thứ 6/11 quốc gia.

Trong đó, chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) tăng 31 bậc, chỉ số dịch vụ công trực tuyến giảm đáng kể (22 bậc), tuy nhiên, chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến địa phương được Liên Hiệp Quốc ghi nhận, Việt Nam có thành phố Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất, xếp hạng thứ 42/100 thành phố.

Tuy nhiên, ở mảng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong nước, tính đến tháng 9 năm 2020, toàn quốc có 19,10% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (mục tiêu Chính phủ đặt ra năm 2020 tối thiểu 30%), trong đó, 09 bộ, ngành trung ương và 15 tỉnh, thành phố đã cung cấp trên 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Để đạt mục tiêu Chính phủ đặt ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đang nỗ lực, đổi mới cách làm, đổi mới mô hình triển khai làm sao để làm nhanh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Cũng tại 'Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2020', các chuyên gia đã nhắc đến thuật ngữ 'Chính phủ số'. Đây là thuật ngữ được Liên hiệp quốc sử dụng lần đầu tiên tại báo cáo 'Chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc năm 2020' trong báo cáo xếp hạng Chính phủ điện tử của 193 quốc gia thành viên.

Theo các chuyên gia, các nước trên thế giới đang có xu thế dịch chuyển từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số. Chính phủ số là chính phủ đưa toàn bộ hoạt động của mình lên môi trường số, không chỉ là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ. Đây là quá trình chuyển đổi số của Chính phủ.

Dịch chuyển Chính phủ điện tử sang Chính phủ số là quá trình chuyển đổi tư duy quản lý, cung cấp dịch vụ từ cung cấp những gì cơ quan nhà nước có sang cung cấp dựa trên nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ điện tử đo lường bằng số lượng dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ số đo lường bởi số thủ tục được cắt giảm, số dịch vụ mới tăng lên và số bộ dữ liệu mở được cơ quan nhà nước cung cấp.

Nhằm chuyển đổi số xây dựng Chính phủ số thời gian tới được đồng bộ, hiệu quả, trong thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, phiên bản 2.0 nền tảng cho xây dựng Kiến trúc tổng thể quốc gia, đồng thời hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kiến trúc tại các bộ, ngành, địa phương.

'Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2020' đã tập trung giới thiệu định hướng, lộ trình phát triển Chính phủ số và các giải pháp để thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 nhanh. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng chia sẻ một số kinh nghiệm cũng như thách thức trong chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số thời gian tới.

T.T

Chủ đề khác