VnReview
Hà Nội

Cha đẻ kinh tế học vĩ mô Keynes đã sai, thế hệ Gen Z bây giờ không sướng như dự đoán

Cách đây 90 năm, nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh;John Maynard Keynes, cha đẻ của lý thuyết kinh tế học vĩ mô, đã dự đoán đến năm 2030 thế hệ Gen Z sẽ được giải phóng khỏi công việc và thế giới sẽ tiến tới xã hội không cần lao động nhưng thực tế đến nay không như vậy.

Ảnh: Nicolas Ortega

Đúng là hệ thống thế giới hiện nay đang trên bờ vực thay đổi, nhưng không phải theo cách mà Keynes hi vọng. Số phận của Gen Z (những người được sinh ra từ năm 1990 đến 2010) được cho ông cho là sẽ có thể thoải mái tận hưởng cuộc sống và sáng tạo. Thay vào đó, thế hệ này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ chậm lương cho đến khủng hoảng hệ sinh thái.

Trong một bài viết nổi tiếng đầu những năm 1930 của Keynes có tên "Economic Possibilities for Our Grandchildren" (Khả năng kinh tế cho con cháu của chúng ta), ông tưởng tượng viễn cảnh thế giới 100 năm sau trong tương lai. Ông chỉ ra hiện tượng tự động hóa (mà ông gọi là "công nghệ phi nhân công") sẽ xuất hiện, nhưng ông tin rằng những thay đổi đó sẽ tiến tới một xã hội tốt đẹp hơn, tiến tới giải phóng con người khỏi công việc. Ông còn lo lắng rằng sự chuyển đổi sang một thế giới không việc làm có thể sẽ gây trở ngại về mặt tâm lý, do vậy ông đưa ra đề xuất giảm giờ làm việc còn 3 giờ/ngày để chuyển tiếp giai đoạn, từ đó cho phép chúng ta tự đặt ra nhu cầu phải làm gì khi không còn việc làm.

Chúng ta có thể tự hiểu rằng thế hệ con cháu được đề cập trong tiêu đề bài viết của Keynes chính là những đứa trẻ và thế hệ trẻ ngày nay. Lực lượng trong độ tuổi lao động ở năm 2030 là những người sinh từ năm 1976 cho đến 2005. Và mặc dù những dự đoán ông đưa ra về tốc độ tăng trưởng và tích lũy kinh tế rất chính xác, nhưng ý nghĩa của những con số đó đối với thế hệ trẻ ngày nay lại khác xa so với những gì ông tưởng tượng.

Thay vì tiến tới xã hội lý tưởng không cần lao động, người lao dộng ở Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm như một dạng "biến đổi khí hậu" trong nền kinh tế. Những dự báo về ngày tận thế dần xuất hiện khi người nghèo và tầng lớp lao động đang phải chịu tác động từ những dấu hiệu ban đầu: chậm lương, điều kiện làm việc không đúng quy định và không đảm bảo an toàn, nghiện chất kích thích. Sự giàu có của phần còn lại trong xã hội Mỹ ngày càng gia tăng cũng là một vấn đề đang lo ngại.

Chuyện gì đang xảy ra vậy? Để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra với Gen Z, chúng ta phải trả lời một số câu hỏi cơ bản về kinh tế, công nghệ và sự phát triển.

Sau một thế kỷ giả định rằng thế giới tốt đẹp hơn sẽ xuất hiện từ sự tích lũy của chúng ta, cuối cùng mục tiêu đó dường như không thể hoàn thành. Mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn.

Gần đây nhất là sự bùng nổ đầu tiên của internet vào hai thập kỷ trước, vẫn có thể nói rằng sự phát triển về công nghệ và sự mở rộng của nền kinh tế mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Như với Webvan là một start-up thời kỳ đầu về giao hàng (và sau đó đã thất bại). Công ty này lên kế hoạch kết hợp khả năng của internet, các tiện ích từ thông tin và vận tải để cung cấp dịch vụ tốt hơn với mức giá thấp hơn, vận chuyển hàng hóa trực tiếp đến người dùng bằng những nhân viên được đào tạo và có mức lương cao hơn trước. Đó là một điển hình trong hiện thực hóa tầm nhìn của Keynes về sự phát triển: người tiêu dùng, công nhân, hay giới tư bản không chỉ hưởng lợi riêng lẻ, mà cả xã hội sẽ cùng nhau tiến lên, hướng đến loại bỏ sự nghèo khó và đến với cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khi Webvan thất bại, các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân là do ý tưởng cốt lõi sai lầm của nó: sử dụng nhân lực để vận chuyển những thứ mua tại siêu thị về nhà khách hàng là không hợp lý. Vào năm 2001, khi giáo sư John Deighton thuộc Đại học Kinh tế Havard được hỏi về nền công nghiệp này trong tương lai, ông đã trả lời rằng "Giao hàng tận nhà ư? Không bao giờ". Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 20 năm sau, tôi đã có thể sử dụng dịch vụ giao hàng từ một công ty trị giá hàng nghìn tỉ USD (Amazon) để vận chuyển đơn hàng từ một cửa hàng về nhà chỉ trong vài giờ. Và nếu như vậy vẫn chưa đủ nhanh thì tôi có thể thuê một ai đó mua hàng hộ và mang đến chỗ tôi ngay lập tức. Những người giao hàng ngày nay đang di chuyển liên tục trên đường phố.

Với khách hàng, những dịch vụ này giúp cuộc sống tiện lợi hơn. Với các công ty, giá cổ phiếu và lợi nhuận tăng ngày càng cao trong thập kỷ qua. Nhưng với người lao động, chúng ta đang phải chịu đựng. Tầm nhìn của Webvan về các nhân viên giao hàng được đào tạo bài bản, lương cao, khả năng phát triển linh động và kho lưu hàng đã là dĩ vãng rồi. Cách đối xử của Amazon với nhân viên ở mọi cấp độ luôn thể hiện sự bóc lột khủng khiếp, đến mức những nhân viên cũ tự làm một bản "báo cáo ngược" trình bày cụ thể những khó khăn khi làm việc tại công ty. Đó vừa là hình thức điều tra và cũng là nhật ký ghi lại chấn thương của họ.

Đây là một hình ảnh một nhân viên kho vận mô tả công việc của mình:

Ảnh: Nicolás Ortega

Chủ nhân của kinh tế vĩ mô dự đoán chủ nghĩa tư bản sẽ kéo dài trong khoảng 450 năm

"Trí tuệ nhân tạo sẽ là sếp của bạn, sếp của sếp bạn, sếp của sếp của sếp bạn: nó sẽ đặt ra mục tiêu năng suất, hạn ngạch và phân công lao động trong ca … Cuối cùng, bạn sẽ hiếm khi làm việc với cùng một người hai lần, bị cô lập, được giao cho nhiệm vụ ngẫu nhiên từ ca này đến ca khác, kiệt sức vì sắp xếp, phân loại và đóng gói hàng hóa nhiều hơn mức trung bình của bạn, vì người giám sát yêu cầu bạn phải làm vậy và chương trình cho giám sát biết điều đó".

Thay vì giúp người lao động ít vất vả hơn, sự cải tiến về công nghệ đã tạo ra thành quả bằng việc nhào nặn người lao động một cách phi lý. Trong tất cả các bộ phận, người lao động tại Amazon đều báo cáo rằng guồng làm việc khiến họ buộc phải đi tiểu trong chai hoặc thùng rác. Công ty khổng lồ này đã loại bỏ trách nhiệm của họ đối với những người lao động cấp thấp trong công ty bằng các điều khoản phụ trong hợp đồng. Những điều tra gần đây về giai đoạn giao hàng đầu cuối của Amazon cho thấy tài xế của họ bị kiệt sức, trong khi lái xe yêu cầu phải rất cẩn thận, và kết quả có thể thấy trước là những tai nạn chết người. Đối với cộng đồng các doanh nghiệp thì công ty này vẫn được cho là một hình mẫu lý tưởng.

Lý tưởng thoát khỏi công việc dường như chỉ là giấc mơ ở bất cứ đâu. Những người nhân công làm ra linh kiện iPhone thì phải tiếp xúc với hóa chất độc hại; Foxconn thì thường xuyên bị chỉ trích vì điều kiện lao động kém. Nhân viên giao hàng của Instacart thì đình công để phản đối thay đổi về tiền công, hai ngày sau đó thì Instacart cắt tiền thưởng của nhân viên (và cho biết hai sự kiên này không liên quan). Nhân viên của Gig trên trang Rev.com gần đây phát hiện tiền công của họ bị cắt giảm, giờ đây mỗi đô mà khách hàng chi trả để phiên âm audio thì Rev nhận 70 xu còn nhân viên chỉ nhận được 30 xu.

Giới trẻ Mỹ đang là lực lượng lao động chính trong nền kinh tế của Amazon, không phải Webvan. Theo Viện Chính sách kinh tế, từ năm 1979 đến năm 2019, năng suất lao động của công nhân tăng 69,6%, trong khi lương theo giờ làm chỉ tăng 11,6%. "Thu nhập, tiền lương và của cải được tạo ra trong 4 thập kỷ gần đây không thể ‘đến được' đại đa số, vì lựa chọn chính sách được thực hiện bởi số có thu nhập, tài sản và quyền lực cao hơn đã khiến gia tăng sự cách biệt", EPI cho biết. Điểm khác biệt giữa năng suất và tiền lương chính là sự gia tăng bóc lột: công nhân phải làm nhiều hơn nhưng lương lại ít đi. Đây không phải là kế hoạch mà chúng ta hướng đến.

Keynes và những tầm nhìn của ông về mặt chính sách đã không còn phù hợp khi chủ nghĩa tự do kinh tế được Milton Friedman ủng hộ đưa Reagan và Thatcher đến với quyền lực toàn cầu. Những quan điểm trước đây về tương lai gắn với tư nhân hóa và bãi bỏ các quy định. Đây sẽ là "Sự kết thúc của Lịch sử" với thị trường tự do như một phương tiện thích hợp cho bản chất con người, thậm chí là không thể tránh khỏi.

Ở đó, mọi người đều theo đuổi mục đích cá nhân của mình và cùng nhau tạo nên những điều tốt nhất có thể cho thế giới, miễn là chính quyền không can thiệp. Ví dụ, chúng ta được dạy rằng trên thực tế, chính sách quản lý tiền thuê lại khiến tiền thuê tăng cao, luật tiền lương tối thiểu lại tác động xấu đến tiền lương, lợi ích từ việc cắt giảm thuế lại ít tác động đến người lao động. Hầu hết mọi người đều được cường điệu hóa theo chủ nghĩa tự do và khi khủng hoảng tài chính năm 2008 ập đến, hóa ra thị trường của chúng ta không thể tự điều chỉnh theo cách cái mà nó vẫn được nhận định.

Tuy nhiên, các gói cứu trợ của chính phủ dẫn đến những lập luận cho rằng chính phủ chỉ cản trở hoạt động bình thường của nền kinh tế. Và vì vậy, các nhà kinh tế học đã phủ nhận Keynes. Các quốc gia làm theo khuyên nghị của ông và sử dụng quỹ kích cầu đã có thể thoát khỏi suy thoái kinh tế nhanh hơn nhiều so với những nước còn do dự. Năm 2008, Trung Quốc quyết định sử dụng gói kích thích chi tiêu trị giá 12% GDP và khi nhìn lại thì đây là một quyết định sáng suốt. Ở Mỹ, cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều tranh cử với lời hứa đề xuất các gói chi tiêu trị giá hàng nghìn tỷ đô, chứ không phải lời kêu gọi của lưỡng đảng về cân bằng ngân sách và tinh gọn bộ máy mà chúng ta từng nghe. Con lắc lại đảo chiều và lý tưởng của Keynes quay trở lại một lần nữa.

Việc chuyển đổi từ lý thuyết của Friedman sang Keynes có ý nghĩa lớn hơn cả việc sửa đổi lại hệ thống vận hành của nền kinh tế. Cả hai không chỉ khác nhau về nhận định cách thức vận hành của chủ nghĩa tư bản mà còn về mục đích của nó. Friedman và những người cùng lý tưởng nhìn nhận thị trường là nơi tự do theo đuổi lợi ích cá nhân và vì theo đuổi lợi ích cá nhân là bản chất con người, do đó, nó giúp tối đa hóa sự thịnh vượng chung. Tư bản là phương tiện dẫn đến đích.

Mặt khác, Keynes lại không xem sự ham muốn tiền bạc là một đức tính nổi bật. Phải có một điều gì đó cao cả hơn thế. Với Keynes, lòng tham nguy hiểm nhất không phải là cố gắng làm ra tiền mà là giữ nó trong túi quá lâu. Cách duy nhất để giữ mức phúc lợi của người dân ở mức cao và tăng việc làm là ngày càng gia tăng sản xuất và tiêu dùng. Đây không chỉ là bản năng của chúng ta mà còn là cách mà hệ thống vận hành, nó phải phát triển để tồn tại. Nhưng ông dự báo rằng sẽ sớm có một ngày, cuộc đua sẽ kết thúc và chúng ta có thể ngừng giả vờ xem tư bản không phải cách sống hủy diệt Trái Đất.

Với thế hệ "con cháu", Keynes hướng đến ngày mà "chúng ta có đủ khả năng để đánh giá động cơ kiếm tiền theo đúng giá trị của nó". Ông cho biết:

"Đam mê tiền như sự chiếm hữu, để phân biệt với tình yêu tiền bạc như một cách tận hưởng cuộc sống, sẽ được nhận thức là một căn bệnh ghê tởm, mang khuynh hướng nửa tội ác nửa bệnh hoạn…"

Theo Keynes, tư bản không biện minh cho chính nó. Ông viết "Ngày càng nhiều sẽ có những tầng lớp, những nhóm người bị tác động từ việc loại bỏ những nhu cầu kinh tế". Nhưng ông chưa bao giờ xác định cơ chế nào sẽ kết thúc trò chơi tích lũy tư bản. Thậm chí khi chúng ta đã sản xuất đủ để vượt qua vạch đích thì làm thế nào để nhận ra? Và ai sẽ khiến cho tầng lớp giàu có san sẻ hay thậm chí là ngừng lấy đi nhiều hơn? Keynes biết rằng chúng ta chỉ có thể phát triển theo hướng này trong thời gian dài, nhưng ông đã không tính đến những cuộc cách mạng. Thay vào đó, ông chỉ cho rằng những người chủ sẽ làm điều đúng đắn.

Những dự đoán của Keynes về sự phát triển, chu kỳ kinh doanh và chính sách tài khóa có thể đúng, nhưng nếu ông đã sai về việc cho rằng chủ nghĩa tư bản sẽ kết thúc theo cách riêng của nó thì những lý giải nền tảng cho toàn bộ hệ thống của Keynes sẽ sụp đổ. Trong trường hợp đó, toàn xã hội sẽ bị những kẻ "nửa tội ác nửa bệnh hoạn" trói buộc và thúc ép để chi tiêu trước của cải mà không có bất cứ một giới hạn đạo đức nào.

Mọi người đều ngạc nhiên vì "con cháu" của Keynes đều theo chủ nghĩa Mác

Ảnh: Nicolás Ortega

Nếu nền kinh tế truyền thống chuyển từ Friedman sang Keynes, từ chủ nghĩa tư bản đến chủ nghĩa tư bản tự lụi tàn cho một thứ gì đó cao hơn, thì những gì chúng ta cần là một bài phê bình về lý tưởng hai người đã chia sẻ, một bài phê bình về mặt kinh tế học. Hầu hết những bài viết như vậy đều bị cất vào gầm giường ở giai đoạn cuối những năm 80 và đầu những năm 90, nhưng chúng không mất đi.

Bài phê bình kinh tế học nổi tiếng nhất là của Mác. Keynes không đánh giá cao người đàn ông này, thể hiện qua việc ông từ chối nêu tên Mác trong chuyến thăm Liên bang Xô Viết năm 1925, thay vào đó ông đề cập đến những người Do Thái "tham vọng". Nhưng chính người đàn ông không được nhắc đến này lại có cái nhìn khác về sự phát triển kinh tế trong tương lai.

"Luận điểm cơ bản" của Mác khá dễ để nắm bắt: Vì tư bản kiếm tiền từ mỗi giờ lao động của công nhân, do đó họ sẽ càng giàu có theo thời gian, trong khi người công nhân thì không, vì họ bận phải kiếm tiền cho tư bản. Khi thủy triều dâng lên thì chỉ có những chiếc thuyền lớn nổi lên theo, còn những người khác thì phải bơi.

Mác nhận định nếu công nghệ làm giảm nhu cầu việc làm, công nhân sẽ phải làm việc lâu hơn, chăm chỉ hơn, hiệu quả hơn hoặc chuyển qua làm việc khác. Công nghệ sẽ tạo ra một lượng dân số tuyệt vọng do thất nghiệp, những người này có thể chuyển sang làm những sản phẩm xa xỉ vì đây là thị trường sẽ ngày càng phát triển, nhưng nó chỉ phát triển về giá tiền chứ không phải số lượng người đủ giàu để mua chúng. Thay vì lợi ích chung ngày càng tăng, thì sẽ là sự bất bình đẳng, bóc lột và tích tụ khó khăn. Những gì người lao động đã xây dựng trong thời gian qua chính là sự phục tùng của họ và họ đã làm rất tốt.

Sau nhiều thập kỷ trôi qua, luận điểm cơ bản đã cho thấy tính thực tiễn mạnh mẽ của nó, đặc biệt là khi so sánh với tầm nhìn của Keynes về sự gia tăng của nhóm dân số chuyển từ gánh nặng kinh tế sang tận hưởng cuộc sống, hay với niềm tin của Friedman rằng sự giàu có của tầng lớp trên cùng sẽ kéo theo sự phồn vinh cho tất cả mọi người.

Và vấn đề công nhân không phải thứ duy nhất Mác nhìn thấy: "Tất cả những tiến bộ trong nền nông nghiệp tư bản là một quá trình đầy nghệ thuật, nó không chỉ cướp sức lao động mà còn cướp đất", ông viết. "Toàn bộ quá trình làm tăng độ phì nhiêu của đất trong một khoảng thời gian nhất định đều dẫn đến sự hủy hoại lâu dài về nguồn gốc mảnh đất đó", ông viết. Chủ nghĩa môi trường không phải là một nguyên lý cơ bản trong chủ của Mác, nhưng khác với những nhà kinh tế học, ông hiểu rằng việc sản xuất dựa trên khai thác có giới hạn tự nhiên của nó. Câu trả lời duy nhất cho loài người trên hành tinh này là loại bỏ toàn bộ hình thức sản xuất, cùng với công nhân và tư bản, thành thị và nông thôn, những cánh đồng lớn và một quả địa cầu rỗng tuếch.

Chúng ta đang tiến đến gần năm 2030, thời điểm được cho là tư bản sẽ sụp đổ, thời điểm mà chúng ta được cho là sẽ tiến bộ và nâng cao giá trị bản thân, nhưng những dự đoán lại không hoàn toàn mang một màu hồng. Tháng 10/2018, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu kết luận rằng sự nóng lên toàn cầu có khả năng đạt 1,5 độ C từ năm 2030 đến năm 2052 nếu nhiệt độ tiếp tục tăng theo tốc độ hiện tại. Nếu chúng ta đạt đến cột mốc đó, các chuyên gia dự đoán mực nước biển sẽ tăng từ 26-77cm, sự tuyệt chủng nhanh chóng của một số loài, hàng trăm triệu người sẽ thiếu lương thực và nước uống, và loài người sẽ trải qua những hiện tượng thời tiết cực đoan chưa từng có. Chúng ta không chỉ đang tích trữ của cải, mà còn là những thảm họa.

Một khẩu hiệu của giới trẻ phản đối sự thay đổi khí hậu được diễn đạt xúc tích rằng: "Bạn sẽ chết vì tuổi già. Chúng ta sẽ chết vì biến đổi khí hậu". Trẻ em ngày nay không còn cơ hội để tin vào một thứ gì đó quá đơn giản. Nhà lãnh đạo phong trào trẻ tuổi Greta Thunberg đã đưa thông điệp của mình về một thế hệ sinh thái đến Hội nghị Thượng đỉnh về Hành động vì Môi trường của Liên hợp quốc: "Con người đang gánh chịu, con người đang chết dần, toàn bộ hệ sinh thái sẽ sụp đổ. Chúng ta là khởi nguồn của sự tuyệt chủng trên diện rộng vậy mà ai ở đây cũng chỉ nói về tiền bạc và những câu chuyện cổ tích về sự phát triển kinh tế vô hạn".

Nhóm cư dân trẻ tuổi trên toàn thế giới mà Thunberg đại diện không còn sự lựa chọn nào khác ngoài thiết lập những tiêu chuẩn mới cho hạnh phúc xã hội, những tiêu chuẩn vượt xa tiêu chuẩn phát triển GDP. Chúng ta cần giảm thiểu khí thải carbon trong không khí, loại bỏ rác thải nhựa khỏi đại dương, giữ dầu trong lòng đất và bảo vệ các loài động vật đang trên bờ vực tuyệt chủng. Tất cả những tiêu chuẩn khác đều là sự thất bại. Giới trẻ ngày nay phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Thậm chí đôi khi báo chí cũng có phóng đại thêm, thì mối quan hệ giữa thế hệ Millennials và Gen Z về chủ nghĩa xã hội là có thật. Sau hơn một thập kỷ kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, nước Mỹ đã tiến vào công cuộc phát triển kinh tế lớn chưa từng có, nhưng những cuộc khảo sát đều cho thấy giới trẻ ngày càng ngả theo phe chính trị cánh tả. Một khảo sát của YouGov cho thấy tỉ lệ ủng hộ tư bản trong người Mỹ dưới 30 tuổi đã giảm từ 39% còn 30% trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2018, thấp hơn mức trung bình 14% và thấp hơn 26% so với nhóm trung niên.

Giới trẻ ngày càng nhận ra rằng tư bản đang tận dụng triệt để nguồn lực con người và tài nguyên thay vì xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Thay cho những phản ứng đơn giản trước những sự kiện như sự nóng lên toàn cầu, thì chúng ta đang có sự hiểu biết sâu sắc hơn. Mọi người đều ngạc nhiên khi nhân thấy thế hệ con cháu của Keynes đều trở thành những người theo chủ nghĩa Mác.

Khi Keynes viết rằng ông hi vọng vào "sự thay đổi tổng thể lớn chưa từng có về những thứ tạo nên môi trường sống cho con người", ý của ông trong thời điểm hiện nay chính là chúng ta. Và có vẻ ông đã đúng theo một khía cạnh nào đó. Số phận của giống loài chúng ta, và cả những giống loài khác, chính là duy trì sự cân bằng.

Dù khi phân tích lý tưởng của Keynes nghe có vẻ huyền diệu, nhưng có những dự đoán của ông từ năm 1930 hoàn toàn không sai lệch. Bên cạnh việc đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn hoặc thấp hơn con số dự đoán, Keynes còn cho rằng chúng ta chính là thế hệ được tạo ra để chấm dứt tư bản chủ nghĩa. Hệ thống tư bản được cho là sẽ không tồn tại quá 500 năm. Với mức độ phát triển công nghệ như hiện nay và sự tích lũy, chủ nghĩa tư bản không còn đơn thuần là bóc lột hay thậm chí là tận diệt; nó trở nên khó hòa hợp hơn với chính nhân loại.

Như trong môn bóng bầu dục, cầu thủ càng khỏe thì chấn thương họ có thể gặp sẽ càng nặng hơn. Những phương thức sản xuất của tư bản đang trở thành một nguy cơ khách quan cho toàn xã hội loài người.

Dù là cách này hay cách khác, sẽ rất tốt nếu lực lượng lao động ở năm 2030 là lực lượng cuối cùng mà chủ nghĩa tư bản thị trường có. Khó có thể nói được điều gì sẽ xảy ra nhưng nó sẽ đến sớm thôi. Thế hệ con cháu mà Keynes nhắc đến đã ở đây. Dù chúng ta có hiểu hết được ý của ông hay không, thì cái mới cũng đã xuất hiện.

Minh Bảo (Theo MIT Technology Review)

Chủ đề khác