VnReview
Hà Nội

"Cha đẻ" rubik không thể lý giải vì sao nó nổi tiếng

Đầu năm 1974, sau khi tìm đủ cách để chế tạo mô hình chuyển động ba chiều cho các sinh viên học tập, kiến trúc sư người Hungary, Ernő Rubik đã cho ra đời một khối hình lập phương nhiều màu sắc với tên gọi Bűvös kocka hay Magic Cube.

Ban đầu, Magic Cube được làm từ gỗ và giấy, cố định bằng dây thun, keo dán hay kẹp giấy, thay vì được làm từ nhựa như hiện nay. Về sau, phát minh đổi tên thành "rubik", được nhiều người yêu thích và là trò chơi xếp hình phổ biến nhất thế giới với hơn 350 triệu sản phẩm xuất xưởng vào năm 2018. Không những vậy, rubik còn là niềm cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật và phim ảnh.

Thậm chí việc sắp xếp các khối màu lộn xộn trong thời gian ngắn đã nhanh chóng trở thành một môn thể thao thi đấu thế giới: speedcubing. Nhưng ngay từ đầu, chẳng ai ngờ rằng rubik sẽ thành công vang dội và thậm chí là cả cha đẻ Ernő Rubik cũng không nghĩ thế.

Trong cuốn sách mới nhất của mình có tựa đề Cubed: The Puzzle of Us All, Ernő Rubik cho rằng tác động của khối lập phương đối với cuộc sống "thú vị hơn nhiều so với chính bản thân nó". Cuốn sách nói về việc vì sao rubik trở nên phổ biến và được nhiều người yêu thích, nhất là giới trẻ.

Thoạt nhìn, rubik có vẻ khá đơn giản với chín ô vuông nhỏ mỗi mặt. Màu sắc của mỗi mặt trên khối lập phương sẽ được làm đồng nhất và bị xáo trộn. Nhiệm vụ của người chơi là phải tìm cách giải sao cho các khối vuông nhỏ trở về cùng một màu như cũ.

Song, điều bất ngờ nhất ở chỗ một khối rubik có thể có đến 43 ngàn tỷ tỷ tỷ cách xoay. Vì thế, để giải ;thành thạo khối hình lập phương, người chơi phải học qua các chuỗi chuyển động theo thứ tự liên tiếp mà không thể xoay ngẫu nhiên cho đến khi hoàn chỉnh.

Không những thế, khối rubik sơ khai chỉ có số ô vuông bên trong là 3x3, nhưng dần dần mức độ khó đã được tăng lên với 4x4 và cuối cùng là 5x5. Điều này đồng nghĩa với việc người chơi phải rút ra các nguyên tắc toán học khác nhau về lý thuyết nhóm nếu muốn giải được chúng.

Ban đầu, Rubik nghĩ rằng khối lập phương mà mình tạo ra sẽ chỉ thu hút những ai có kiến thức về khoa học, toán học hay làm công việc thiên về kỹ thuật. Tuy nhiên, ông đã bị sốc khi những người có vẻ không quan tâm vẫn bị thu hút bởi rubik.

Ernő Rubik, người làm ra món đồ chơi rubik nổi tiếng toàn cầu

Vào tháng 3/1981, khối lập phương màu sắc đã xuất hiện trên trang bìa tạp chí Scientific American, nơi nhà khoa học Douglas R. Hofstadter từng đoạt giải Pulitzer nhờ tác phẩm "Godel, Escher, Bach: An Eternal Golden Braid" nhận định: "Đây quả thực là một trong những phát minh tuyệt vời nhất được tạo ra nhằm truyền dạy các ý tưởng toán học".

Giờ đây, ngồi bên hiên nhà trên ngọn đồi ở Budapest, Ernő Rubik, hiện 76 tuổi vừa nghịch ngợm với món đồ chơi xếp hình, vừa hồi tưởng về những "khám phá" và thành công tình cờ mà ông có được. Ở đây, Rubik nói mình "khám phá" thay vì "phát minh", như thể sự tồn tại của khối lập phương đã có từ trước.

Được biết, sau khi hoàn thành tác phẩm, Rubik đã phải đối mặt với thách thức thứ hai là làm sao giải quyết câu đố. Thậm chí ông còn sợ rằng mình không thể xoay khối lập phương về vị trí cũ, chứ chưa bàn đến tốc độ như thế. Cuối cùng, ông đã mất cả tháng trời để tìm ra lời giải rubik.  

Ông cho rằng thật khó để "tìm đường về, hay đặt mục tiêu mơ hồ để giải một bài toán tổ hợp như rubik. Khi đó, tôi không có bất kỳ cơ sở kiến thức nào để dựa vào bởi tôi là người đầu tiên làm ra nó". Hơn nữa, vào năm 1945, văn phòng Sáng chế Hungary gọi rubik là món "đồ chơi logic không gian" và khái niệm sản xuất đồ chơi tại nước này còn mới nên sự phát triển của rubik đã bị hạn chế.  

Xếp hình ngày trước chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường đồ chơi nói chung. Người dùng sẽ chỉ có thể tìm thấy chúng trong các cửa hàng bán đồ lưu niệm hay đặc sản vùng. Đồng thời việc coi xếp hình là một trò chơi giải trí vẫn còn là khái niệm mới lạ.

Nhưng với rubik, nó đã mau chóng được chú ý kể từ khi ra mắt. 5 năm sau đó, tức là vào năm 1979, nhà tiếp thị Tom Kremer đã tìm ra và đưa khái niệm rubik đến Mỹ. Từ những năm 1980, khối lập phương được truyền thông rộng rãi thông qua các chương trình quảng cáo và truyền hình của Mỹ. Thậm chí, nó còn trở thành ngôi sao của series phim truyền hình, mang tên "Rubik, the Amazing Cube" được phát vào năm 1983.

Tuy nhiên, thành công của rubik tại Mỹ không tồn tại được lâu. Năm 1982, tờ The New York Times tuyên bố trò xoay rubik đã lỗi mốt và nói rằng nó không thể chịu được sự tàn phá của thời gian. Nhà khoa học Hofstadter cũng nói rằng: "Rubik là khối lập phương vĩnh cửu với cấu trúc hoàn hảo, vì thế mọi người dần không còn hứng thú". Song, mối quan tâm về rubik đã được khôi phục trong thời gian gần đây, khi đạo diễn Sue Kim minh họa trong bộ phim tài liệu mới "The Speed Cubers" của cô.

Mong muốn con mình có một niềm đam mê nhất định, Kim bắt đầu đưa con trai tham gia các cuộc thi tuyển chọn và tìm thấy trò chơi xếp hình lý thú. Kim ghi lại cách con trẻ tìm tòi, làm chủ rubik thông qua các công cụ kỹ thuật số như hướng dẫn trên Internet hay trên YouTube,... Sau đó, cô lập nên cộng đồng trực tuyến, nơi dành cho những người yêu thích khối hình lập phương chia sẻ đam mê, truyền đạt quan điểm. "Tôi thực sự nghĩ rằng rubik đã tìm thấy một thị trường cho riêng mình nhờ sự hòa hợp vào bối cảnh kỹ thuật số hiện có", Kim cho biết.

Tóm lại, đối với tất cả sự hấp dẫn của rubik đối với toán học và logic, sự phổ biến rộng rãi của trò chơi có thể bắt nguồn từ số lượng vô hạn các giải pháp khả thi để xoay rubik về đúng vị trí. "Đó là một trong những tính chất bí ẩn nhất của rubik mà tôi chưa tìm ra. Sự kết thúc lại trở thành một khởi đầu mới", Rubik cho biết.

Minh Hoàng theo Popular Science

Chủ đề khác