VnReview
Hà Nội

Trung Quốc gỡ bỏ ứng dụng giúp người dùng "vượt rào" Great Firewall

Một ứng dụng do 360 Security Technology, gã khổng lồ an ninh mạng Trung Quốc, phát triển với mục đích giúp người dùng vượt qua tường lửa quốc gia Great Firewall vừa bị chặn và xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng di động.

Ứng dụng giúp người dùng Trung Quốc vượt qua tường lửa bị gỡ bỏ

Ứng dụng này chính là trình duyệt Tuber, cho phép người dùng đại lục truy cập vào nhiều trang web bị chặn, bao gồm Google và Facebook. Nó giúp người dùng Trung Quốc có thể xem mọi video YouTube hay ảnh từ Instagram mà không cần thông qua một mạng riêng ảo hoặc VPN bất hợp pháp. Dẫu vậy, Tuber đã ngừng hoạt động vào hôm qua và không còn xuất hiện trên cửa hàng ứng dụng của Huawei.

Đây không phải là một điều quá khó hiểu khi Chính phủ Trung Quốc luôn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực internet của mình. Họ yêu cầu các công ty trong nước, từ Tencent cho đến ByteDance (nhà phát triển đứng sau TikTok), phải kiểm duyệt và loại bỏ những nội dung chỉ trích chính phủ cũng như chính sách.

Ban đầu, Tuber cung cấp cho 904 triệu người dùng trực tuyến trong nước khả năng truy cập hợp pháp mọi trang web ở nước ngoài cũng như sử dụng nhiều mạng xã hội, bởi hầu hết trong số đó đều bị cấm. Dẫu vậy, nó buộc người dùng phải đăng ký số điện thoại di động, giúp nhà phát triển có thể theo dõi mọi hoạt động của họ, bởi tất cả chúng đều được liên kết với hệ thống nhận dạng tại Trung Quốc.

Một nhân viên quan hệ công chúng tại 360 Security từ chối đưa ra bình luận. Cơ quan Quản lý Không gian Mạng Trung Quốc cũng không đưa ra bất kỳ lý do nào.

Rich Bishop, Giám đốc điều hành AppInChina, một đơn vị cung cấp mọi ứng dụng quốc tế tại thị trường Trung Quốc, cho biết: "Có lẽ, chính phủ đã phát hiện ra nó và yêu cầu mọi kho ứng dụng gỡ bỏ."

Ứng dụng giúp người dùng Trung Quốc vượt qua tường lửa bị gỡ bỏ

Người dân tại Trung Quốc đại lục thường phải sử dụng VPN để vượt qua Great Firewall – hệ thống tường lửa ngăn chặn truy cập vào những dịch vụ internet nước ngoài, từ Google cho đến Facebook, Twitter. Chính phủ Bắc Kinh thường xuyên ra tay ngăn chặn mọi dịch vụ VPN bất hợp pháp và loại bỏ chúng ra khỏi các cửa hàng ứng dụng trên Android cũng như iOS.

Trước khi bị gỡ bỏ, Tuber đạt được 5 triệu lượt tải về từ kho ứng dụng của Huawei. Theo một số bài đăng trực tuyến, ứng dụng này có thể đã được đưa lên vào cuối tháng 9 và chỉ dành cho Android.

Dẫu vậy, Tuber cũng có kiểm duyệt một số nội dung, bao gồm cả trên YouTube. Nếu tìm kiếm từ khóa "Tập Cận Bình" bằng tiếng Trung Quốc trên YouTube, trang web sẽ chỉ hiển thị 7 video clip do 3 kênh truyền hình ở Thượng Hải, Thiên Tân và Ma Cao đăng tải.

Người đứng đằng sau công ty phát triển Tuber chính là Chu Hồng Y (Zhou Hongyi), một tỉ phú kiêm ông trùm công nghệ tại Trung Quốc. Hồi tháng 5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa 2 trong số các công ty của Chu Hồng Y vào danh sách đen vì lo ngại những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.

Wang Huiyao, Chủ tịch Trung Tâm Toàn cầu hóa Trung Quốc, cho biết, ông tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ mở cửa không gian mạng của mình ở một mức độ nào đó.

"Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây đã đưa ra ra một sáng kiến nhằm thúc đẩy các luồng dữ liệu xuyên biên giới", Wang cho hay. "Việc Bắc Kinh gỡ bỏ các hạn chế đối với một số địa điểm được chọn có thể là một cách hợp lý để gửi tín hiệu tích cực đến cộng đồng quốc tế."

Minh Hùng theo Bloomberg

Chủ đề khác