VnReview
Hà Nội

Vì sao người dùng vẫn luôn tỏ ra "dễ dãi" với Instagram về quyền riêng tư?

Năm nay, Instagram đã bước sang năm hoạt động thứ 10. Trong suốt những năm qua, nền tảng này đã chuyển đổi từ ứng dụng cho những người đam mê chụp ảnh thành một mạng xã hội. Tuy nhiên, một trong những cột mốc lớn nhất trong lịch sử ứng dụng này là được Facbook mua lại. Mặc dù nhiều thay đổi của nền tảng sau khi đổi chủ không dễ gì nhận ra, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng Instagram giờ đây đã là một sản phẩm của Facebook.

Ảnh: Claudio Schwarz / @purzlbaum

Tuy nhiên, Instagram lại không bị giám sát chặt chẽ như công ty mẹ. Facebook đã đánh mất niềm tin của vô số người dùng sau nhiều vụ bê bối về thu thập dữ liệu và xâm phạm quyền riêng tư người dùng. Mặt khác, Instagram lại có lượng người dùng tăng lên nhanh chóng trong nhiều năm qua và cán mốc 1 tỉ người dùng mặc cho danh tiếng ngày càng đi xuống của Facebook. Nhưng liệu hai nền tảng mạng xã hội này có thật sự khác biệt hay không?

Giai đoạn sơ khai của Facebook và Instagram

Ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram được Facebook mua lại từ khá sớm. Năm 2012, Mark Zuckerburg đã mua lại Instagram với giá 1 tỉ USD khi nền tảng này mới chỉ có 80 triệu người dùng và doanh thu không đáng kể. Tuy vậy, đây là một thương vụ đã được tính toán kỹ lưỡng. Facebook muốn "nuốt trọn" mọi đối thủ tiềm năng trên con đường đến vị trí số một của mình.;

Thậm chí nếu bạn có sử dụng Instagram ở thời điểm đó thì cũng chưa chắc bạn biết về thương vụ này. Hai nền tảng trên trước đó không thực sự liên kết với nhau như hiện nay. Mặc dù vẫn có một số tính năng kết nối, nhưng trong những năm đầu, Instagram gần như độc lập với Facebook.

Nếu đúng theo những gì được đồn đoán thì lý do là hai người sáng lập Instagram là Systrom và Krieger đã có một số thỏa hiệp về tương lai cho nền tảng của mình. Nhưng trải qua thời gian, họ bị buộc phải chấp nhận thay đổi ngày càng nhiều và không chịu nổi áp lực từ ổng chủ Facebook, Mark Zuckerberg. Đến năm 2018, khi hai bên đã không còn thỏa hiệp được với nhau, Systrom và Krieger đã quyết định rời khỏi Instagram. Kể từ đó, sự vắng mặt của hai nhân vật này đã được thể hiện qua nhiều thay đổi trên Instagram.

Hai nền tảng, một châm ngôn: thu thập dữ liệu

Đến nay, Instagram và Facebook tương đồng nhau hơn bao giờ hết. Bạn chỉ cần nhìn vào giao diện tin nhắn trên Instagram gần đây là có thể thấy ranh giới giữa hai nền tảng này đã mờ nhạt đến nhường nào. Facebook gần đây đang nỗ lực hơn nhằm giữ chân người dùng ở lại hệ sinh thái của mình, trong khi đó, các vấn đề liên quan quyền riêng tư lại chưa được giải quyết.

Instagram có thể ít khi gặp phải các vụ bê bối về quyền riêng tư như công ty mẹ, nhưng điều đó không thể giúp nó trở thành một nền tảng ưu tiên quyền riêng tư của người dùng. Trên thực tế, các hoạt động về dữ liệu của ứng dụng này tương đồng với Facebook hơn là nhiều người có thể nhận thấy. Gần đây, công ty này đã vướng phải một cáo buộc về tự động nhận diện khuôn mặt người dùng mà không có sự đồng ý. Cáo buộc đã được nâng lên thành một vụ kiện chống lại các tuyên bố của Instagram, trong đó bao gồm cả việc dữ liệu khuôn mặt không phải người dùng cũng được Instagram lưu trữ. Instagram tuyên bố không sử dụng cộng cụ nhận diện khuôn mặt, nhưng chúng ta khó có thể tin tưởng tuyên bố này với danh sách những vi phạm trước đây của Facebook. 

Facebook là nền tảng đầu tiên triển khai công cụ nhận diện gương mặt để tự động gắn thẻ ảnh chụp selfies, giúp người dùng lựa chọn tự động gắn thẻ hoặc không. FTC gọi hành vi này là "lừa đảo" khi khởi kiện Facebook vào năm 2012. Kết quả là Facebook phải đóng khoản tiền phạt cao kỷ lục 5 tỉ USD vì cáo buộc này và một số vi phạm quyền riêng tư khác. Với những lịch sử như vậy thì khó mà tin vào bất kì tuyên bố bảo mật nào đến từ các công ty thuộc Facebook.

Chính sách quyền riêng tư của Instagram

Thậm chí, bạn không cần phải xem qua những trường hợp vi phạm trước đó mới khiến mình lo lắng về tính bảo mật của Instagram. Bạn chỉ cần bỏ chút thời gian đọc Chính sách dữ liệuĐiều khoản sử dụng của nền tảng này. Mạng xã hội này thu thập một lượng lớn dữ liệu dựa trên hoạt động của người dùng, bao gồm tất cả các hoạt động trên nên tảng này và "thời gian, tần suất cũng như khoản thời gian hoạt động". Các thông tin thanh toán, vận chuyển (địa chỉ nhà của bạn) cũng được thu thập bất cứ khi nào bạn thực hiện giao dịch với các sản phẩm của Facebook. Ngay cả thông tin thuộc tính thiết bị và hoạt động trên thiết bị cũng được thu thập, trong đó của thể kể tên một vài thông tin như "số nhận dạng duy nhất, ID thiết bị và các số nhận dạng khác", "các hoạt động của chuột" "tín hiệu Bluetooth và thông tin về các cột phát sóng, đèn hiệu và điểm truy cập Wi-Fi ở gần".

Việc thu thập thông tin về cột phát sóng di động và điểm truy cập Wi-Fi rất đáng quan ngại, vì từ những thông tin này, mạng xã hội có thể xác định vị trí chính xác của người dùng mà không cần cấp quyền truy cập vị trí của thiết bị.

Việc thu thập dữ liệu người dùng được sử dụng cho một số dịch vụ và quảng cáo, nhưng Instagram cũng có thể chia sẻ thông tin có được với các nghiên cứu cũng như cơ quan thực thi pháp luật. Phía Instagram cho biết toàn bộ dữ liệu được chia sẻ với đối tác quảng cáo đều vô danh. Nhưng với những vụ việc đã được phanh phui trước đây, chỉ cần một số dữ liệu cần thiết, đặc biệt là thông tin vị trí, thì việc định danh thông tin cá nhân là cực kỳ dễ dàng.

Nếu như trên vẫn chưa đủ, vậy thì Điều khoản sử dụng của Instagram sẽ thuyết phục được bạn. Công ty này tuyên bố họ không sở hữu những nội dung do người dùng đăng tải, nhưng họ vẫn được cấp "giấy phép không độc quyền, miễn phí bản quyền, có thể chuyển nhượng, có thể cấp phép lại trên toàn thế giới để lưu trữ, sử dụng, phân phối, sửa đổi, chạy, sao chép, trình diễn hoặc hiển thị công khai, dịch và tạo sản phẩm phái sinh từ nội dung của bạn (theo các cài đặt quyền riêng tư và ứng dụng của bạn)".

Ngoài ra, Instagram cũng nhận được dữ liệu về hoạt động của bạn trên ứng dụng hoặc trang web bên thứ ba có sử dụng công cụ Business Tools của Facebook, như nút Like hoặc Facebook Login. Với lượng thông tin đó thì cũng không có gì là lạ khi các thuật toán có thể đưa ra dự đoán quảng cáo với độ chính xác đáng sợ. Tệ hơn nữa là những dữ liệu đó cũng có thể được sử dụng để khiến mạng xã hội trở thành một loại "chất gây nghiện".

Vì sao chúng ta vẫn quá đỗi "dễ dãi" với Instagram?

Vậy thì tại sao Instagram vẫn có thể tránh bị soi về vấn đề này trong suốt một thời gian dài? Câu trả lời nằm ở tệp người dùng của Instagram có độ tuổi nhỏ hơn so với Facebook. Đồng nghĩa với đó là hiểu biết của người dùng về công nghệ cao hơn và họ có ý thức về quyền riêng tư tốt hơn.

Có lẽ Instagram đã cố gắng nằm ngoài tầm ngắm vì đây vẫn là một nền tảng bên ngoài ít độc hại hơn nhiều so với công ty mẹ của mình. Dù Instagram vẫn vấp phải những chỉ trích về việc thúc đẩy các tiêu chuẩn vẻ đẹp phi thực tế và một số vấn đề khác, nhưng chỉ trích về quyền riêng tư thì khá ít. Khi Facebook vướng vào vụ bê bối Cambridge Analytica thì Instagram không hề được chú ý đến. 

Dù vậy, Instagram vẫn cần được theo dõi một cách chặt chẽ. Nền tảng này giờ đây là một phần không thể thiếu của gia đình Facebook và điều đó sẽ không thay đổi trong tương lai gần. Nếu lo ngại về vấn đề quyền riêng tư, có lẽ đã đến lúc bạn phải cân nhắc xem việc sử dụng các sản phẩm của Facebook có thật sự quan trọng hay không.

Minh Bảo theo Android Authority

Chủ đề khác