VnReview
Hà Nội

Kết nối kém khiến nhiều người dùng từ bỏ mạng 5G tại Hàn Quốc

Nhanh chóng triển khai nhưng với mật độ cơ sở hạ tầng còn chắp vá, tốc độ 5G tại Hàn Quốc chưa thể làm hài lòng người dùng như quảng bá.

Mặc dù là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai dịch vụ 5G thương mại vào tháng 4 năm 2019, nhưng Hàn Quốc hiện đang phải chứng kiến nhiều người tiêu dùng hủy hợp đồng để quay trở lại với công nghệ mạng cũ hơn, nguyên do là vì khả năng kết nối kém của 5G.

"Có tới 562.656 người đã quyết định chuyển từ 5G về LTE", Hong Jung-min, một nhà lập pháp từ Đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc và là thành viên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông của Quốc hội cho biết. Con số đó đại diện cho 6.5% tổng số thuê bao 5G cuối tháng 8 của 3 nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất tại Hàn Quốc là SK Telecom, KT và LG Uplus.

Hong cho biết: "Việc thay đổi hợp đồng đòi hỏi nhiều thủ tục rắc rối, dẫu vậy người tiêu dùng vẫn quyết định hủy các hợp đồng 5G vì quá chán nản với chất lượng kém, khả năng phủ sóng không tương xứng đi kèm với mức phí cao. Các nhà khai thác viễn thông nên nỗ lực cải thiện chất lượng và sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ 5G của họ".

Trước đó, Hàn Quốc đã đánh bại Mỹ để giành vinh dự trở thành nhà cung cấp 5G thương mại đầu tiên trên thế giới thông qua quá trình chuyển đổi dịch vụ nơi ba nhà mạng di động lớn trong nước trước một giờ so với Verizon Communications của Mỹ vào ngày 3 tháng 4 năm 2019.

Đáng tiếc là kể từ đó, kỳ vọng của người dùng đối với 5G đang dần trở nên tồi tệ hơn.

Trao đổi với tờ Nikkei, một người dùng Hàn Quốc cho biết: "Điều gì đã xảy ra với 5G ư? Đó chính là pin của điện thoại sụt giảm nhanh hơn". Trước đó, vì cho rằng đã có một trục trặc bên trong máy khiến thời lượng pin tụt nhanh nên anh đã mang thiết bị đến trung tâm dịch vụ, nơi mà anh được thông báo rằng việc chuyển sang sử dụng mạng 5G tiêu tốn rất nhiều năng lượng.

Còn về tốc độ, điểm luôn được quảng bá mạnh mẽ ở 5G, anh cho biết: "Nó không mang đến kết nối 5G nhanh như tôi muốn. Thành thật mà nói, LTE đã đủ vì tôi không sử dụng smartphone để chuyển khối lượng lớn dữ liệu".

Lúc đầu, chính phủ Hàn Quốc và các nhà mạng di động đã tuyên bố rằng 5G có thể truyền dữ liệu nhanh hơn 20 lần so với LTE và cho phép tải xuống một bộ phim có độ dài 2 tiếng chỉ trong 3 giây so với 5 phút trước đây.

Nhưng theo một cuộc khảo sát do Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin Truyền thông của nước này công bố, tốc độ tải xuống trung bình của 5G do ba nhà mạng cung cấp chỉ nhanh hơn khoảng bốn lần so với LTE. Ngoài ra, vùng phủ sóng 5G bị giới hạn phần lớn ở khu vực thủ đô Seoul và sáu thành phố đô thị lớn.

Người tiêu dùng rõ ràng là không hài lòng với điều này – tính từ đầu năm cho đến tháng 8, đã có 82 đơn yêu cầu hòa giải trong các khiếu nại liên quan đến 5G được đệ trình lên Uy ban hòa giải tranh chấp của Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc, tăng mạnh so với con số là 5 đơn vào năm ngoái, theo truyền thông địa phương.

Dịch vụ 5G chậm và gần như không thể truy cập giờ đây cũng đã trở thành một vấn đề chính trị đối với chính phủ Hàn Quốc.

Tổ chức phi chính phủ People's Solidarity for Participatory Democracy lên tiếng cho rằng chính phủ phải tìm cách để hỗ trợ tất cả các khách hàng được bồi thường thay vì để các nhà mạng di động chỉ phải trả tiền cho những khách hàng đã đệ đơn lên ủy ban hòa giải.

Byeon Jae-il, một nhà lập pháp từ Đảng Dân chủ Hàn Quốc, cho biết chính phủ phải khắc phục những ấn tượng không tốt mà họ đã gây ra về tốc độ của 5G. Để truyền dữ liệu với tốc độ 20 Gbps (hay gấp 20 lần tốc độ của LTE) đòi hỏi hoạt động ở băng tần 28 GHz. Điều đó yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải lắp đặt một số lượng lớn các trạm gốc vì đặc tính của sóng vô tuyến, nhưng với lý do chi phí, ba nhà mạng lại chỉ áp dụng băng tần 3.5 GHz với ít trạm gốc hơn. Tốc độ tối đa ở băng tần này chỉ là 1.9 Gbps

Các nhà mạng di động đã lên kế hoạch thiết lập các trạm gốc ngoài trời trước và sau đó tăng các trạm gốc trong nhà tại các tòa tháp văn phòng và các cơ sở khác để mở rộng vùng phủ sóng 5G, nhưng việc triển khai thực hiện đã chậm hơn so với dự kiến, một phần do sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới.

Người phát ngôn của SK Telecom phản hồi trước sự bất bình đến từ người dùng: "Tình hình cũng tương tự như khi dịch vụ LTE được phổ cập. Sẽ phải mất hai đến ba năm để thay đổi mạng lưới truyền dẫn toàn quốc sang mạng lưới thế hệ tiếp theo. Chúng tôi đã thông báo đến người tiêu dùng về vấn đề này kể từ khi chúng tôi tiếp nhận những phàn nàn về dịch vụ mới trong giai đoạn đầu".

Giang Vu theo Nikkei

Chủ đề khác