VnReview
Hà Nội

'Sale ngày độc thân 11/11 chỉ là một cú lừa'

Nhiều sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đang công bố mức giảm giá lên đến 50-70% cho hàng loạt sản phẩm. Song, thực chất đây chỉ là chiêu trò giảm giá "ảo" để kích cầu.

Được khởi xướng đầu tiên từ tỷ phú Jack Ma, ông chủ của tập đoàn Alibaba, Lễ Độc thân 11/11 đã trở thành sự kiện mua sắm lớn nhất thế giới, thu hút hàng trăm triệu người tham gia.

Hiện nay, lễ hội mua sắm trực tuyến này trở thành cuộc đua khuyến mại kịch tính ở Việt Nam. Các sàn thương mại điện tử lớn đồng loạt đưa ra những chương trình khuyến mại, giảm giá đối với nhiều mặt hàng lên đến 50-70%.

Chiêu trò giảm giá "ảo"

Từ 0h ngày 11/11, trên các sàn thương mại điện tử Lazada, Tiki, Sendo và Shopee, nhiều chương trình khuyến mại, đồng giá, hoàn tiền... đồng loạt được triển khai. Những lời chào mời: "Bão sale", "giảm giá sốc", "ưu đãi khủng nhất năm"... xuất hiện dày đặc trên các trang thương mại điện tử, các cửa hàng tại Việt Nam mấy ngày nay.

Tuy nhiên, một số người tiêu dùng cho rằng chiêu trò giảm giá lên đến 50-70% chỉ là "cái bẫy" quảng cáo nhằm thu hút sự chú ý. Không ít người đã phải thất vọng khi giá sau khi giảm của nhiều sản phẩm không khác nhiều so với giá thị trường.

Biết được ngày 11/11 nhiều trang thương mại điện tử có chương trình sale rất lớn nên Linh, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội đã đợi đến 0h để "săn" hàng giảm giá. Nhưng cô đã phải thất vọng: "Sale ngày độc thân 11/11 chỉ là một cú lừa".

"Mấy hôm trước, xem giá sản phẩm nước xả vải Comfort 3,8 lít trên Shopee có giá 195.000 đồng, tôi định chờ đến ngày 11/11 giảm giá thêm để mua nhưng không ngờ, hôm nay giá vẫn giữ nguyên trong khi thông báo giảm 20%", Linh bức xúc.

Nhiều ngày trước đó, sản phẩm nước xả vải Comfort 3,8 lít đã có giá bán 195.000 đồng. Ảnh chụp màn hình.

Không chỉ Shopee, nhiều người mua hàng tại các trang thương mại điện tử khác cũng gặp tình huống tương tự. "Tôi mua tinh chất dưỡng da Klairs loại 35ml với giá 260.000 đồng (giảm 36%), nhưng tìm hiểu giá bán sản phẩm thường ngày trên thị trường cũng chỉ dao động mức 230.000-280.000 đồng", Khánh Ly (Hà Đông, Hà Nội) nói.

Thậm chí, có nhiều thông báo chương trình khuyến mại giảm sốc nhưng thực chất chỉ giảm rất ít. "Trên mạng thì quảng cáo sale sốc nhưng khi tôi vào xem thì sản phẩm bia Heineken trên Tiki chỉ sale 2%, tức giảm 5.000 đồng", chị Bùi Hà, nhân viên văn phòng tại quận 2, TP.HCM thất vọng.

Cần tìm hiểu sản phẩm và so sánh giá

Sử dụng một công cụ để kiểm tra ngẫu nhiên, Zing nhận thấy đa phần giá sản phẩm sau khi sale đều không mấy chênh lệch so với giá bán thường ngày. Thậm chí nhiều gian hàng cố tình đẩy giá cao hơn trước ngày sale, sau đó giảm xuống.

Theo đó, tại một gian hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, chiếc điện thoại Samsung Galaxy A10s 32G được chào bán với mức giá 2,5 triệu đồng. Sản phẩm được quảng cáo đã giảm 36%, tương đương 1,4 triệu đồng so với mức giá ban đầu là 3,9 triệu đồng.

Nhưng đáng nói, trước Lễ Độc thân (11/11), sản phẩm được nâng lại lên mức giá cũ 3,9 triệu để áp dụng chương trình khuyến mại của cửa hàng. Sau khi áp dụng, giá sản phẩm còn 2,5 triệu, vẫn đắt hơn thời điểm ngày 21/9 gần 100.000 đồng.

Sản phẩm này được tăng giá trước ngày sale. Ảnh chụp màn hình

Tương tự, trên Sendo, combo 3 chai sữa tắm Enchanteur được bán với giá 69.000 đồng (khuyến mại lên đến 54%). Thế nhưng, trong phần lịch sử giá, sản phẩm này thường xuyên được bán với giá 69.000 đồng.

Không chỉ trên các sàn thương mại điện tử mà trên các trang mạng tình trạng sale "ảo" ngày 11/11 cũng sôi động không kém. Anh Dương, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, nhấp vào một mẫu quảng cáo giảm giá 50% chiếc TV Samsung QLED 55 inch của một hệ thống điện máy lớn.

Nhưng khi tìm hiểu giá sản phẩm ở nhiều trang, mỗi siêu thị điện máy lại giảm giá một cách khác nhau. Theo anh, chiếc TV sẽ được giảm giá khoảng 32% nếu cửa hàng bán với giá 25 triệu đồng. Một cửa hàng khác có thể giảm đến 50% nhưng giá niêm yết của sản phẩm lại là 35 triệu đồng.

Thậm chí, có cửa hàng còn không giảm giá nhưng giá bán lại rẻ hơn giá đã khuyến mại nơi khác. "Nhiều nơi họ lấy giá gốc ban đầu tăng lên rồi lại giảm mạnh theo phần trăm để thu hút người tiêu dùng", anh Dương phân tích.

Theo một số người chuyên "săn" hàng giảm giá, trong đợt sale Lễ Độc thân 11/11, bên cạnh nhiều sản phẩm sale ảo cũng có một số giá tốt hơn thường ngày. Người dùng không nên chú trọng vào số phần trăm giảm giá mà nên tìm hiểu, khảo sát giá tại nhiều nơi, thời điểm khác nhau để tránh mắc bẫy. Đối với sản phẩm giảm giá quá nhiều, người dùng cũng nên cẩn thận bởi rất có thể chúng là hàng giả, nhái hoặc kém chất lượng.

Theo Zing

Chủ đề khác