VnReview
Hà Nội

Đây là lý do không nên tập thể dục khi bụng đói

Tập luyện thể dục khi bụng đói sẽ lợi bất cập hại.

Nếu bạn đã từng cố gắng tập thể dục sau khi ăn, có lẽ bạn sẽ hiểu cảm giác đó không ổn chút nào. Từ đó, có thể bạn sẽ ước mình sẽ bỏ qua bữa ăn nhẹ trước khi tập luyện. Nhưng tập luyện thể dục khi bụng đói thực sự không phải là ý tưởng hay và có những lý do giải thích tại sao bạn nên ăn gì đó trước khi chạy bộ hoặc đến phòng gym.

Cũng có khá nhiều người tin rằng tập thể dục khi đói giúp tăng tốc giảm cân, đốt mỡ thừa trong cơ thể. Thậm chí, một số nghiên cứu khoa học ủng hộ giả thiết này.;

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí British Journal of Nutrition cho thấy, những người tham gia tập thể dục trong khi nhịn ăn đốt cháy chất béo nhiều hơn gần 20% so với những người đã ăn trước đó. Một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Sports Nutrition and Exercise Metabolism cũng đưa ra những phát hiện tương tự cho thấy, tập luyện aerobic ở trạng thái nhịn ăn làm giảm tỷ lệ mỡ cơ thể nhiều hơn so với tập luyện sau khi đã ăn.

Tại sao mỡ thừa lại bị đốt cháy khi tập luyện trong lúc đói? Như chuyên gia dinh dưỡng thể thao Kelly Pritchett cho biết, cơ thể bạn đang chuyển đổi nguồn nhiên liệu. Để thực hiện các hoạt động thể chất cường độ cao như chạy đường dài hoặc nâng tạ, cơ thể bạn phải đốt cháy glycogen hoặc carbohydrate dự trữ. Nếu cơ thể bạn hết nguồn glycogen dự trữ, rơi vào trạng thái đói hoặc nhịn ăn thì nó phải sử dụng một thứ khác để duy trì khả năng hoạt động của các nhóm cơ. Trong trường hợp này, đó là lượng mỡ thừa mà bạn đã tích trữ.

Nhưng có một điểm cần chú ý. Đầu tiên, cơ thể của bạn không bao giờ muốn bị bỏ đói và dường như nó thích tích trữ chất béo hơn. Khi cơ thể đốt cháy chất béo quá nhanh, cơ thể bạn sẽ bắt đầu điều chỉnh quá trình trao đổi chất để bù đắp cho sự mất mát đó.

Pritchett cho biết, cơ thể bạn khi đó sẽ chuyển sang chế độ sinh tồn và bắt đầu đốt cháy ít calo hơn. Vì hoạt động thể dục, thể thao đốt cháy quá nhiều chất béo nên cơ thể bạn nghĩ rằng nó cần phải lưu trữ nhiều chất béo hơn trong các bữa ăn tiếp theo. Nói cách khác, việc cơ thể ăn nhiều hơn trong các bữa sau đó sẽ làm "phá sản" hoàn toàn mục tiêu giảm cân và lượng chất béo đã bị đốt cháy trước đó.

Một nghiên cứu trên Tạp chí Clinical Nutrition của Mỹ cho thấy, thời gian nhịn ăn kéo dài trong lúc tập luyện có thể dẫn đến giảm tỷ lệ trao đổi chất khi nghỉ ngơi. Vì vậy, việc nhịn ăn trước và trong lúc tập luyện thể dục không phải là ý tưởng hay, thậm chí chẳng đem lại lợi ích nào cho bạn.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Appetite, tập thể dục sau khi đã nạp năng lượng trước có thể ngăn chặn sự thèm ăn của bạn hơn là tập luyện trong lúc nhịn ăn.

Nhìn chung, cả hai nhóm đối tượng này đều tiêu tốn cùng một lượng calo sau mỗi lần tập luyện. Tuy nhiên những người đã nạp năng lượng trước đó cảm thấy ít muốn ăn nhiều hơn. Xét trên thực tế, việc giảm cân phần lớn phụ thuộc vào cách bạn ăn chứ không phải là do hoạt động thể chất. Đây có thể là yếu tố cần lưu tâm đối với với những người muốn tập thể dục để giảm cân.

Nhịn ăn khi tập luyện thể dục, thể thao có tác dụng gì với cơ bắp của bạn?

Trong một số trường hợp, việc nhịn ăn có thể khiến cơ thể mất đi một số cơ ngoài mỡ. Một khi cơ thể bạn đã đốt cháy hết các kho dự trữ nhiên liệu như glycogen, nó sẽ thu năng lượng bằng cách phá vỡ các protein trong cơ, bên cạnh chất béo.

Hẳn nhiều người đã biết, tập luyện cường độ cao sẽ phá vỡ cơ bắp để cơ có thể khỏe và săn chắc hơn nhờ quá trình tổng hợp protein. Nếu tập luyện trong khi nhịn ăn, các nhóm cơ sẽ sớm nở to hơn nhưng nó cũng khiến việc phục hồi khối lượng cơ đã mất sẽ khó khăn hơn.

Điều này nói lên rằng, hoạt động tăng cơ chỉ xảy ra khi mức độ tập luyện của bạn vượt qua thói quen bình thường. Giả sử, nếu bạn tập luyện bình thường vào buổi sáng, cơ bắp của bạn vẫn còn đủ lượng glycogen dự trữ sót lại từ bữa ăn trước. Và theo một nghiên cứu từ Tạp chí Applied Physioloy, việc nhịn ăn không làm tăng hoặc giảm khối lượng thể chất hoặc gắng sức của bạn trong các bài tập thể dục thông thường.

Nói cách khác, cho dù bạn có tập luyện lúc đói hay không, bạn vẫn có thể thực hiện được các công việc hàng ngày với cường độ bình thường mà không lo bị mất cơ.

Tập luyện khi nhịn đói không phải là ý tưởng hay dù vì bất cứ lý do gì

Mặc dù bạn có thể tập xong một buổi tập trong lúc nhịn ăn nhưng bạn sẽ không có đủ năng lượng để duy trì sự tỉnh táo và thúc đẩy bản thân chăm chỉ hơn. Nhưng điều này hoàn toàn có thể thay đổi được nếu bạn chịu khó ăn lót dạ một thứ gì đó trước khi tập luyện.

Một nghiên cứu được xuất bản trên Tạp chí Science and Medicine In Sport cho thấy rằng, tập luyện trong lúc đói đem lại hiệu quả thấp hơn đáng kể so với tập luyện cường độ cao sau khi đã ăn lót dạ. Rõ ràng, ăn trước khi tập luyện thực sự có thể làm tăng quá trình trao đổi chất của cơ thể về lâu dài.

Nói tóm lại, tập luyện với một chiếc bụng đói không phải là điều không được làm. Đôi khi một số người thích cảm giác đó vì họ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, tỉnh táo hơn và tăng khả năng tập trung. Nhưng ngoài sở thích cá nhân đó, tập luyện khi đói không đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Tốt hơn hết là bạn nên ăn một bữa ăn giàu carbonhydrat khoảng 1 giờ trước khi tập luyện và tiếp theo là một bữa ăn giàu protein nhẹ sau khi tập xong.

Ngoài ra, việc không ăn bất cứ thứ gì trước khi tập luyện sẽ khiến bạn rơi vào tâm trạng thèm ăn và điều này chắc chắn không hề tốt cho cân nặng của bạn.

Mai Huyền (Theo Lifehacker)

Chủ đề khác