VnReview
Hà Nội

Thông điệp của lãnh đạo TQ tới Jack Ma: “Cậu chỉ là đám mây trên trời mà thôi”

Hai mươi mốt năm sau ngày mất, vị họa sĩ nổi tiếng Kaii Higashiyama của Nhật Bản chắc sẽ phải đội mồ sống dậy vì tức khi biết tranh của mình được sử dụng để làm lời cảnh báo nghiêm khắc tới một vị tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.

Bức họa nổi tiếng của Nhật Bản được dùng như một lời cảnh báo

Bức họa nổi tiếng của Nhật Bản được dùng như một lời cảnh báo

Vào tối ngày 2/11, ngay sau khi Jack Ma Yun, người sáng lập của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, được triệu tập bởi chính phủ Trung Quốc để chất vấn, một bài viết khó hiểu đã được đăng tải trên tài khoản WeChat chính thức của Tân Hoa Xã.

Bài viết mang tiêu đề là "Đừng nói mà không nghĩ, đừng tự tung tự tác, người ta không thể sống chỉ vì thích đâu", và không hề đề cập một từ nào tới Jack Ma. Nhưng trong đó có kèm một bức tranh nổi bật với tông màu xanh nước biển của cố họa sĩ Higashiyama vẽ một đám mây trắng hình con ngựa trên bầu trời.

Trong tiếng Trung Quốc, "Ma" có nghĩa là ngựa, "Yun" mang nghĩa là đám mây. Cũng chẳng khó để đoán được đối tượng mà bài viết trên nhắm tới.

Trong bài viết có một vài câu được im đậm, mang hàm ý nhấn mạnh. Trong đó có câu:

"Cái gì cũng có cái giá của nó. Nếu không có tiền thì đừng tự tung tự tác".

Bức họa nổi tiếng của Nhật Bản được dùng như một lời cảnh báo

Jack Ma đặc biệt mạnh miệng khi phát biểu tại hội nghị Bund Summit diễn ra tại Thượng Hải, ông chỉ trích cơ quan quản lí, hệ thống tài chính và ngân hàng của Trung Quốc

Bức tranh được gửi gắm trên ra đời vào năm 1972 với tên gọi là "Những đám mây bồng bềnh".

Bài báo trên với hàm ý rằng ngay cả ngựa cũng có thể bị thổi bay chẳng khác gì một đám mây đã được người ta nhanh chóng đồn thổi rằng nó được đăng tải theo chủ ý của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc.

Với tư cách là một thành viên của đảng Cộng Sản Trung Quốc, Ma buộc phải thể hiện lòng trung thành tuyệt đối dành cho chế độ.

Nhưng dường như vị doanh nhân 56 tuổi này đã đưa ra những nhận xét thách thức độ cứng rắn của Ủy ban Trung Ương Đảng, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình đang nắm quyền.

Cụ thể là trong khi phát biểu tại hội nghị tài chính tổ chức ở Thượng Hải vào hôm 24/10, vị tỷ phú thẳng thắn đã chỉ trích giới quản lý Trung Quốc, ông cho rằng hệ thống quy định tài chính lỗi thời của quốc gia này cản chân hoạt động đổi mới về mặt công nghệ.

Jack Ma nói tại Bund Summit: "Trung Quốc không;có vấn đề về các rủi ro toàn cục cho ngành kinh tế. Rủi ro không tới từ nền kinh tế Trung Quốc mà lại tới từ việc chúng ta thiếu đi một hệ thống. Sáng tạo đổi mới tốt thì không cần phải lo lắng về những quy định, nhưng sẽ vẫn gặp khó bởi những quy định lỗi thời. Chúng ta không nên sử dụng cách quản lí một nhà ga xe lửa để vận hành một sân bay".

Jack Ma cũng nhắm tới các ngân hàng tại Trung Quốc, ông cho rằng họ đang vận hành dựa vào tâm lí "tiệm cầm đồ".

Chưa hết, Ma đặc biệt mạnh miệng khi phát biểu trước Vương Kì Sơn, vị phó Chủ tịch nước đã nhiều năm nắm giữ vị trí trung tâm của hoạt động quản lí tài chính tại Trung Quốc.

Những chỉ trích của vị tỷ phú này còn nhắm tới Phó Thủ tướng Lưu Hạc, một trợ tá của chủ tịch Tập Cận Bình, chịu trách nhiệm giám sát chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc. Hiển nhiên là những chỉ trích ấy cũng sẽ truyền tới tai của người đang ngồi trên đỉnh của ngọn tháp quyền lực.

Bức họa nổi tiếng của Nhật Bản được dùng như một lời cảnh báo

Phó Thủ tướng Lưu Hạc (trái) và Phó Chủ tịch nước Vương Kì Sơn. Jack Ma dành một phần những chỉ trích của mình vào Lưu Hạc khi phát biểu trước ông Vương – người đã nhiều năm là trung tâm của hoạt động quản lí tài chính của Trung Quốc

Ma là người đã tiên phong cho hoạt động thương mại điện tử và thương mại không tiền mặt. Nhưng những nhận xét của ông quá bất cần, để rồi ông đã vô ý dẫm vào đuôi hổ.

Một ngày sau khi Tân Hoa Xã chia sẻ bức tranh của cố họa sỹ Higashiyama để truyền tải thông điệp của mình, kế hoạch IPO của Ant Group tại Thượng Hải và Hồng Kông đã bị hoãn lại.

Quyết định tạm hoãn ngay sát giờ dành cho thương vụ gọi vốn lớn nhất lịch sử chính là tác động của đường lối ưu tiên vấn đề nội bộ hơn là sự tín nghiệm quốc tế dành cho thị trường Trung Quốc của chủ tịch Tập.

Nói về quy mô, không công ty nào có thể sánh ngang được với Ant Group. Dịch vụ thanh toán qua điện thoại nòng cốt của công ty này là Alipay hiện đang có hơn 1 tỷ người sử dụng. Ngoài ra, đây là công ty còn đứng đằng sau nhiều dịch vụ khác như cho vay, tạm ứng tiền mặt và đánh giá tín dụng.

Trong khi đó, nhiều chỉ trích rằng đợt IPO này là mối đe dọa tới trật tự tài chính hiện tại của Trung Quốc.

Về phần mình, Ma vẫn luôn né tránh chính trị. Không giống với nhà sáng lập của Tencent, Baidu và những gã khổng lồ công nghệ khác, ông không phải là thành viên của "hai phiên họp" – cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp quốc gia và cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu.

Bức họa nổi tiếng của Nhật Bản được dùng như một lời cảnh báo

CEO của Tencent, Pony Ma, và Chủ tịch điều hành của Alibaba, Jack Ma, trong một sự kiện tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh

Nhiều người cho rằng ở một mức độ nào đó, sự tăng tưởng thần kì của đế chế kinh doanh do ông sáng lập là nhờ vào sự bảo hộ của những mối quan hệ chính trị. Ma có quan hệ khá thân thiết với cựu Chủ tịch nước Giang Trạch Dân, người đã lãnh đạo cái được gọi là phe Thượng Hải, cùng với cánh tay phải đắc lực là cựu Phó Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng và những người dưới quyền khác.

Alibaba là một công ty tư nhân, khai sinh ở tỉnh Chiết Giang, nằm không xa thành phố Thượng Hải.

Tuy vậy, chìa khóa để hiểu được những rắc rối ở hiện tại của Jack Ma lại có thể nằm ở chính mối quan hệ của ông với chủ tịch Tập.

Tập Cận Bình đã dành nhiều năm hoạt động tại Chiết Giang, dần dần củng cố vị thế chính trị của mình.

Những cấp dưới của ông Tập khi ấy đã đều chuyển tới nhiều vị trí quan trọng trên khắp Trung Quốc ngay sau khi ông nắm quyền lực, hình thành thứ được gọi là "Phe Chiết Giang".

Nhưng Jack Ma lại không hề tìm cách dựa dẫm vào phe này. Có lẽ là vì hai nguyên do. Ông hiểu được những rủi ro nảy sinh khi tiến quá gần tới chính trị. Không chỉ vậy, khi ấy ông tự tin vào khả năng của mình và thấy đây là việc không cần thiết.

Jack Ma từng nói: "Tiền bạc và sức mạnh chính trị không thể cùng tồn tại. Một thứ là thùng thuốc nổ, thứ kia là cây diêm. Nếu cùng tồn tại, chúng rồi sẽ tan thành mà thôi".

Nhờ là một nhà buôn, Jack Ma luôn có một trực giác tốt về những thay đổi sắp tới của cơn triều.

Ở một độ tuổi tương đối trẻ, ông đã quyết định rời bỏ khỏi công việc quản lí mình làm hàng ngày. Cứ mỗi lần cảm thấy rằng mình đã trở nên quá nổi tiếng, Jack Ma sẽ lại lùi một bước.

Nhưng mỗi lần như thế, cái ánh đèn sân khấu lại càng rộng hơn, ông không thể thoát khổi nó.

Vào tháng 5/2013, hai tháng sau khi ông Tập Cận Bình đảm nhận chức vụ Chủ tịch nước, Jack Ma chính thức rời vị trí CEO của Alibaba để cống hiến hết mình cho công ty trên cương vị chủ tịch hội đồng.

Vào tháng 3/2018, ông Tập thúc đẩy thông qua việc sử đổi hiến pháp, từ đó, loại bỏ giới hạn hai nhiệm kì 5 năm đối với Chủ tịch nước Trung Quốc và làm tiền đề để kéo dài khoảng thời gian cầm quyền của mình.

Trò chơi quyền lực của ông Tập đã khiến Jack Ma vội vã hành động. Chỉ nửa năm sau, Ma tuyên bố rằng ông "sẽ nghỉ hưu trong vòng một năm nữa". Thật vậy, ông đã rời bỏ vị trí chủ tịch vào tháng 9/2019. Ông cũng bỏ lại toàn bộ trách nhiệm với hội đồng.

Nhưng lần này, Jack Ma dường như đã thất bại trong việc giữ khoảng cách đủ xa với chính trị Trung Quốc.

Bức họa nổi tiếng của Nhật Bản được dùng như một lời cảnh báo

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đi thăm Giang Tô, quê nhà của cựu Chủ tịch nước Giang Trạch Dân. Lần viếng thăm này là lần đầu tiên ông tới đây kể từ khi nhậm chức vào năm 2013, cũng là cách để ông ăn mừng về thắng lợi của mình trước các lãnh đạo thế hệ trước.

Trong chuyến thăm Giang Tô vừa qua, Chủ tịch Tập đã khéo léo để lộ một vài chi tiết bật mí về mục đích của mình.

Trong khi đi thăm bảo tàng Nanton, vị chủ tịch nước được giới thiệu về Trương Kiến, người sáng lập lên bảo tàng này đồng thời là một nhà công nghiệp, giáo dục của nửa cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20.

Viện bảo tàng này cho thấy cách mà Trương Kiến vận hành những doanh nghiệp đóng góp cho quốc gia, phát triển giáo dục và tham gia vào những hoạt động phúc lợi xã hội.

Ông Tập đã ca ngợi Trương Kiến là "một hình mẫu cho toàn bộ doanh nhân tư nhân của Trung Quốc". Vị Chủ tịch còn cho rằng viện bảo tàng và điền sản của cố doanh nhân Trương Kiến nên được cải tạo thành một cơ sở cho giáo dục yêu nước, để từ đó "nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội của các doanh nhân tư nhân".

Chỉ khoảng trên dưới 10 ngày sau, Jack Ma đã bị chất vấn bởi chính quyền, còn Chủ tịch nước Trung Quốc thì kêu gọi các doanh nhân tư nhân đừng trở nên ích kỉ.

Một điểm đáng nói khác về chuyến thăm Giang Tô của ông Tập chính là đây là lần đầu ông tới thăm Dương Châu, quê nhà của cố Chủ tịch Giang Trạch Dân, kể từ khi nhậm chức vào năm 2012.

Sáu năm trước, Tập Cận Bình đã dậy sóng chính trường bằng việc trực tiếp thị sát Trấn Giang – một thành phố cổ nằm ở phía Nam Giang Châu, ngay bên kia bờ sông Dương Tử.

Cái tên Trấn Giang lại mang một hàm ý chính trị khó chịu khác. Trấn có nghĩa là tĩnh lặng, còn Giang là sông. Tên thành phố này có thể được hiểu là "đưa dòng sông vào tầm kiểm soát". Đây cũng chính là lí do mà sau khi hoàn thành cây cầu bắc qua sông Dương Tử, nối liền Trấn Giang với Dương Châu, người ta cũng tránh sử dụng cái tên Trấn Giang.

Sáu năm trước, Trung Quốc đang quay cuồng vì cơn bão chính trị đang hoành hành gây ra bởi chiến dịch thống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Đây cũng là giai đoạn chứng kiến việc ông Chu Vĩnh Khang, một cựu thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, bị điều tra tham nhũng.

Ban Thường vụ là bộ phận của Đảng Cộng Sản chịu trách nhiệm đưa ra quyết định. Giang Tô khi ấy là căn cứ quyền lực của Chu Vĩnh Khang cùng với cựu Chủ tịch nước Giang Trạch Dân. Chuyến thăm của ông Tập tới Trấn Giang sáu năm trước đã phản ánh quyết tâm của ông trong việc đập vỡ thế nắm quyền của các lão làng trong Đảng thông qua chiến dịch chống tham nhũng.

Cuối tháng trước, không có thay đổi nhân sự nào liên quan đến việc đề cử những người kế nhiệm ông Tập tại phiên họp toàn thể thứ 5 của Ủy ban Trung ương khóa 19, từ đó tiếp tục kéo dài khoảng thời gian cầm quyền của vị Chủ tịch nước đương thời.

Chuyến thăm tới Dương Châu của 6 năm sau, một vị trí nhạy cảm về mặt chính trị, gần như được coi là một vòng diễu hành ăn mừng cho chiến thắng của ông Tập Cận Bình trong cuộc chiến quyền lực với Giang Trạch Dân và những lão làng khác trong Đảng.

Trung ND (Tham khảo Nikkei)

Chủ đề khác