VnReview
Hà Nội

Troll tràn cả sang website tin tức

Troll là thuật ngữ trên mạng dùng để chỉ những thành viên diễn đàn mạng hoặc cộng đồng mạng cố tình gây sự chú ý bằng cách gây ra tranh cãi hoặc gián đoạn một chủ đề thảo luận. Tuy nhiên, có vẻ troll - ở một góc độ nào đó - đang lây sang cả tin tức để thu hút độc giả.

TrollCông thức của troll phát đi từ website tin tức là: Đăng ý kiến của một ai đó được cho là độc giả gửi đến tòa soạn (ý kiến càng không điển hình, "lạ", càng gây tranh cãi càng tốt) => đưa/ hoặc được đưa lên Facebook, mạng xã hội, diễn đàn mạng =>> tổng hợp các ý kiến bình luận "của cộng đồng mạng"/ "cư dân mạng" về bài viết (thực chất là ý kiến) viết thành bài bám đuổi; để đẩy vấn đề lên thì "lôi kéo" các chuyên gia, người nổi tiếng tham gia thảo luận =>> tiếp tục đẩy lên các diễn đàn, mạng xã hội =>> lại tổng hợp ý kiến … và chỉ chấm dứt khi độc giả mạng đã phát chán.

Hẳn những ai hay lướt web còn nhớ đến "tuyên ngôn" của một cô gái có tên Michiyo Phạm Ngà rằng "Đàn ông Việt kém trai Tây", "như ếch ngồi đáy giếng và đặc biệt vô duyên" cách đây vài tháng.

Phạm Ngà là một diễn viên múa, sinh sống tại Nhật Bản từ bé và có thể nói, ở Việt Nam chẳng biết cô là ai nếu như không có bài phỏng vấn cô trên một tờ báo điện tử về chủ đề hứa hẹn gây rất nhiều tranh cãi: nhận xét về đàn ông Việt.

Cô Phạm Ngà đã vận dụng hết khả năng ngôn ngữ của mình để chê đàn ông Việt trong bài phỏng vấn, với các từ như bảo thủ, ít hiểu biết, ếch ngồi đáy giếng, vô duyên… Nhưng điều mà Phạm Ngà không thể tha thứ được trong mắt nhiều đàn ông Việt là cô chê "sex của trai Việt cực kỳ kém và non nớt, ích kỉ, chỉ hưởng sướng phần mình".

Ngay lập tức, ý kiến của một cô Phạm Ngà nào đó này đã được trích dẫn, đăng lại trên hầu hết các diễn đàn, trang mạng xã hội và thu hút vô số bình luận. Thậm chí, các chuyên gia, người nổi tiếng cũng bị lôi vào "còm men" ý kiến của Phạm Ngà, đến nỗi một chuyên gia truyền thông đã phải thốt lên: Đừng để bị rơi vào cái bẫy truyền thông. Thế mà câu chuyện này cũng kéo dài được đến cả tháng trời.

Mới đây nhất là một website tin tức đăng ý kiến đề nghị "chấm dứt ngay hoạt động của Facebook" tại Việt Nam vì trang mạng xã hội này chứa chấp "nhiều nội dung vượt quá giới hạn, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc", và nhiều hội, nhóm được lập ra để "bôi nhọ cán bộ cấp cao của nhà nước, khó kiểm soát!". Tất nhiên, ngay lập tức ý kiến này khi được loan sang các diễn đàn mạng đã bị "ném đá" tơi bời với lý do: Bất cứ cái gì cũng có hai mặt – tốt và xấu – nên nếu cấm Facebook thì cũng cấm cả Google, YouTube… và tốt nhất là cấm luôn Internet.

Ngoài ra, có một cách viết báo "troll" rất đơn giản là hóng status Facebook – từ của người nổi tiếng cho đến vô danh tiểu tốt. Một trạng thái "vỗ mông dạy con" của Hồ Ngọc Hà ngay sau khi Thanh Lam trả lời phỏng vấn rằng ‘không hiểu Hà Hồ, Đàm Vĩnh Hưng dạy gì thí sinh Giọng hát Việt'. Dòng trạng thái của một thành viên Facebook, trông ảnh mới đang ở tuổi teen, chửi mẹ là "con cave" vì xin tiền không được… Tất cả đều có thể "chế biến" được thành một bài báo và tạo ra những cuộc tranh cãi không có kẻ thắng, người thua và cũng chẳng chết ai hay làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Rốt cuộc, xét cho cùng thì ai được lợi nhất trong cái vòng xoáy này? Độc giả - rất có thể vì họ dịp hoặc có cớ để giải tỏa, xả stress. Nhưng người hưởng lợi rõ ràng nhất vẫn là website tin tức. Nhờ có những câu chuyện gây tranh cãi (do họ phát đi), website hút được lượng truy cập nhiều hơn – cũng có nghĩa khả năng thu hút nhà quảng cáo, tạo nguồn thu lớn hơn.

Thanh Xuân

Chủ đề khác