VnReview
Hà Nội

Mạng xã hội đang khiến cho con người trở nên tự ti hơn

Sử dụng mạng xã hội quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần.

Có lẽ điều này sẽ khiến bạn ngạc nhiên nhưng việc sử dụng mạng xã hội kéo dài thực sự có thể khiến chúng ta rơi vào trạng thái buồn bã. Mặc dù tạo ra cuộc cách mạng trong cách thức con người kết nối với nhau, nhưng hệ quả của việc lạm dụng mạng xã hội chính là tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của chúng ta.

Các nghiên cứu đã xâu chuỗi việc sử dụng mạng xã hội với tình trạng gia tăng mức độ trầm cảm, lo lắng và cô đơn. Dưới đây là một số tác động tiêu cực mà mạng xã hội có thể tác động đến sức khỏe tinh thần của bạn.

Gây nên chứng Cyberostracism

Việc sử dụng phương tiện truyền thông mạng xã hội được kích thích bởi nhu cầu thuộc về nội tại của chính con người - sự thúc đẩy hình thành các kết nối đầy ý nghĩa giữa các cá nhân với nhau. Đó còn do nỗi sợ hãi bị chối bỏ hoặc còn được nhiều người gọi là "FOMO". Nó thúc đẩy chúng ta tìm đọc các cập nhật trạng thái thường xuyên của bạn bè và liên tục lướt trên các dòng thời gian.

Nhiều người trong chúng ta phụ thuộc vào phương tiện truyền thông xã hội ngay cả với những tương tác hàng ngày và việc sử dụng nó đã thấm sâu vào mọi khía cạnh của đời sống. Ngày càng có nhiều nghiên cứu về những tác động tiêu cực của mạng xã hội, bao gồm cả hệ quả dẫn đến quá trình có tên thuật ngữ là "cyberostracism" (tạm dịch: loại trừ xã hội trực tuyến).

Cyberostracism bắt đầu từ 0 lượt thích và bình luận

Bị tẩy chay ảnh hưởng đến lòng tự trọng, tâm lý kiểm soát, cảm giác thân thiết, cũng như quan điểm của chúng ta về ý nghĩa của sự tồn tại. Theo một nghiên cứu năm 2018 của các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Illinois, Mỹ thì cyberostracism trên mạng truyền thông xã hội thường xảy đến khi tương tác không được phản hồi.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi bài đăng của chúng ta không được nhìn nhận (tức là không nhận được những lượt like và bình luận), chúng ta dễ cảm thấy bị chối bỏ và loại trừ bởi những người khác.

Khi điều này lặp đi lặp lại nhiều lần, chẳng hạn như bạn chỉ nhận được một vài lượt thích và bình luận trên nhiều bài đăng của mình trong một thời gian dài, nó có thể dẫn đến "cảm giác bị xa lánh, trầm cảm, bất lực và bao trùm là cảm giác vô nghĩa".

Rơi vào vòng xoáy của "Seen" và "Unfriend"

Một nghiên cứu độc lập của các nhà nghiên cứu từ Đại học Mannheim ở Đức đã phát hiện ra mô hình tương tự trong cách chúng ta trải qua cảm giác bị chối bỏ trên mạng xã hội. Chẳng hạn như một số trải nghiệm nhất định trên Facebook, Twitter hoặc Instagram gây ra cảm giác bị tẩy chay khi mà không nhận được tương tác trở lại ngay lập tức.

Cảm giác chờ đợi được phản hồi sau một tin nhắn đã "seen" (đã xem) có thể thổi bùng nên những suy nghĩ tiêu cực đó. Và việc phải chờ đợi ai đó chấp nhận lời mời kết bạn cũng mang lại kết quả tệ hại tương tự. Những trải nghiệm này, theo các nhà nghiên cứu, đặt mọi người vào "chế độ chờ đợi" gần như mọi lúc.

Và mạng xã hội là nơi mà mọi nhu cầu đó đều bị dập tắt ngay lập tức, mỗi phút giây phản hồi chậm trễ sẽ có thể chôn vùi một người trong "hố sâu" của cảm giác bị xa lánh, ruồng bỏ. Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng tương tự cũng có thể xảy ra khi ai đó unfriend (hủy kết bạn) chúng ta trên mạng xã hội.

Mang lại cảm giác tự so sánh cực kỳ độc hại

Điều này đã không còn gì mới mẻ trong xã hội hiện đại, con người vẫn luôn so sánh bản thân và cách sống của mình với những người xung quanh trong hàng trăm năm qua. Nhưng vì mạng xã hội, bạn sẽ không chỉ thấy hàng xóm của mình đang làm gì, bạn thậm chí còn bị "nhồi nhét" trong những dòng cập nhật trạng thái của mọi người, ở mọi nơi, đang làm gì.

Bạn lướt liên tục những News Feed của bạn bè và nhìn thấy họ vượt qua được những cột mốc đáng nhớ trong cuộc sống, khoe thành tích mới nhất của họ, chiếc ô tô mới bóng láng hoặc những món đồ trang sức lấp lánh. Kết quả là, bạn tự vấn bản thân mình và cuối cùng tự chôn vùi tâm trí trong cảm giác thất bại.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Social and Clinical Psychology, những cảm nhận trên là một trong nhiều hậu quả của tương tác trung gian kỹ thuật số. "So sánh xã hội xảy ra khi mọi người tự động soi chiếu bản thân họ với những người khác về khả năng hoặc thuộc tính mà họ tự cho là quan trọng", các nhà nghiên cứu giải thích.

So sánh bản thân với bạn bè trên mạng xã hội

Các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Instagram mang đến rất nhiều lý do để người dùng so sánh mình với bạn bè và tất cả những người nổi tiếng mà họ theo dõi.

Chúng ta có thể tự cuốn bản thân vào so sánh xã hội trên Facebook khi tính toán số lượt thích và bình luận mà mình nhận được so với bạn bè. Từ đó, nó trở thành một vấn đề thật sự khi mà nhiều người chỉ "tô vẽ" phiên bản tốt nhất của họ trên mạng xã hội.

Vì vậy, khi so sánh bản thân với những phiên bản hoàn hảo của ai đó trên mạng xã hội, chúng ta sẽ có xu hướng cảm thấy mình thấp kém hơn. Thường xuyên nhìn thấy những bức chân dung về cuộc sống hoàn hảo của người khác trên mạng xã hội sẽ khiến chúng ta cảm thấy cuộc sống thật thiếu thốn. Điều này có thể kích động hoặc làm trầm trọng thêm các cảm xúc tiêu cực và làm gia tăng các triệu chứng trầm cảm mỗi ngày.

Ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể của bạn

Hàng loạt nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội kéo dài và cảm giác không hài lòng về hình thể. Những nghiên cứu này đã chỉ ra rằng tác động lên hình ảnh cơ thể của một người đều được cả nam giới và nữ giới cảm nhận. Ví dụ, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Body Image đã phát hiện ra rằng việc sử dụng mạng xã hội kéo dài có thể gây ra những lo ngại về hình ảnh cơ thể ở phụ nữ trẻ.

Những người dành nhiều thời gian trên mạng xã hội có xu hướng so sánh ngoại hình của họ với bạn bè, đồng nghiệp ở xa và thậm chí cả những người nổi tiếng. Họ cũng thường đánh giá ngoại hình của mình xấu hơn so với những người khác.

Điều này đặc biệt trở nên nghiêm trọng vì người dùng hiện đại dần lạm dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh. Sự hiện diện phổ biến của các bức ảnh được chỉnh sửa "nặng đô" tạo ra một hình ảnh cơ thể không thực tế mà đối với nhiều người là gần như không thể đạt tới hoặc duy trì được vóc dáng đó.

Những mưu cầu về cơ thể không thực tế này có thể khiến chúng ta cảm thấy bất mãn, hạ thấp giá trị bản thân và thậm chí gây ra chứng rối loạn ăn uống ở một số người.

Phong trào;Body Positivity (được tự do sống với hình thể, vẻ đẹp của bản thân) đã cố gắng làm cho khái niệm về vẻ đẹp trở nên toàn diện hơn, tập trung vào vẻ đẹp bản thể như một đặc điểm quan trọng để mọi người cố gắng vươn tới, nhưng mạng xã hội cuối cùng vẫn đánh giá cao vẻ ngoài hào nhoáng của bạn, thứ có thể góp phần tạo nên hình ảnh cơ thể tiêu cực hoặc so sánh độc hại với người khác.

Tạm sống xa mạng xã hội

Tất cả những nghiên cứu này đều dẫn về một điều: tạm ngưng dùng mạng xã hội sẽ tốt cho bạn. Với tất cả các tác động tiêu cực đã chỉ ra đối với sức khỏe tâm thần của con người, việc giảm thời gian dành cho các mạng xã hội thực sự có thể khiến bạn hạnh phúc hơn rất nhiều. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc hạn chế sử dụng mạng xã hội có tác động tích cực đến sức khỏe của con người theo thời gian.

Giang Vu theo MakeUseOf

Chủ đề khác