VnReview
Hà Nội

5 thói quen đã giúp Einstein thành thiên tài

Người ta thường nói rằng "tư tưởng lớn gặp nhau". Dù chưa biết có đúng hay không, nhưng những thiên tài quả nhiên có một điểm chung: họ đều có những sở thích kỳ lạ.

Albert Einstein, một trong những người thông minh nhất thế giới từ trước đến nay, có khá nhiều thói quen "dị", như không mang tất và thường chợp mắt với một chiếc muỗng kim loại trong tay. Liệu bạn có thể trở thành một thiên tài nếu học theo những thói quen này của ông? Hãy thử tìm hiểu xem sao...

1. Không mang tất

Albert Einstein ghét tất là có lý do. Ông không bao giờ mang chúng. Ông từng có lần viết trong một lá thư gửi vợ mình, bà Elsa, rằng ông luôn phải mang giày cao cổ chỉ để giấu đi bàn chân trần của mình.

Thói quen này có tác dụng gì?

Có lẽ là không nhiều, nhưng ít nhất thì nó cũng giúp Einstein hình thành nên một hệ miễn dịch mạnh mẽ để chống chọi với thời tiết lạnh giá. Đùa thôi, lý do duy nhất Albert Einstein không mang tất là bởi thời thơ ấu, ông chỉ mang tất được một hoặc hai ngày là đã làm rách ngay một lỗ trên chiếc tất mới, và điều đó đã để lại một vài suy nghĩ trong tâm trí Albert Einstein.

Đối với vị thiên tài này, suy nghĩ là một thứ rất quan trọng, đến nỗi bất kỳ vấn đề gì, kể cả những chiếc tất khó ưa, cũng không đáng để làm bản thân bị phân tâm. Ông đơn giản là không chấp nhận được điều đó. Do đó, tất ngay lập tức bị liệt vào danh sách cấm trọn đời của Einstein.

2. Xây nhà bằng các lá bài

Một thói quen khác mà Albert Einstein đã hình thành từ thời thơ ấu là xây nhà bằng các lá bài. Có lần, ông thậm chí đã xây được một toà nhà cao đến 14 tầng!

Nếu bạn từng thử xây nhà bằng các lá bài, bạn sẽ biết rằng quá trình này đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và tập trung. Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa bạn nên bắt đầu xây nhà bằng các lá bài để trở thành một thiên tài, nhưng thói quen này có một đặc điểm quan trọng mà bạn nên xem xét.

Khi bộ não chúng ta bận rộn với một thứ gì đó mang tính máy móc, nó sẽ mở ra khả năng suy nghĩ trừu tượng. Công việc càng đòi hỏi nhiều sự tập trung, hiệu ứng tích cực sẽ càng lớn. Không phải mọi thứ đang diễn ra trong bộ não của bạn đều sẽ mang lại một kết quả đáng chú ý ngay lập tức. Việc giữ cho tâm trí luôn bận rộn không bao giờ là điều thừa thải. Những thứ như xây nhà bằng các lá bài phù hợp cho mục đích này một cách hoàn hảo.

3. Ngủ 10 tiếng mỗi ngày

Thời gian ngủ này nhiều hơn 3 tiếng so với thời gian ngủ trung bình của một người hiện nay. Không phải điều đó cho thấy Einstein là người lười biếng hay lúc nào cũng mơ màng - chắc chắn là vậy. Ông đơn giản là một người có giấc ngủ khoẻ mạnh mà thôi.

Chúng ta đều biết rằng một giấc ngủ đêm khoẻ mạnh là điều rất tốt cho bộ não. Nhưng thông thường, ngủ 7-9 tiếng là đủ. Dẫu vậy, điều quan trọng cần nhớ là chúng ta đều khác nhau. Với một số người, 6 tiếng là đã ổn, nhưng số khác lại cần đến 10 tiếng, như Einstein chẳng hạn.

Nhưng bạn có thắc mắc tại sao ông lại cần ngủ nhiều hơn bình thường hay không?

Cả đời ông dành trọn cho việc suy nghĩ và nghiên cứu về vũ trụ, đặt ra những câu hỏi hóc búa, và tìm kiếm những câu trả lời lớn nhất dành cho chúng. Rõ ràng là hợp lý khi ông cần ngủ nhiều hơn, nhưng thói quen này còn có nhiều điều thú vị khác. Khá kỳ lạ là, vị thiên tài này không giống như mọi thiên tài khác - hầu hết bọn họ đều có những chu kỳ ngủ khá lạ, chỉ ngủ 4 tiếng, hoặc thậm chí là 2 tiếng mỗi ngày mà thôi.

Einstein ngủ với một chiếc muỗng trong tay

Dù ngủ 10 tiếng vào ban đêm, Einstein không hề có suy nghĩ không được chợp mắt một giấc ngắn. Nhưng những giấc ngủ ngắn như vậy tiềm ẩn một điều khá hay ho chứ không đơn thuần chỉ vì ông cần ngủ.

Einstein có một thói quen khá lạ liên quan đến giấc ngủ ngắn hàng ngày. Trong khi đang say ngủ, ông thường nắm một chiếc muỗng kim loại trong tay và đặt một chiếc đĩa kim loại trên sàn nhà, ngay bên dưới cái muỗng. Khi ngủ say, ông sẽ làm rơi chiếc muỗng lên chiếc đĩa, tạo ra âm thanh đủ to để đánh thức bản thân ngay lập tức.

4. Chơi violin

Dù Einstein thời trẻ thích thú nhất trò chơi xây nhà bằng các lá bài, mẹ ông lại không hào hứng như vậy. Bà quyết định đặt ra một trò khác hữu ích hơn dành cho cậu con trai.Và thế là bà chọn đàn violin.

Ban đầu, Einstein không chấp nhận điều đó, nhưng năm 13 tuổi, ông lần đầu nghe được nhạc Mozart và yêu nó ngay lập tức. Sau đó, ông không bao giờ ngừng chơi violin nữa. Từ thói quen này chúng ta rút ra được một số thứ. Mặc cho phản ứng ban đầu không mấy yêu thích, Einstein đã có bản tính tò mò, đủ để giúp ông thay đổi quan điểm của bản thân về việc chơi violin.

Làm sao để tham gia vào một hoạt động mới?

Không có cách nào giúp não nghỉ ngơi tốt hơn việc thay đổi một hoạt động quen thuộc.

Đã quá mệt mỏi với việc làm toán? Hay chơi guitar.

Quá mệt vì chơi guitar? Hãy đi bộ, thử chụp vài bức ảnh.

Bộ não của chúng ta rất thích thú khi chúng ta chuyển từ công việc sang những hoạt động tiếp thu thông tin trừu tượng, hình ảnh, và âm thanh. Nhưng đừng quên rằng, không thứ gì có thể thay thế một giấc ngủ ngon. Và rõ ràng Albert Einstein biết chắc điều đó.

5. Thực hiện công việc hàng ngày như một sở thích

Einstein luôn nghĩ rằng công việc khiêm tốn của ông tại văn phòng Bằng sáng chế Chính phủ ở Bern là tất cả những gì bản thân mong muốn, kể cả khi mức lương cho việc này khá thấp và tính chất công việc thì cực kỳ nhàm chán.

Trên thực tế, sự nhàm chán này chính là điều Einstein thích thú về công việc của mình. Khi chúng ta làm những việc đơn điệu và buồn tẻ, không đòi hỏi bất kỳ kỹ năng hay kiến thức chuyên môn nào, bộ não của chúng ta nhanh chóng thích nghi với nó. Do đó chúng ta sẽ sớm đi vào guồng công việc mỗi ngày mà không cần suy nghĩ nhiều. Điều này cho phép tâm trí chúng ta tự do "lướt" từ một suy nghĩ này sang suy nghĩ khác.

Tại sao 5 thói quen nói trên lại biến Einstein thành thiên tài?

Bạn có thấy khuôn mẫu chung ở đây không? Tất cả những thói quen kia đều góp phần dẫn đến cùng một điều!

Albert Einstein không có công thức để trở thành thiên tài, ông chỉ đi theo những nhu cầu của mình. Chính xác là đi theo một nhu cầu đặc biệt quan trọng: nhu cầu được ở một mình cùng những suy nghĩ trong đầu, và được liên tục thay đổi góc nhìn cũng như quy trình suy nghĩ về điều đó. Nói đơn giản, ông chỉ muốn được tự do trong suy nghĩ, giúp ông phát triển nên những lý thuyết làm thay đổi mãi mãi nền khoa học nhân loại.

Điều quan trọng hơn nữa về việc thực hành những thói quen là cải thiện bản thân. Tập ngủ đủ giấc, đi bộ hàng ngày, hay bắt đầu chơi một nhạc cụ nào đó đều là một điểm xuất phát tốt.

Vậy, những thói quen nào đã giúp bạn đạt được một vài kết quả mỹ mãn trong cuộc sống? Hãy cùng chia sẻ nhé!

Minh.T.T;(theo ScienceDoze)

Chủ đề khác