VnReview
Hà Nội

Mỹ chia sẻ những dấu hiệu cảnh báo sạt lở đất, đá

Theo Cục khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS), trước khi lở đất sẽ có thể có những âm thanh bất thường, chẳng hạng như tiếng cây cối bị nứt toác hoặc tiếng đá tảng đập vào nhau.

Sạt lở đất ở Quảng Nam: Tiếp cận hiện trường rất khó khăn

Dấu hiệu cảnh báo lở đất

Giới chuyên gia cho biết tình trạng lở đất đá thường xảy ra ở những vùng có điều kiện đặc trưng và có dấu hiệu cảnh báo trước. Vì vậy, để đề phòng tai họa thì việc theo dõi thường xuyên và ghi nhận các dấu hiệu bất thường là điều nên làm. Theo USGS, trước khi lở đất thì thường có những dấu hiệu dưới đây:

- Xuất hiện vết nứt mới bất thường trên nền đất, mặt đường hoặc vỉa hè.

- Đất đá di chuyển bất thường.

- Sàn, hiên nhà bỗng nhiên nghiêng hoặc di chuyển so với nhà chính.

- Nền móng và sàn bê tông nghiêng hoặc nứt.

- Đường ống nước bị hỏng.

- Cột điện, cây cối, tường chắn hoặc hàng rào bỗng nhiên bị nghiêng.

- Nền đường bị lún hoặc sụt.

- Mực nước ở các lạch nhỏ, khe núi tăng nhanh và có thể rất đục.

- Mực nước ở các lạch nhỏ, khen núi giảm đột ngột dù mưa vẫn đang rơi hoặc vừa tạnh.

- Những âm thanh yếu ớt xuất hiện và tăng nhanh về mặt cường độ cũng như độ lớn.

- Những âm thanh bất thường như tiếng cây cối bị nứt toác hoặc tiếng đá tảng đập vào nhau xuất hiện.

Các khu vực thường có nguy cơ sạt lở đất

Theo USGS, các khu vực có nguy cơ gặp sạt lở đất là nơi trước đây từng có hiện tượng sạt lở. Đồng thời, khu vực trên hoặc dưới các sườn dốc; chân hoặc đỉnh các mái dốc ta luy nền đắp; chân hoặc đỉnh của các đường dốc đứng... cũng thường có nguy cơ lở đất.

Trong khi đó, các khu vực thường được coi là an toàn khi lở đất xảy ra là trên nền đất đá cứng, không có sạt lở trước đây; trên các khu vực tương đối bằng phẳng không có sự thay đổi đột ngột về độ dốc của địa hình; ở trên đỉnh hoặc dọc theo mũi của các rặng núi.

Làm gì trước khi xảy ra lở đất

- Không xây dựng gần các sườn dốc, khu vực sát mép núi, gần các lối thoát nước hoặc các vùng bị xói mòn tự nhiên.

- Liên hệ với cơ quan chức năng, cơ quan khảo sát địa chất địa phương, các đơn vị quản lý tài nguyên và các khoa địa chất của các trường đại học để tìm hiểu nguy cơ lở đất ở vùng mà bạn sinh sống.

- Xem xét dòng chảy của nước mưa ở khu vực xung quanh bạn sinh sống. Hãy lưu ý những nơi nước chảy hội tụ, làm tăng dòng chảy và hãy tránh nó khi mưa lớn.

- Tìm hiểu các kế hoạch ứng phó khẩn cấp và sơ tán xung quanh khu vực bạn sinh sống. Hãy tự tìm hiểu và xây dựng kế hoạch khẩn cấp sơ tán cho gia đình.

- Giảm thiểu các nguy cơ quanh nhà bằng cách lắp đặt phụ kiện, các đường ống mềm, có khả năng chống vỡ tốt hơn. Đồng thời, nếu sống ở khu vực vùng núi, bạn cũng nên xây dựng tường chắn quanh nhà.

Làm gì khi xảy ra lở đất

- Nhiều trường hợp tử vong do lở đất xảy ra khi đang ngủ. Vì vậy, vào những ngày mưa lớn bạn cần theo dõi thời tiết thật kỹ lưỡng để biết lượng mưa lớn vào thời điểm nào trong ngày. Nếu mưa liên tục trong ngày bạn nên cử người trong gia đình luôn tỉnh táo để nếu có tình huống xấu còn đánh thức thành viên khác dậy.

- Nếu đang ở trong khu vực nguy hiểm, dễ bị sạt lở đất thì bạn hãy cân nhắc rời khỏi khu vực đó trước và tuân thủ các biện pháp di dời của cơ quan chức năng.

- Lắng nghe bất kỳ âm thanh bất thường nào có thể chỉ ra lở đất đang xuất hiện, chẳng hạn như tiếng cây cối nứt gãy, đá tảng va vào nhau... Khi có dấu hiệu bất thường, hãy tìm nơi trú ẩn an toàn ngay.

- Nếu ở gần khu vực một con suối hoặc kênh, hãy cảnh giác khi lưu lượng nước của nó tăng hoặc giảm đột ngột và cũng cảnh giác khi nước đang trong bỗng nhiên đục vì bùn. Những thay đổi như vậy có thể cho thấy hoạt động sạt lở đất ở thượng nguồn và vì vậy cần nhanh chóng di chuyển.

- Đặc biệt cảnh giác khi lái xe và không vượt qua sông, suối khi đang mưa lớn. Các cơn lũ có thể cuốn trôi những cây cầu và cuốn bạn đi luôn.

Làm gì khi nghi ngờ lở đất sắp xảy ra

- Liên hệ ngay với đơn vị cứu hỏa, cảnh sát hoặc chính quyền địa phương. Cơ quan chức năng chuyên môn là những người tốt nhất để đánh giá nguy cơ lở đất.

- Thông báo ngay cho những người xung quanh, nói cho họ về mối đe dọa tiềm ẩn và cùng nhau di tản.

- Sơ tán để thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Phải làm gì sau lở đất

- Theo dõi thông tin để biết về tình hình hiện tại và các cảnh báo mới nhất.

- Kiểm tra những người xung quanh xem có ai bị mắc kẹt không và tìm cách cứu họ.

- Giúp đỡ những người cần hỗ trợ đặc biệt như trẻ sơ sinh, người già và người khuyết tật

- Tìm kiếm và báo cáo về các đường dây điện, đường bộ, đường sắt bị ảnh hưởng.

- Tìm kiếm lời khuyên của các chuyên gia để đánh giá về nguy cơ sạt lở đất trong lương lai.

T.T

Chủ đề khác