VnReview
Hà Nội

Cho bạn không có giấy phép lái xe mượn ô tô gây tai nạn chết 2 người, chủ xe bị phạt như thế nào?

Khi cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông mượn xe, nếu có tai nạn gây chết người xảy ra thì chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tường đổ làm bẹp ô tô đậu bên cạnh, ai phải đền ai?

Mới đây, tại Thái Nguyên đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 2 người thiệt mạng. Cụ thể, khoảng 12h40 ngày 29/11, một ô tô con mang biển kiểm soát 20A-384.40 do Bùi Văn Nam điều khiển chạy trên quốc lộ 3C đã đâm vào xe máy mang biển kiểm soát 97B1-xxx do ông (41 tuổi, ở xã Cư Lễ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) chở con trai Lý Hải Uy (12 tuổi) đi theo hướng ngược lại.

Vụ tai nạn khiến ông Phúc tử vong tại chỗ, cháu Uy bị thương nặng, văng lên mái nhà dân ven đường rồi tử vong tại bệnh viện đa khoa huyện Định Hóa. Tài xế Nam - người điều khiển ô tô con đã bỏ trốn. Theo thông tin từ Ban an toàn giao thông tỉnh Thái Nguyên, tài xế Nam là người cầm lái ô tô khi chưa có giấy phép lái xe, điều khiển phương tiện với tốc độ cao mất lái và đâm vào xe máy. Người này được xác định đã mượn xe để đi ăn khai trương nhà hàng về thì gây tai nạn.

Chủ xe có phải trịu trách nhiệm về vụ tai nạn?

Như vậy, theo những thông tin ban đầu thì tài xế Nam không có giấy phép lái xe và đã mượn xe của người khác. Từ đây, nhiều người thắc mắc rằng chủ xe có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong vụ việc hay không?

Theo điều 58, Luật giao thông đường bộ 2008, người điều khiển xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ, có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Trong trường hợp này, nếu người mượn xe gây ra tai nạn thì chủ sở hữu xe sẽ không phải chịu xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, trong trường hợp chủ sở hữu xe giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông (không đủ sức khỏe, không có bằng lái, say rượu bia...) thì sẽ bị xử phạt theo các điều khoản trong Bộ luật hình sự 2015. Điều 264, luật hình sự 2015 quy định:

Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu vụ tai nạn làm chết 02 người.

Như vậy, theo bộ Luật hình sự 2015 thì người cho tài xế Nam mượn xe sẽ bị xử phạt. Việc hình thức xử phạt như thế nào sẽ phụ thuộc vào tính chất vụ việc và người cho mượn xe có biết anh Nam không có bằng lái xe hay không.

Qua trường hợp trên, bạn cũng nên cân nhắc đến việc cho người khác mượn xe để tham gia giao thông. Để tránh gây ra hậu quả đáng tiếc cũng như tránh việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì chủ phương tiện giao thông cần cân nhắc kỹ về độ tuổi, tình trạng sức khỏe, giấy phép lái xe của người mượn xe.

Lái xe khi không có bằng lái gây chết người bị phạt như thế nào?

Theo quy định của pháp luật, người lái xe khi tham gia giao thông bắt buộc phải có giấy phép lái xe. Nếu không có giấy phép lái xe mà vẫn điều khiển phương tiện gây chết người thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Khoản 2, điều 260, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như sau: 'Người tham gia giao thông phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 - 10 năm:

- Không có giấy phép lái xe theo quy định;

- Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

- Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

- Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

- Làm chết 02 người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng'.

Như vậy, xét trong trường hợp của vụ việc tại Thái Nguyên, khi tài xế Nam điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm tùy thuộc vào tình tiết, mức độ nguy hiểm của hành vi.

Đồng thời, theo điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ không phải là tội khởi tố theo yêu cầu bị hại. Do đó, nếu gia đình nạn nhân có viết đơn cam kết không khởi kiện thì tài xế Nam vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

T.T

Chủ đề khác