VnReview
Hà Nội

Vì sao quảng cáo 'nhà tôi ba đời nhận chữa' tràn lan trên YouTube?

Dễ dàng trong kiểm duyệt quảng cáo cùng những kẽ hở thanh toán khiến YouTube trở thành nơi lý tưởng để quảng cáo thuốc kê đơn, thực phẩm chức năng chưa rõ nguồn gốc.

"Ngồi trong quán cà phê buổi sáng, tôi không ít lần nghe thấy câu quảng cáo ‘nhà tôi ba đời nhận chữa...'. Đủ mọi loại bệnh được giới thiệu là trị khỏi nếu không sẽ được hoàn tiền. Ban đầu cũng không để ý lắm nhưng gần đây tôi bắt đầu thấy ám ảnh với những quảng cáo kiểu này", Hoàng Lân, nhân viên văn phòng tại Quận 5, TP.HCM chia sẻ.

Tương tự trường hợp của ông Lân, Quốc Bảo, một thợ cắt tóc tại quận 8, TP.HCM cũng cho biết anh phải tìm cách chuyển vùng tài khoản của mình sang Đài Loan để mua YouTube Premium để không phải xem quảng cáo của Google.

Quảng cáo thuốc kê đơn tràn lan trên YouTube.

"Tiệm tóc của tôi thường mở nhạc để khách thư giãn. Nhưng cứ mở video nào thì quảng cáo đông y xuất hiện video đó. Thậm chí tôi còn không thể bỏ qua quảng cáo. Thôi thì bỏ ra một tháng 80.000 đồng để nghe nhạc vậy", Bảo cho biết.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành quảng cáo số, các nội dung đông y hơn 2 tháng qua đang xuất hiện đầy khắp các video trên YouTube. Nguyên nhân nằm ở việc các đơn vị bán thuốc rất chịu chi tiền cho YouTube do biên độ lợi nhuận bán hàng lớn.

"Giá đấu thầu quảng cáo thông thường rơi vào khoảng 100-200 đồng/lượt hiển thị. Nhưng các đơn vị bán thuốc sẵn sàng chi từ 500-900 đồng/lượt. Điều này khiến họ được ưu tiên gắn vào các video hơn những nội dung khác", Quang Vinh, quản trị viên diễn đàn nhà sáng tạo nội dung YouTube với hơn 200.000 thành viên chia sẻ.

Theo ông Vinh, nội dung quảng cáo thuốc bán kê đơn bị cấm trên nhiều nền tảng từ Facebook, TikTok… Chính Google cũng đang siết chặt chính sách quảng cáo thuốc kê đơn.

Theo đó, trong chính sách nền tảng, Google hạn chế quảng bá những nội dung có liên quan đến sức khỏe của người dùng chẳng hạn thuốc kê theo toa, thuốc không kê đơn, thực phẩm và dược phẩm chức năng chưa được cấp phép…

"Tuy vậy, bằng một số thủ thuật giả mạo giấy phép, những video quảng cáo loại thuốc này được YouTube phê duyệt để hiển thị. Đương nhiên, khi bị cấm ở nhiều nền tảng nhưng lại được YouTube cho phép chạy quảng cáo, những đơn vị này sẽ chi toàn bộ ngân sách cho YouTube", ông Vinh nhận định.

Ngoài ra, các đơn vị quảng cáo đông y còn tối ưu giá thầu bằng cách săn các mã khuyến mãi.

Những loại thuốc được bán theo đơn bị YouTube cấm quảng cáo khi không có toa thuốc.

"Có nhiều loại mã giảm giá quảng cáo đang được bán trên thị trường. Trong đó, loại mã phổ biến nhất cho phép đơn vị quảng cáo chỉ phải trả 450.000 đồng khi chi tiêu 900.000 đồng", Quang Châu, một chuyên gia Digital Marketing tại Đà Nẵng chia sẻ.

Theo ông Châu, chỉ cần sưu tầm nhiều mã quảng cáo này bằng việc đăng ký hàng loạt tài khoản, đơn vị quảng cáo sẽ có thêm ngân sách để phủ nội dung khắp các video.

"Bên cạnh đó, các mẫu quảng cáo đông y hướng tới nhóm người xem lớn tuổi, có nhu cầu sử dụng nên nền tảng YouTube TV sẽ được nhắm mục tiêu nhiều hơn", ông Châu cho biết.

Để có được lòng tin từ người dùng, các video quảng cáo thuốc đông y thường được trình bày theo hình thức tin tức truyền hình.

Theo bà Đặng Thị Kim Chi, Thạc sĩ Truyền thông, có 3 dạng video ngụy trang truyền hình gồm làm giả thương hiệu nhà đài, làm giả hình thức và cắt ghép nội dung.

Cụ thể, ở loại đầu tiên, video sử dụng nội dung tự sản xuất sau đó gắn logo nhà đài. Loại thứ hai, chủ sở hữu video sẽ nhái lại hình thức của nhà đài nhưng sử dụng tên khác. Loại cuối cùng là tự tạo ra các nhà đài. Hiện một số quảng cáo thuốc đông y trên YouTube đang tự tạo các nhà đài riêng như DDTV, VCTC…

Theo Zing

Chủ đề khác