VnReview
Hà Nội

Ăn mít có nóng không?

Hầu hết chúng ta từ trước đến nay đều nghĩ rằng ăn mít sẽ gây nóng trong người và khiến cơ thể nổi mụn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này là không đúng.

Ăn gì sống khỏe trong mùa đông?

Mít là loài thực vật có nguồn gốc từ Ấn Độ, mọc phổ biến ở Nam, Đông Nam Á, Brazil và châu Phi. Loại cây này rất phổ biến tại Việt Nam, quả có vị ngọt, rất dễ ăn và giàu chất dinh dưỡng.

Theo các nhà khoa học, mít không chứa chất béo bão hòa hoặc cholesterol, có hàm lượng natri nhẹ và cũng ít calo. Quả mít giàu chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, vitamin C, canxi, kali, sắt, thiamin, riboflavin, niacin, magneisum... nên rất hữu ích cho sức khỏe. Ăn mít có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại bệnh ung thư, giúp hệ tiêu hóa hoạt động đúng chức năng, duy trì sức khỏe của mắt, bổ sung năng lượng cho cơ thể, giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa thiếu máu, hạ huyết áp...

Tuy nhiên, từ rất lâu nay nhiều người Việt Nam truyền tai nhau rằng ăn mít sẽ gây nóng cho cơ thể dẫn đến tình trạng nổi mụn nhọt, lẹo mắt, nhiệt miệng... Điều này khiến chúng ta có phần e ngại khi ăn loại quả này.

Theo PGS.TS.Nguyễn Thị Lâm - Nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia trả lời trên báo Dân trí cho biết: 'Quan niệm mít là trái cây nóng là không chính xác. Không có loại quả chín nào là nóng, mà chỉ có các loại quả có hàm lượng đường cao, nếu ăn quá nhiều thì cũng không tốt cho sức khỏe'.

Các nhà khoa học cho rằng hoa quả thì không có loại nào là nóng hay lạnh. Nhiều người cho rằng ăn mít nóng là do nó chứa nhiều đường. Khi ăn vào cơ thể, lượng đường nhanh chóng đi vào máu và biến thành năng lượng, sinh ra nhiệt và làm cho người ăn cảm thấy nóng bức. Việc ăn mít cảm thấy nóng cũng giống như khi bạn ăn xoài, vải, nhãn... Đây đều là những trái cây có lượng đường cao và sẽ biến thành năng lượng khi vào cơ thể.

Việc sau khi ăn mít cơ thể bị nổi mụn, lẹo mắt là do bản thân người dùng nhạy cảm chứ không phải do loại quả này. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh rằng với những người có cơ địa rất nhạy cảm thì việc ăn mít là chất xúc tác nhanh để dẫn tới hiện tượng nổi mụn nhọt.

Như vậy, việc ăn mít không gây ra hiện tượng nóng trong cơ thể mà ngược lại nó còn rất bổ ích vì có nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên về việc ăn mít sao cho hợp lý.

Theo đó, những người có cơ địa thường bị mụn nhọt, rôm sảy thì không nên ăn nhiều mít. Nếu vẫn muốn thưởng thức loại hoa quả này thì bạn cần bổ sung nước và rau xanh. Đồng thời, những người bị tiểu đường, gan nhiễm mỡ cần tuyệt đối kiêng mít bởi như đã đề cập loại quả này có hàm lượng đường rất cao.

Khi chọn mít, bạn cũng nên tìm những quả có gai to, đều và khoảng cách cách xa nhau. Cùng với đó, bạn không nên chọn những quả mít có những chỗ eo, lõm bởi đó có thể là nơi loại quả này bị sâu.

T.T

Chủ đề khác