VnReview
Hà Nội

Thế giới đang dần hết cát xây dựng, thậm chí mất đất vì con người khai thác vô độ

Con người đang vô tư sử dụng và khai thác thiếu kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên cực kỳ có giá trị, đó là cát. Dù rằng cát có ở mọi nơi nhưng cát để xây dựng và phục vụ công nghiệp không phải là thứ vô hạn.

Cát là tài nguyên thiên nhiên được tiêu thụ nhiều thứ hai trên thế giới và khi các đô thị phát triển nhanh chóng như hiện nay, nhu cầu về cát là cực kỳ lớn và nó đang vô tình rút cạn nguồn cung cát trên thế giới.

Có lẽ nhiều người khi lần đầu tiên nghe nói về tình trạng thiếu cát toàn cầu sẽ nghĩ rằng: "Tôi đã thấy những sa mạc khổng lồ. Làm sao chúng ta có thể cạn kiệt cát?"

Không quá khi nói rằng cát là nền tảng của các thành phố chúng ta sinh sống. Đó là một thành phần quan trọng khi trộn bê tông xây dựng đường cao tốc và các tòa nhà văn phòng, chung cư, trung tâm mua sắm,...

Chúng ta còn sử dụng nó để làm thủy tinh và kính cửa sổ, kính chắn gió và màn hình smartphone. Nó thậm chí còn là thành phần trong các con chip cung cấp năng lượng cho smartphone và máy tính. Ước tính con người đang sử dụng khoảng 50 tỷ tấn cát mỗi năm cho mọi hoạt động. Số cát này đủ để bao trùm toàn bộ Vương quốc Anh.

Nhu cầu thì vô hạn nhưng cát phục vụ xây dựng và chế tạo công nghiệp chỉ là hữu hạn

Với số lượng cát khổng lồ như vậy tiêu thụ mỗi năm rõ ràng sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu vào một thời điểm nào đó. Và cần phải nhấn mạnh rằng không phải tất cả cát đều được tạo ra giống nhau.

Vince Beiser, tác giả của The World in a Grain: The Story of Sand and How it Transformed Civilization cho biết: "Tất nhiên có rất nhiều cát trên sa mạc nhưng vấn đề là nó vô dụng đối với chúng ta". Sở dĩ cát sa mạc lại vô dụng với con người vì cát sa mạc đã bị gió bào mòn qua hàng triệu năm, khiến cho các hạt cát mịn và tròn. Đây không phải điều kiện lý tưởng để trộn bê tông và chế tạo các thứ.

Thứ cát mà con người cần sẽ thô hơn, có các góc cạnh để giúp chúng kết dính với nhau tốt hơn. Và thứ cát mà chúng ta cần thường được lấy từ những nơi như lòng sông, bờ sông, bãi bồi ven sông và bãi biển.

Nhưng do nhu cầu ngày càng lớn về nguồn nguyên liệu mà nhiều lòng sông, bãi biển bị hút sạch để tận thu. Thậm chí ở các quốc gia có nhiều cát phù hợp cho xây dựng còn tồn tại những loại tội phạm nguy hiểm mang tên "cát tặc".

Pascal Peduzzi, một nhà nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết: "Vấn đề về cát gây ngạc nhiên cho nhiều người…Chúng ta không thể chiết xuất 50 tỷ tấn bất kỳ vật liệu nào mỗi năm mà không gây ra những tác động lớn đến hành tinh và đối với cuộc sống của con người".

Cũng như tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, tình trạng khan hiếm cát liên quan đến nguồn cung nguyên liệu hữu hạn và ngày càng có nhiều người rời bỏ các vùng nông thôn để lên các thành phố lớn, qua đó làm gia tăng áp lực xây dựng các tòa chung cư để đáp ứng nhu cầu nhà ở.

Số người sống ở các khu vực thành thị đã tăng hơn gấp 4 lần kể từ năm 1950 lên khoảng 4,2 tỷ người và Liên hợp quốc dự đoán sẽ có 2,5 tỷ người nữa sẽ di cư tới các đô thị trong ba thập kỷ tới.

Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, Beiser tin rằng thế giới có thêm 8 thành phố New York mỗi năm, một tốc độ xây dựng và đô thị hóa cực nhanh. Thông thường việc xây dựng một tòa nhà có thể cần tới khoảng 3.000 tấn cát và sẽ không ngạc nhiên nếu nguồn tài nguyên này có thể sẽ biến mất vào một ngày nào đó.

Ở Ấn Độ, lượng cát xây dựng sử dụng hàng năm đã tăng hơn gấp ba lần kể từ năm 2000 và vẫn đang tăng nhanh. Riêng Trung Quốc có khả năng đã sử dụng nhiều cát hơn trong thập kỷ này so với Mỹ từng làm trong suốt thế kỷ 20. Nhu cầu đối với một số loại cát xây dựng nhất định nhiều đến mức Dubai dù nằm ở rìa một sa mạc rộng lớn vẫn phải nhập khẩu cát từ Úc. Đúng vậy, các nhà xuất khẩu ở Úc đang bán cát cho người Ả Rập.

Nhưng cát không chỉ được sử dụng để xây dựng các tòa nhà và cơ sở hạ tầng. Cát giờ đây còn được khai thác để tạo ra các vùng đất nhân tạo, ví dụ như các bãi biển mới hoặc các hòn đảo hoặc các dự án lấn đất để xây dựng khác.

Hậu quả nghiêm trọng nếu khai thác cát xây dựng bừa bãi

Hoạt động khai thác cát một cách vô tổ chức và không có sự kiểm soát thường sẽ để lại những hậu quả to lớn.

Khai thác cát sông cũng đang góp phần vào sự biến mất chậm chạp của Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Khu vực này là nơi sinh sống của 20 triệu người và là nguồn cung cấp một nửa lượng lương thực của Việt Nam và phần lớn lượng gạo cho các nước Đông Nam Á.

Nước biển dâng do biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến vùng châu thổ này mỗi ngày mất đi diện tích đất tương đương một sân bóng đá rưỡi. Nhưng còn một lý do khác cũng đáng lo ngại không kém, đó chính là tình trạng con người "cướp đi" lớp cát quan trọng của vùng châu thổ này.

Trong nhiều thế kỷ, đồng bằng Sông Cửu Long đã được bồi đắp một lượng lớn phù sa từ sông Mekong mang xuống từ các dãy núi ở Trung Á. Nhưng tình trạng khai thác cát dưới lòng sông một cách thiếu bài bản đang đe dọa lớn đến nguồn tài nguyên cát. Theo một nghiên cứu năm 2013 của ba nhà nghiên cứu người Pháp, khoảng 50 triệu tấn cát đã được khai thác ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long chỉ trong năm 2011.

Đặc biệt 5 đập lớn đã được xây dựng trong những năm gần đây trên sông Mekong và 12 đập khác dự kiến ​​sẽ được xây dựng ở Trung Quốc, Lào và Campuchia chắc chắn sẽ làm giảm dòng chảy của phù sa xuống tới vùng đồng bằng.

Nói cách khác, hoạt động khai thác trái phép phù sa và cát của đồng bằng vẫn đang tiếp diễn nhưng sự bổ sung của tự nhiên thì đang giảm đi trông thấy. Các nhà nghiên cứu thuộc chương trình Greater Mekong của Quỹ thiên nhiên thế giới (WWF) tin rằng với tốc độ này, gần một nửa đồng bằng sẽ bị xóa sổ vào cuối thế kỷ này do thiếu phù sa và bị khai thác quá đà.

Tệ hơn nữa, việc nạo vét lòng sông Mekong để lấy cát ở Campuchia và Lào đang khiến các bờ sông dần bị sạt lở để bù đắp sự thiếu hụt của lòng sông. Hậu quả là nó kéo theo các cánh đồng hoa màu và thậm chí cả nhà cửa của người dân bị kéo xuống dưới sông.

Khai thác cát cũng vô tình gây ra thiệt hại hàng triệu đô mỗi năm cho các cơ sở hạ tầng. Khai thác cát bất chấp có thể làm lộ ra phần trụ, móng của nhiều công trình nhà ở, cầu đường, gây nguy cơ sụp đổ rất cao. Hồi năm 2000, một cây cầu ở Đài Loan đã bị sập vì khai thác cát quá mức.

Không chỉ ở sông, hoạt động khai thác cát đại dương cũng gây hại rất lớn cho rạn san hô ở Kenya, Vịnh Ba Tư và Florida. Nó phá nát hệ sinh thái đại dương và làm mất đi chỗ sinh sống của các loài thủy sinh. Các ngư dân ở Malaysia và Campuchia giờ đây cũng đang phải chịu các ảnh hưởng do nạn khai thác cát thiếu kiểm soát.

Còn ở Trung Quốc, hoạt động cải tạo đất đã xóa sổ các vùng đất ngập nước ven biển, hủy hoại môi trường sống của cá và các loài chim, đồng thời làm gia tăng ô nhiễm nước.

Và một trong số đó có Singapore, quốc gia dẫn đầu thế giới về cải tạo đất. Để tạo thêm không gian cho gần 6 triệu người dân, nước này đã quyết định mở rộng thêm khoảng 130 km2 đất trong vòng 40 năm qua. Và quá trình mở rộng này đòi hỏi một lượng cát khổng lồ nhập khẩu từ các nước khác, trong đó có các quốc gia láng giềng.

Dù đem lại nguồn giá trị kinh tế lớn nhưng hoạt động xuất khẩu cát đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng lớn đến môi trường của nhiều nước như Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Campuchia, dẫn tới việc các nước này giờ đây đã hạn chế xuất khẩu cát sang Singapore.

Chúng ta liệu đã có phương án dự phòng nếu thiếu cát?

Tất nhiên con người phải dự trù cho tình huống khi Trái Đất không còn đủ cát xây dựng. Các nhà nghiên cứu đang xem xét một loạt các chất thay thế cho cát để sử dụng trong bê tông.

Đó có thể là nhựa vụn, cao su vụn và thậm chí cả sợi gai dầu đang được sử dụng ở quy mô hạn chế. Nhưng Beiser cho biết, sự thiếu hụt cát là dấu hiệu cho thấy một vấn đề lớn hơn.

Ông cho rằng, chúng ta phải tìm cách xây dựng các thành phố xanh hơn và sử dụng ít cát hơn. Chúng ta chỉ phải tìm cách sống bền vững hơn và dần hạn chế phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chỉ có như vậy, nguồn cát trong tự nhiên mới có khả năng phục hồi và duy trì sự tồn tại của con người về lâu dài.

Tiến Thanh (Theo Cnet và BBC)

Chủ đề khác