VnReview
Hà Nội

Sản phẩm của quảng cáo 'Nhà tôi 3 đời nhận chữa...' có chữa được bệnh không?

Thời gian vừa qua, quảng cáo với nội dung theo kiểu 'Nhà tôi 3 đời nhận chữa...' liên tục xuất hiện trên Youtube khiến nhiều người khó chịu và thắc mắc về công dụng thật sự của những loại 'thuốc' này.

Vì sao quảng cáo 'Nhà tôi ba đời nhận chữa' tràn lan trên Youtube?

Không chỉ đến hiện tại những quảng cáo theo kiểu 'Nhà tôi 3 đời nhận chữa...' mới xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội. Từ cách đây vài năm, nó đã có trên Facebook với lời giới thiệu chữa được tức thời các loại bệnh về gan, thận, yếu sinh lý... chỉ sau vài liệu trình.

Đến khi Bộ Y tế vào cuộc, yêu cầu Facebook xử lý thì những quảng cáo 'thuốc' đông y này mới dần thưa thớt. Để rồi sau một thời gian nó lại có mặt trên một mạng xã hội rất lớn khác là Youtube. Loại quảng cáo này trước đây thường xuất hiện ở dạng ảnh nhưng trong năm 2020 đã dần biến đổi thành video. Những người bán 'thuốc' này thậm chí còn cắt ghép các đoạn video từ Đài truyền hình Việt Nam cho vào nội dung quảng cáo của mình nhằm tăng thêm tính tin cậy.

GS.TS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết các sản phẩm quảng cáo giả mạo thuốc đông y trị dứt điểm hoàn toàn là không đúng sự thật, nói quá về tác dụng của sản phẩm. Thực tế, đa phần các sản phẩm này đều là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc chữa bệnh.

Ông trả lời trên Zing: 'Hiện nay, có một số trang mạng sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của tôi để cắt ghép vào video quảng cáo không đúng khiến rất nhiều người hiểu nhầm. Do đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin khi mua thuốc để tránh tiền mất tật mang'.

Thực tế cách đây vài năm khi loại hình quảng cáo 'Nhà tôi 3 đời nhận chữa...' xuất hiện nhan nhản trên Facebook thì đây được coi là 'mỏ vàng' của những người bán hàng online. Người bán hàng thường chọn những căn bệnh nhiều người mắc phải, chạy quảng cáo chữa được bằng các liệu trình đông y, 'thuốc' có nguồn gốc thảo dược.

Bộ Y tế sau đó đã xác minh các sản phẩm này thực tế là thực phẩm chức năng, chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không có tác dụng chữa triệt để bệnh. Ví dụ từng có thời kỳ mạng xã hội Việt Nam ngập tràn quảng cáo các loại thuốc đông y giảm cân mà vẫn ăn uống thoải mái, không cần tập luyện và được rất nhiều người mua. Tuy nhiên sau đó người ta mới phát hiện ra rằng đa phần các sản phẩm này là thực phẩm chức năng chứa dược liệu nhuận tràng, lợi tiểu. Người dùng sẽ bị mất nước liên tục và có cảm giác người nhẹ đi còn thực tế mỡ thừa vẫn được giữ nguyên trong cơ thể.

Theo bài viết của Ths. Bs. Hoàng Khánh Toàn - Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện trung ương quân đội 108 thì: 'Hiện nay, có một tình trạng là, vì con đường để sản phẩm được đăng ký công nhận là một loại thuốc chữa bệnh quá công phu, vất vả, khó khăn và tốn kém, không ít công ty đông dược đã tung ra thị trường những sản phẩm dưới danh nghĩa "thực phẩm chức năng" nhưng kỳ thực lại là thuốc trị bệnh đích thực. Bởi lẽ, trong thành phần của các sản phẩm này hoàn toàn chỉ gồm các vị thuốc đông y có tác dụng chữa bệnh (thuốc bệnh) chứ không hề có vị thuốc nào có tác dụng bổ dưỡng và nâng cao sức đề kháng (thuốc bổ), thậm chí còn có mặt cả những vị thuốc mà các thầy thuốc đông y khi sử dụng cũng phải rất thận trọng như đại hoàng, phan tả diệp, phụ tử...'.

Theo quan điểm của dinh dưỡng y học cổ truyền, việc dùng thuốc hay thực phẩm cũng phải có chỉ định, liều lượng và liệu trình cụ thể và phải tuân thủ nguyên tắc "tam nhân chế nghi", nghĩa là phải tùy người mà dùng (nhân nhân chế nghi), tùy lúc mà dùng (nhân thời chế nghi) và tùy nơi mà dùng (nhân địa chế nghi).

Chính vì vậy, người dùng khi gặp vấn đề sức khỏe và muốn chữa bệnh kể cả theo phương pháp đông y hay tây y cũng đều nên đến các bệnh viện để được bác sĩ tư vấn cụ thể việc dùng thuốc đúng cách và đúng liều lượng. Khi mua 'thuốc' được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, bạn sẽ khó mà xác minh cụ thể bệnh tình của mình có phù hợp với nó không, liều lượng như thế nào cho phù hợp và cũng không có bác sĩ chịu trách nhiệm với những gì bạn dùng.

Các quảng cáo theo kiểu 'Nhà tôi 3 đời nhận chữa...' thực tế là giới thiệu thực phẩm chức năng và theo nguyên lý khoa học thì nó không có tác dụng chữa triệt để bệnh. Người dùng cần phải hiểu rõ thực phẩm chức năng chỉ có thể bổ trợ sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh chứ không thể thay thế thuốc. Khi bạn dùng thực phẩm chức năng mà không biết thành phần của nó là gì, công dụng ra sao và chỉ tin những lời quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), từ đầu năm 2020, đơn vị này đã xử phạt 45 đơn vị với tổng số tiền 2,9 tỷ đồng và đa số vi phạm là hành vi quảng cáo sản phẩm không phù hợp với tài liệu quy định. Hiện các video quảng cáo theo kiểu 'Nhà tôi 3 đời nhận chữa...' vẫn tràn lan trên Youtube và khiến rất nhiều người bị 'ám ảnh'.

T.T

Chủ đề khác