VnReview
Hà Nội

Nguyên nhân đằng sau sự phát triển vũ bão của ngành công nghiệp livestream Trung Quốc

Dù là son môi, cam tươi hay thậm chí là tên lửa,... các doanh nghiệp tại Trung Quốc đều bán được qua hình thức trực tuyến nhờ đội ngũ các livestreamer đông đảo và được đào tạo bài bản.

Mải livestream, YouTuber người Nga để bạn gái chết cóng ngoài cửa

'Mua nó! Mua nó! Mua nó'!

Đó là lời kêu gọi của 'vua son môi' Trung Quốc Lý Gia Kỳ. Nhân vật này từng gây sốc khi bán được 15.000 thỏi son môi chỉ trong vòng 5 phút qua hình thức livestream.

Lý Gia Kỳ là một trong số hàng trăm ngàn người bán hàng online trên các nền tảng thương mại điện tử và livestream của Trung Quốc. Họ vừa là một nhân viên bán hàng vừa là một người có ảnh hưởng tới công chúng. Những người này bán từ túi Louis Vuitton đến cam tự trồng, từ son môi đến tên lửa và mỗi lần 'lên sóng' là có hàng trăm nghìn đến hàng triệu người xem.

Lý Giai Kỳ - huyền thoại bán son trực tuyến Trung Quốc

Xu hướng bán hàng qua livestream phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc trong vài năm gần đây và các nước khác trên thế giới vẫn chưa theo kịp. Thử nghiệm về phát trực tiếp của Amazon vẫn chưa thu hút được nhiều chú ý trong khi đó Facebook mới bắt đầu bước chân vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó thì phương pháp bán hàng này không mới. Nó là một bước phát triển và tiếp nối của các kênh mua sắm trên truyền hình, đặc biệt thu hút người xem ở thập niên 80 và 90 của thế kỷ 20. Đến hiện tại, thay vì xuất hiện trên TV thì những người bán hàng trực tuyến quảng cáo sản phẩm trên các dịch vụ livestream. Các nền tảng này phát triển theo cấp số nhân ở Trung Quốc, khi mạng xã hội 'bùng nổ' và người xem tìm kiếm điều gì đó thú vị hơn những thứ được chiếu trên truyền hình.

Và rồi đại dịch Covid-19 ập đến

Covid-19 khiến nhiều ngành công nghiệp của Trung Quốc rơi vào khó khăn nhưng nó không ảnh hưởng đến các nền tảng livestream. Việc các cửa hàng đóng cửa vì cách ly, giãn cách xã hội khiến mọi người không có nhiều việc để làm, thương mại điện tử phát triển và dự kiến đạt mức 129 tỷ USD trong năm 2020 ở đất nước này.

Lý Gia Kỳ là một trong những gương mặt nổi tiếng nhất của xu hướng livestream bán hàng đang bùng nổ ở Trung Quốc. Một phần vì anh thử son môi trên chính gương mặt của mình. Nhưng nguyên nhân chủ yếu khiến Lý Gia Kỳ tạo dựng tên tuổi, bán được hàng triệu USD tiền sản phẩm trên kênh của mình là vì anh không hành động như một người bán hàng truyền thống.

'Tôi chưa mua bất kỳ sản phẩm nào anh ấy giới thiệu nhưng kể từ lần đầu tiên xem video của Lý Gia Kỳ, tôi cảm thấy anh ấy rất chân thành' - một người hâm mộ đã bình luận về Lý Gia Kỳ như vậy trên diễn đàn hỏi đáp Zhihu của Trung Quốc. Theo các chuyên gia, những người có ảnh hưởng như Lý Gia Kỳ xây dựng hình ảnh với người hâm mộ và thành công bằng cách tỏ ra là một người chân chính. Họ tạo dựng được hình ảnh mình là chuyên gia, giúp người xem tìm được thứ mà mình ưng ý trong hàng ngàn sản phẩm cùng loại. Đối với nhiều người, việc theo dõi luồng livestream trực tuyến thoải mái hơn nhiều so với việc phải ra cửa hàng lựa chọn sản phẩm và đối mặt với những nhân viên bán hàng.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia thì đằng sau việc livestream bán hàng thành công còn là cả một công nghệ. Ở đó, người xem bị tấn công bởi các phiếu giảm giá, ưu đãi và sự cảnh báo về việc số lượng đơn đặt hàng đang tăng nhanh chóng, không mua nhanh là hết. Người mua hàng luôn trong tâm lý bị thúc ép, sợ bỏ lỡ và rồi quyết định tiêu tiền thật nhanh.

Điều đáng kinh ngạc ở Trung Quốc là người ta có thể bán mọi thứ qua livestream. Vào tháng 4 năm nay, 'nữ hoàng bán hàng livestream' Vy Á của nước này đã bán thành công một quả tên lửa trị giá 5,6 triệu USD qua kênh của mình. Cô cũng từng gây sốc khi chấp nhận thử thách và bán được 81.000 cuốn sách kinh tế trong vòng 5 giây. Những điều mà Vy Á làm được là không tưởng là bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Thành công của Lý Gia Kỳ hay Vy Á không phải bỗng dưng mà có. Họ có một ekip hùng hậu đứng sau và hơn hết là có những kỹ năng bài bản, được dạy cẩn thận. Ở Trung quốc, livestreamer là một nghề được công nhận. Jingdong và Wechat đều đồng thuận rằng livestream bán hàng đã trở thành kỹ năng quan trọng nhất của kinh doanh. Vào tháng 5/2020, Bộ lao động Trung Quốc liệt kê livestream trong danh sách 10 nghề nghiệp mới của nước này.

Khi đã là một nghề được công nhận thì đương nhiên sẽ có trường dạy về nó. Trong vài năm nay, tại Trung Quốc xuất hiện hàng loạt trường đào tạo ngôi sao internet. Nghe thì có vẻ hoành tráng nhưng những ngôi trường này thường dây học sinh về cách livestream và thu hút rất nhiều học viên. Với đa số những người theo học, nghề bán hàng trực tuyến không hẳn đã là nhàn hạ nhưng ít nhất nó vẫn nhẹ nhàng hơn nhiều so với công việc lao động chân tay. Trở thành livestreamer nổi tiếng đã trở thành mơ ước của một bộ phận không nhỏ giới trẻ Trung Quốc bởi thu nhập 'khủng' mà nó mang lại.

Nông dân Trung Quốc livestream giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng

Ở Trung Quốc hiện nay, đang có rất nhiều những câu chuyện thành công với nghề livestream bán hàng và công việc này thu hút mọi đối tượng tham gia. Người ta có thể bán nhà, xe cô, đất đai, cam, táo, son, quần áo... rất nhiều thứ qua các nền tảng trực tuyến. Từ bà lão 85 tuổi bán mơ cho đến ông nông dân ra đồng cầm điện thoại livestream giới thiệu sản phẩm của mình, tất cả đều lao vào công việc này nhất là trong thời kỳ Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu bị dập tắt hoàn toàn. Theo ước tính, trong mùa sale từ ngày 01 - 11/11, có gần 300 triệu người dùng Taobao xem livestream. Đến cuối năm 2020, Trung Quốc sẽ có tới 524 triệu người (40% dân số) sử dụng livestream. Kỹ năng bán hàng trực tuyến hiện nay đã trở thành một năng lực trọng yếu mà các công ty thương mại điện tử ở quốc gia đông dân nhất thế giới yêu cầu nhân viên bán hàng phải đáp ứng.

Tuy nhiên, đa phần những người thành danh trong nghề này ở quốc gia đông dân nhất thế giới đều phải qua các lớp dạy kỹ năng. Cách đây không lâu, Lý Gia Kỳ và tỷ phú Trung Quốc Jack Ma đã thi bán son trên nền tảng livestream. Kết quả cuối cùng là Lý Gia Kỳ hạ gục Jack Ma với tỷ số 1000:10. Ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch tập đoàn Nexttech trong lễ ra mắt học viện livestream NextOn.vn ngày 12/10 đã lý giải về điều này: 'Livestream bán hàng cũng như các nghề nghiệp khác, có 'học' vẫn hơn. Lý Gia Kỳ được đào tạo bài bản có kinh nghiệm dày dặn còn tỷ phú Jack Ma gần như không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này'.

Từ ví dụ trên có thể thấy thành công của việc bán hàng online ở Trung Quốc, trước tiên xuất phát từ những livestreamer được đào tạo bài bản, có kỹ năng, tự biến mình thành chuyên gia để giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.

Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, Tại Việt Nam, Live Stream bán hàng cũng chớm thành trào lưu và hứa hẹn trở thành phương cách làm giàu mới cho bất kỳ ai. Tuy nhiên do phát triển tự phát nên các livestreamer còn thiếu nhiều kỹ năng và kỹ thuật chuyên nghiệp để thành công, thậm chí hình thức này còn bị nhiều "giang hồ mạng" lạm dụng gây ra nhiều hình ảnh không tốt trong thời gian qua. Trong khi đó nếu được trang bị kiến thức, kết hợp với cá tính và cái duyên riêng, hàng vạn người trẻ trên toàn quốc hoàn toàn có thể đổi đời nhờ bán hàng Online thay vì chạy xe công nghệ hoặc các công việc phổ thông khác.

T.T

Chủ đề khác