VnReview
Hà Nội

Đức - hình mẫu chống dịch của châu Âu đã phải phong tỏa nghiêm ngặt vì Covid-19 lan rộng

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thông báo chính thức nước này sẽ bắt đầu phong tỏa và cách ly nghiêm ngặt từ ngày 16/12 để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Dân châu Á ít mắc Covid-19 nhờ miễn dịch tự nhiên tốt hơn?

Theo đó, Đức sẽ đóng cửa tất cả các doanh nghiệp và trường học không thiết yếu từ ngày 16/12/2020 đến hết ngày 10/1/2021. Điều này được xác lập sau khi 16 thống đốc bang đồng ý. Thủ tướng Đức Angela Merkel trong thông báo của mình đã trích dẫn số liệu về số ca tử vong do virus và sự lây lan đáng sợ của virus SARS-CoV-2. Bà cho rằng các cơ quan chức năng của nước này cần phải hành động ngay để ngăn chặn dịch bệnh.

Bà Merkel cho biết các biện pháp hạn chế được áp dụng vào tháng 11 đã không có tác dụng và không giúp số ca nhiễm Covid-19 giảm đi. Đến hiện giờ, cơ quan chức năng cần phải có các hành động mạnh mẽ hơn.

Việc Đức - quốc gia từng được xem là hình mẫu chống dịch tại châu Âu buộc phải đưa ra các lệnh cách ly mới khiến rất nhiều người bất ngờ. Vào tháng 11, quốc gia này đã ra lệnh phong tỏa một phần trong 1 tháng để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Tuy nhiên, thời điểm đó, các trường học và cửa hàng vẫn được mở cửa.

Điều đáng ngại là trong tháng 11, Đức ghi nhận khoảng 14.000 ca nhiễm bệnh mới trong ngày nhưng đến tháng 12 thì quốc gia này ghi nhận khoảng 20.000 - 30.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Đến nay, Đức đã có 1,3 triệu ca nhiễm Covid-19 và gần 22.000 ca tử vong.

Điều này buộc Đức phải đưa ra các lệnh cách ly mới, các trường học trên toàn quốc phải đóng cửa hoặc chuyển sang học tại nhà; các cửa hàng không kinh doanh thực phẩm sẽ bị đóng cửa; các nhà hàng vẫn được phép hoạt động với hình thức giao hàng tận nơi còn việc cho khách hàng ngồi ăn tại chỗ sẽ bị cấm. Ngoại trừ dịp Giáng sinh, số người được phép gặp gỡ trong nhà trong thời gian cách ly mới sẽ bị giới hạn ở con số 5, không bao gồm trẻ em dưới 14 tuổi.

Ngoài ra, việc bắn pháo hoa để mừng năm mới cũng như các cuộc tụ tập ngoài trời đêm giao thừa tại Đức sẽ bị cấm. Thống đốc bang Bavaria Markus Söder cho biết các biện pháp trên là cần thiết đển ngăn số ca mắc và tử vong vì Covid-19 không ngừng tăng cao. Bộ trưởng tài chính Đức Olaf Scholz cho biết chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì đại dịch. Người sử dụng lao động được yêu cầu để nhân viên làm việc tại nhà, nếu có thể trong thời gian cách ly. Các hoạt động tôn giáo vẫn được cho phép hoạt động với điều kiện áp dụng quy tắc cách ly xã hội, đeo khẩu trang. Tuy nhiên, hoạt động ca hát sẽ bị cấm. Nhân viên các viện dưỡng lão được yêu cầu làm xét nghiệm Covid-19 vài lần mỗi tuần và khách đến thăm cũng phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính trước khi được gặp người thân.

Việc Đức phải mạnh tay hơn trong việc phong tỏa được cho là hệ quả của việc người dân có xu hướng chủ quan hơn trong việc phòng dịch. Quốc gia này từng được xem là hình mẫu chống dịch tại châu Âu nhưng khi dịch bệnh dần lắng xuống thì sự chủ quan lại tăng lên bởi người dân cho rằng họ ít bị ảnh hưởng.

Đức từng có các biện pháp phòng dịch 'lỏng tay' hơn vào thời điểm giữa năm nay. Thời điểm đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn ưu tiên mở cửa nền kinh tế và trường học trong giới hạn của hệ thống y tế. Tuy nhiên, việc thuyết phục 16 thống đốc bang đồng lòng với điều này là không dễ dàng. Tuy nhiên, đến hiện tại khi dịch bệnh đã lan rộng ở nước này thì các thống đốc bang và chính quyền liên bang đã đồng thuận về biện pháp phong tỏa quyết liệt.

T.T

Chủ đề khác