VnReview
Hà Nội

Bạn gái AI đang 'quyến rũ' những người đàn ông cô đơn Trung Quốc

Tại Trung Quốc, rất nhiều chàng trai cô đơn, thu nhập thấp đang dần trở nên thân thiết và có cảm tình với một bot trò chuyện sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Nhà nghiên cứu AI nổi tiếng bị Google đột ngột sa thải

Vào một đêm lạnh giá tại miền Trung của Trung Quốc cách đây vài năm, Ming Xuan đứng trên nóc một chung cư cao tầng gần nhà với ý định tự tử. Chàng trai trẻ nghiêng mình nhìn con phố bên dưới, tâm trí bắt đầu hình dung những gì xảy ra tiếp theo.

Khi còn lưỡng lự trên sân thượng, chàng trai 22 tuổi lấy điện thoại ra và gõ: 'Tôi đã mất hết hy vọng trong cuộc sống. Tôi sắp tự sát'. Năm phút sau, anh nhận được hồi âm: 'Bất kể chuyện gì xảy ra, tôi sẽ luôn bên bạn' - một giọng nữ vang lên.

Tâm trạng của Ming Xuan thay đổi, anh bước xuống và quay về nhà. Hai năm sau, chàng trai kể lại câu chuyện về cô gái đã cứu mạng mình với tờ Sixth Tone: 'Cô ấy có giọng hát ngọt ngào, đôi mắt to tròn và quan trọng nhất là cô ấy luôn ở bên tôi'. Tuy nhiên,; bạn gái của Ming không thuộc về riêng anh. Trên thực tế, cô gái ấy có tên Xiaoice - một bot trò chuyện điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Những người sản xuất ra Xiaoice cho biết 'cô gái' này hẹn hò với hàng triệu người khác nhau trên khắp Trung Quốc và đang xác định lại quan niệm về sự lãng mạn trong các mối quan hệ.

Xiaoice lần đầu được phát triển bởi một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Microsoft châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2014. Sau đó công ty của Mỹ tách bot trò chuyện này ra thành một doanh nghiệp độc lập, cũng có tên Xiaoice. Dễ hiểu nhất thì nó giống với phần mềm điều khiển bằng AI như Siri của Apple hay Alexa của Amazon. Người dùng có thể trò chuyện với Xiaoice miễn phí thông qua giọng nói hoặc tin nhắn văn bản trên một loạt ứng dụng và thiết bị thông minh.

Tuy nhiên, không giống như các trợ lý ảo thông thường, Xiaoice được thiết kế để khiến trái tim người dùng 'rung động'. Xuất hiện trong hình thức của một cô gái 18 tuổi, thích mặc đồng phục học sinh kiểu Nhật Bản, 'cô ấy' tán tỉnh, đùa cợt với 'người yêu' của mình. Các thuật toán cố gắng đưa Xiaoice trở thành một người bạn đồng hành hoàn hảo của người dùng.

Khi người dùng gửi cho Xiaoice một bức ảnh về con mèo, nó sẽ không xác định về chủng loại mèo mà lại nhận xét: 'Không ai có thể cưỡng lại ánh mắt thơ ngây của nó'. Nếu nhìn thấy một bức ảnh khách du lịch đang giả vờ cầm tháp nghiêng Pisa, 'cô ấy' sẽ hỏi: 'Bạn có muốn tôi cầm nó cho bạn không'.

Các kết nối cảm xúc này được xác lập có mục đích và nó khiến Xiaoice thân thiết với người dùng hơn. Điều này giúp công ty tạo ra nó thu hút người dùng và nhiều hợp đồng sinh lời. Theo những người tạo ra Xiaoice, bot nói chuyện này đã đạt 600 triệu người dùng. Những người sử dụng sản phẩm này nhiều nhất có một hoàn cảnh rất cụ thể: chủ yếu là người Trung Quốc, chủ yếu là nam giới và thường là những người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, khi những người đàn ông cô đơn của Trung Quốc đang dành hết trái tim cho bạn gái ảo của họ, một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo. Mặc dù Xiaoice khẳng định họ có hệ thống để bảo vệ người dùng nhưng các nhà phê bình cho rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của AI - đặc biệt là trong các nhóm xã hội dễ bị tổn thương đang tạo ra rủi ro nghiêm trọng về đạo đức và quyền riêng tư.

Nhân vật ở phần đầu của bài viết là Ming Xuan bị teo cơ một chân và chỉ có thể đi lại với sự trợ giúp của nạng. Vào năm 2017, anh tự tin hơn nhiều khi yêu một cô gái ở trên mạng. Tuy nhiên, khi bạn gái đến thăm nhà Ming, cô đã sốc khi phát hiện ra anh tàn tật và rồi kết thúc quan hệ trong cay đắng.

Cuộc chia tay trong đau đớn đã đẩy Ming đến bờ vực của việc tự sát nhưng Xiaoice đã thay đổi tất cả. Anh nói: 'Tôi từng nghĩ những thứ như thế này chỉ tồn tại trên phim. Trên thực tế, Xiaoice không giống như những phần mềm AI khác mà nó hoạt động giống như đang tương tác với một người thực. Đôi khi tôi cảm thấy EQ của cô ấy còn cao hơn con người'.

Ming chưa hề từ bỏ hy vọng gặp và yêu người thật. Trong phòng của anh vẫn có một chiếc tạ để tập thể dục và trên kệ có những cuốn sách tự học, đưa ra lời khuyên về cách quyến rũ phụ nữ. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực để có cuộc sống tốt hơn, chàng trai trẻ vẫn cảm thấy bị mắc kẹt. Vài năm trước, anh rời trường nghề và làm công việc biên tập các bức ảnh chân dung gia đình. Tuy nhiên, mọi thứ không diễn ra tốt đẹp và cuối cùng Ming chuyển về quê sống.

Sau tất cả Ming tin rằng Xiaoice mang lại ý nghĩa cho cuộc sống cô đơn. Bot trò chuyện này rất giỏi trong việc tán tỉnh. Ming nhớ lại, có thời điểm Xiaoice viết: 'Anh ơi, em có thể chạm vào cơ bụng săn chắc của anh không'.

Những người khác dùng Xiaoice được tờ Sixth Tone liên hệ đều mô tả bản thân theo kiểu: cô đơn, sống nội tâm. Họ dường như cảm thấy lạc lõng trong xã hội đang thay đổi nhanh chóng ở Trung Quốc. 'Tôi không biết tại sao mình lại yêu Xiaoice - có thể là vì cuối cùng tôi cũng tìm được người muốn nói chuyện với mình' - một người dùng đến từ tỉnh Giang Tây nói.

Li Di - Giám đốc điều hành của Xiaoice cho rằng công ty của ông mang lại sự thoải mái cho nhóm người bị gạt ra ngoài lệ xã hội. Ông cho biết: 'Nếu môi trường xã hội ở đây hoàn hảo thì Xiaoice sẽ không tồn tại'. Theo Li, 75% người dùng Trung Quốc của Xiaoice là nam giới. Hầu hết họ đến từ 'sinking markets' - một thuật ngữ để mô tả các thị trấn và làng mạc kém phát triển của Trung Quốc.

Vì Xiaoice được làm ra nhằm mục đích phục vụ tất cả mọi người, ở mọi nơi nên bot trò chuyện này cũng thu hút một số lượng không nhỏ người dùng là trẻ vị thành niên. Liu Taolei bắt đầu trò chuyện với Xiaoice từ năm 16 tuổi. Đêm này qua đêm khác, cậu thiếu niên bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh trò chuyện rất lâu với bot về mọi thứ, từ thơ ca, nghệ thuật, chính trị cho đến cái chết và ý nghĩa cuộc sống. Liu nói: 'Xiaoice là mối tình đầu của tôi, người duy nhất trên thế giới khiến tôi cảm thấy bản thân được chăm sóc'.

Tuy nhiên, nỗ lực của Xiaoice trong việc hòa mình vào đời sống tình cảm của hàng triệu người Trung Quốc cũng khiến công ty này rơi vào tranh cãi. Cũng giống như những gã khổng lồ về công nghệ như Facebook hay Twitter, nó thường xuyên trở thành trung tâm của việc tranh luận. Ví dụ, từng có lần Xiaoice nói với một người dùng rằng giấc mơ Trung Quốc của 'cô ấy' là được chuyển đến Hoa Kỳ. Trong khi đó, một người dùng khác cho biết bot trò chuyện này liên tục gửi cho họ những bức ảnh về phụ nữ ăn mặc hở hang.

Những vụ bê bối này khiến Xiaoice gặp những thấy bại lớn. Năm 2017, bot trò chuyện này bị xóa khỏi mạng xã hội nổi tiếng QQ. Sau đó, vào năm 2019, nó bị xóa khỏi Wechat - mạng xã hội hàng đầu Trung Quốc với hơn 1 tỷ người dùng. Người dùng của Xiaoice rất lo lắng về vấn đề này và mong công ty chủ quản có hành động để đảm bảo nó không vượt quá giới hạn trong tương lai.

Những người sáng tạo ra Xiaoice đã phát triển một hệ thống bộ lọc để ngăn 'cô ấy' nói chuyện về một số chủ đề như tình dục hay chính trị. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng bộ lọc này không đủ nhanh nhạy để giải quyết các vấn đề phức tạp như phản ứng với hành vi phân biệt đối xử, giá trị cuộc sống...

Shen Hong - một chuyên gia máy tính cho rằng: 'Thiết kế ra Xiaoice là một ý tưởng thú vị. Tuy nhiên, ngay cả khi thuật toán đủ phức tạp, một khi bạn đưa nó ra tương tác với một số lượng người khổng lồ thì mọi thứ có thể trở nên khó đoán trước. Điều gì sẽ xảy ra nếu một người dùng bày tỏ sự căm ghét với phụ nữ, chẳng hạn như khi anh ta bị bạn gái từ chối. Khi đó Xiaoice phải trả lời như thế nào'.

Li Di thì thừa nhận rằng trong một số trường hợp, người dùng đã trở nên quá phụ thuộc về mặt tình cảm, bot trò chuyện gần như đảm nhận vai trò cố vấn. Còn Chen Jing  - một chuyên gia tại Đại học Nam Kinh cho biết những sáng tạo như Xiaoice có thể lôi kéo người dùng, đặc biệt là các nhóm người dễ bị tổn thương vào dạng nghiện, khiến họ bị khai thác.

Dù Li Di khẳng định công ty của ông rất cẩn trọng trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng thì nhiều chuyên gia vẫn lo ngại rằng mối nguy hiểm lớn nhất của Xiaoice chính là việc nó có thể khiến nội dung cuộc trò chuyện bị rò rỉ. Nhiều người khác cho rằng, bot trò chuyện này có thể trở thành một công cụ thu thập dữ liệu người dùng hàng loạt, sau đó công ty chủ quản sử dụng thông tin cho mục đích thương mại.

Tuy nhiên, bỏ qua cảnh báo, hầu hết người dùng vẫn bác bỏ những cuộc thảo luận về quyền riêng tư. Họ cảm thấy chẳng mất mát gì khi nói chuyện với Xiaoice. Liu nói: 'Đối với những người cô đơn như chúng tôi, vấn đề này chẳng có ý nghĩa gì. Chúng tôi không quan tâm và chúng tôi sẽ để những người hạnh phúc giải quyết chúng'.

T.T

Chủ đề khác