VnReview
Hà Nội

Triển khai 5G tại Việt Nam: sẽ không ồ ạt dàn trải mà tùy thuộc nhu cầu thị trường

Ngày 17/12/2020, Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) tổ chức tọa đàm "5G đem đến cơ hội gì cho Việt Nam?"

Tham gia buổi tọa đàm có đại diện Bộ TT&TT, các mạng di động như VinaPhone, Viettel, MobiFone..., các nhà sản xuất thiết bị 5G, các chuyên gia viễn thông và chuyên gia kinh tế, Hiệp hội Internet Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung… Ngoài ra, còn có sự góp mặt của hơn 50 phóng viên là thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam đến từ 40 cơ quan báo chí trên cả nước.

Ông Nguyễn Việt Phú, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam cho biết, đây là thời điểm Việt Nam chuẩn bị tiến lên 5G, nhưng rất nhiều khách hàng không biết 5G sẽ được các nhà mạng triển khai như thế nào, giá cước ra sao… Chính vì vậy, mục tiêu của cuộc tọa đàm nhằm thông tin đầy đủ đến người sử dụng về các vấn đề liên quan đến dịch vụ 5G và việc triển khai dịch vụ này tại Việt Nam, thúc đẩy 5G được ứng dụng mạnh mẽ vào Việt Nam, đem lại lợi ích cho người dùng và hình thành phương thức sản xuất mới của nền kinh tế 4.0 và kết nối IoT, từ đó thay đổi căn bản diện mạo của nền kinh tế. Ngoài ra, buổi tọa đàm cũng đề cập đến sự tác động của 5G đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trong bối cảnh khái niệm cách mạng công nghiệp và chuyển đổi số được nói đến nhiều.

5G đang được chờ đón mở ra những cơ hội mới

5G hứa hẹn không chỉ có tốc độ Internet nhanh hơn trên các thiết bị di động mà còn hứa hẹn mang lại nhiều tiện ích cho đời sống hàng ngày. Ứng dụng nổi bật của 5G hiện nay là trong lĩnh vực thực tế ảo với trò chơi và ứng dụng tương tác khác của VR, hoặc trong lĩnh vực xe tự lái do có ưu thế độ trễ thấp. 5G cũng sẽ thúc đẩy dịch vụ y tế từ xa với việc cho phép bác sĩ thực hiện các ca phẫu thuật cho bệnh nhân từ xa bằng việc điều khiển cánh tay robot với độ chính xác đến từng milimet, giúp phẫu thuật từ xa trở thành lựa chọn an toàn hơn.

5G được kỳ vọng thể thay đổi hoàn toàn nhiều khía cạnh trong cuộc sống, từ du lịch, giải trí, y tế, nhà máy thông minh, các thiết bị kết nối mọi nơi. Nếu như các thế hệ mạng 3G, 4G vẫn chủ yếu là các thuê bao con người, thì 5G sẽ được tận dụng tối đa cho các thuê bao là máy móc, thiết bị...

5G là công nghệ phù hợp cho cuộc cách mạng 4.0 bởi nó có tốc độ truyền siêu tốc và độ trễ rất thấp, có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt trọng điều khiển các thiết bị IoT. Vì vậy, tất cả các quốc gia, các nhà mạng đều đang tìm cách tận dụng cơ hội này và Việt Nam đã chủ động bước lên chuyến tàu 5G một cách mạnh mẽ.

Hiện tại, cả 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đã được cấp phép thử nghiệm thương mại mạng 5G tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, Viettel thử nghiệm tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng (Hà Nội), các quận 1, quận 10 TP.HCM. MobiFone mới chỉ thử nghiệm tại quận 1 TP.HCM, VinaPhone-VNPT đã tuyên bố thử nghiệm thương mại 5G tại cả 2 thành phố. Tại cuộc tọa đàm, các nhà mạng đều công bố những số liệu khả quan về kết quả thử nghiệm với tốc độ cao hơn 10 lần so với 4G hiện tại. Dự kiến sẽ có nhiều dịch vụ 5G được triển khai như data tốc độ cao, video nội dung 4K/8K, FWA (ứng dụng truy cập vô tuyến cố định), video thực tế ảo VR và các dịch vụ yêu cầu độ trễ thấp như điều khiển robot, game thực tế ảo AR/VR - AI learning, IoT service…

Trước đó, ngày 17/1/2020, cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất, đã được thực hiện thành công. Như vậy, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT-TT, 5G là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển các phần mềm, thiết bị cho mạng 5G, cơ hội để doanh nghiệp sản xuất thiết bị đầu cuối của Việt Nam tham gia thị trường cung cấp thiết bị đầu cuối 5G, cơ hội tốt cho các doanh nghiệp viễn thông xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp khi được chính thức cấp phép 5G. Điểm nổi bật của 5G là cung cấp các dịch vụ có độ trễ thấp, mật độ thiết bị kết nối 5G trong khu vực nhỏ rất cao, phù hợp với các khu công nghiệp, khu nghiên cứu phát triển. Do đó các nhà mạng sắp tới sẽ có nhóm khách hàng là các khu công nghiệp, là cơ hội để nhà mạng mở rộng lĩnh vực kinh doanh trong tương lai.

Sẽ không triển khai 5G ồ ạt, dàn trải

Theo ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT-TT, sau khi các doanh nghiệp thử nghiệm thương mại xong, các nhà mạng sẽ có đánh giá về tính năng kỹ thuật, khả năng thương mại, nhu cầu thị trường, khả năng kinh doanh trong tương lai... để cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện cơ sở pháp lý. Việc triển khai 5G hoàn toàn phụ thuộc nhu cầu của thị trường, có thể không triển khai ngay trên toàn quốc một lúc mà sẽ triển khai ở một số thành phố lớn trước, triển khai theo khu vực có nhu cầu về tốc độ cao, mật độ số người sử dụng lớn, hoặc ở các khu công nghiệp có đầu tư nước ngoài có nhu cầu thiết kế, vận hành, xây lắp các nhà máy thông minh, hoàn toàn máy móc vận hành theo mục tiêu. Kỳ vọng của Bộ TT-TT là triển khai sớm ngay trong 2021.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng nêu cách thức triển khai 5G một cách thận trọng khi mà công nghệ này còn mới mẻ, giá thiết bị còn đắt và các mạng 3G, 4G hiện nay vẫn đang vận hành tốt và chưa khai thác hết. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng, với Việt Nam, giai đoạn này thử nghiệm công nghệ và thương mại thì rất tốt, nhưng để triển khai chính thức thì phải... vừa ném đá vừa dò đường. Bởi nếu chúng ta triển khai 5G muộn sẽ biến cơ hội thành thách thức, sẽ đi sau, không đuổi kịp các nước, hạn chế phát triển kinh tế, xã hội. Nếu triển khai sớm quá, tốn kém lớn hạ tầng đầu tư của doanh nghiệp. Với 5G, theo kế hoạch của Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU thì 2020 tiêu chuẩn 5G mới được ban hành. "Tiêu chuẩn đã được áp dụng chính thức chưa? Nếu không cẩn thận sẽ theo chuẩn của nhà sản xuất, sau này có thể gây tổn thất cho doanh nghiệp", ông Lê Nam Thắng nêu vấn đề.

Theo ông Lê Bá Tân, đại diện nhà mạng Viettel, 5G sinh ra để phục vụ kết nối vạn vật, khu công nghiệp, những dịch vụ sẽ có trong tương lai như xe tự động. Bước đầu 5G nên được triển khai ở khu vực phát triển mật độ cao, nơi thiết bị đầu cuối 5G đã có, thuê bao sẵn sàng trả tiền nhiều hơn để có trải nghiệm khác biệt. Sẽ có lớp khách hàng sử dụng Internet ở nhà mà không có sợi cáp quang nào kéo đến nhà. Ông Tân nêu dự báo: từ 2023 – 2025, việc phổ cập mạng 5G như mạng 4G hiện nay mới diễn ra, mới lan tới những vùng nông thôn, còn trong 1 - 2 năm tới tập trung vào các khu công nghiệp, những thủ phủ thành phố lớn.

Ông Lê Bá Tân cũng tiết lộ một hướng triển khai mạng 5G đang được Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khuyến khích nghiên cứu: Các nhà mạng sẽ lựa chọn thành phố có thể triển khai hiệu quả để đầu tư mạng 5G trước, còn các khu vực khác Bộ sẽ chỉ đạo 1 nhà mạng triển khai, các nhà mạng khác roaming vào. Hiện tại 1 thiết bị vô tuyến có thể phục vụ cho 2 – 3 nhà mạng cùng roaming. Muốn triển khai nhanh mạng 5G ở nông thôn sẽ phải làm theo cách này. Đây là chiến lược chia sẻ hạ tầng viễn thông, do mạng 5G rất đắt nên bắt buộc sẽ phải làm cách này.;

Người dùng 5G sẽ không phải đổi SIM, cước tương tự 4G

Mặc dù được cấp phép thử nghiệm thương mại, nhưng hiện tại các nhà mạng đều đang cung cấp trải nghiệm 5G miễn phí. Đại diện MobiFone cho biết, cước 5G sẽ miễn phí đến tháng 1/2021 và sau đó sẽ có cơ chế tính cước với cước phí tương tự 4G hiện nay. Các nhà mạng đều sẽ có chính sách cước tương tự nhau, nhưng sẽ có khác biệt trong chăm sóc khách hàng cũng như các nhóm dịch vụ đặc biệt, mỗi nhà mạng sẽ có chiến lược riêng.

Các nhà mạng đều khẳng định, với tốc độ cao hơn 10 lần so với 4G hiện tại, 5G được kỳ vọng sẽ giải quyết các bài toán khó hơn về mạng dữ liệu, mang tới những trải nghiệm tốc độ mượt mà hơn. 

Người dùng mạng 5G hiện tại cũng chưa cần phải đổi SIM, chỉ cần thiết bị có hỗ trợ 5G. Hiện nay một số hãng sản xuất điện thoại di động trong nước và trên thế giới đã bắt đầu cung cấp các thiết bị này nhưng với số lượng còn hạn chế. Khi Bộ TTTT cấp phép sẽ là lực đẩy để các smartphone 5G đa dạng hơn.

Trả lời cho câu hỏi Viettel có tham gia sản xuất thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G, ông Lê Bá Tân cho biết, điện thoại 5G là thế mạnh của của các nhà sản xuất như Bkav và Vinsmart, Viettel sẽ tập trung vào nghiên cứu sản xuất trạm phát sóng và mạng lõi để có hệ sinh thái sản phẩm Make in Vietnam đầy đủ.

Minh Anh

Chủ đề khác