VnReview
Hà Nội

Những con số chưa kể về chuyến bay thương mại dài nhất thế giới tính tới nay

Những con số chưa bao giờ kể về hành trình di chuyển của chuyến bay thương mại dài nhất thế giới từ New York đến Singapore chắc chắn sẽ khiến bạn không khỏi ngạc nhiên.

Hồi tháng trước, Singapore Airlines đã thực hiện thành công chuyến bay dài nhất theo lịch trình bay trên thế giới. Chuyến bay cực dài này kết nối thẳng giữa sân bay quốc tế John F. Kennedy của New York và sân bay Changi của Singapore. Chuyến bay sử dụng Airbus A350-900 để chở hành khách và hàng hóa giữa hai địa điểm có khoảng cách về mặt địa lý rất xa.

Chính xác chuyến bay đã khởi hành theo hướng đông từ Singapore đến thành phố New York vào Thứ Hai, ngày 9/11. Dưới đây là các chỉ số ấn tượng của chuyến bay này:

16 giờ 58 phút trên không

Theo cơ trưởng Gopala Subramaniam của đội bay A350, chuyến bay từ châu Á đến Bắc Mỹ đã cất cánh trong gần 17 giờ. Nhưng thời gian bay thực tế khác với thuật ngữ thời gian "block time". Nhiều người sẽ tự hỏi tại sao các chuyến bay đến từ các hãng hàng không khác nhau ở cùng một sân bay lại có khoảng thời gian kết thúc hành trình khác nhau. Có thể hiểu tổng thời gian một chuyến bay từ khi di chuyển lên đường băng và đến khi hạ cánh và đi vào bến đỗ được gọi bằng thuật ngữ "block time".

Tổng thời gian này giữa các hãng hàng không sẽ có sự thay đổi ngay cả với các tuyến bay giống nhau. Ví dụ bạn sẽ thấy một số thời gian công bố bay thẳng từ một địa điểm này tới địa điểm khác giữa các hãng có sự khác nhau. Như vậy block time bao gồm thời gian di chuyển ra đường băng, thời gian bay trên không thực tế và thời gian di chuyển đến cổng trả hành khách.

Trong trường hợp này, block time của các chuyến bay từ Singapore đến New York (số hiệu chuyến bay SQ24) chính thức là 18 giờ 5 phút. Con số block time thậm chí còn lâu hơn đối với chuyến bay đi theo hướng khác, cụ thể từ New York đến Singapore là SQ23. Đó là bởi gió thịnh hành hoạt động ngược lại hướng có lợi cho máy bay. Như vậy block time trong trường hợp này là 18 giờ 40 phút, khiến chuyến bay này trở thành chuyến bay dài nhất thế giới hiện tại.

Gần đây, một chuyến bay rời New York đến Singapore vào ngày 11/11 và hạ cánh vào ngày 13/11, có thời gian bay là 17 giờ 31 phút.

Đường bay từ New York đến Singapore có thể dài nhất thế giới vào thời điểm hiện tại nhưng trước đó có một đường bay dài hơn một chút, được tính theo thuật ngữ block time, đó là đường bay của hãng hàng không Newark, bay từ New Jersey đến Singapore.

Block time của chuyến bay đó lên tới 18 giờ 45 phút. James Boyd, phó chủ tịch phụ trách quan hệ công chúng của hãng hàng không Newark cho biết: "Nó đã bị tạm dừng vì COVID-19 nhưng chúng tôi có ý định khởi động lại chuyến bay đó khi điều kiện thị trường cho phép". Vì vậy, chuyến bay đó dù hiện không hoạt động nhưng vẫn có hành trình dài hơn chuyến bay từ Kennedy khoảng 5 phút.

Tuy nhiên, những chuyến bay khởi hành từ New York đến Singapore và ngược lại không phải là những chuyến bay dài nhất từng được thực hiện. Ví dụ, năm ngoái hãng hàng không Qantas đã thử nghiệm ba hành trình trải dài khắp thế giới có tên "Project Sunrise". Chuyến đầu tiên bay từ New York đến Sydney vào tháng 10, chuyến thứ hai bay từ Luân Đôn đến Sydney vào tháng 11 và chuyến thứ ba từ New York vào tháng 12. Mỗi chuyến bay đều kéo dài hơn 19 giờ. Nhưng đại dịch Covid-19 đã làm xáo trộn hoặc ít nhất là làm trì hoãn kế hoạch của Qantas.

16.6 ngàn km

Khoảng cách di chuyển từ Singapore đến sân bay John F. Kennedy, Mỹ dài khoảng 16,63 ngàn km, tức dài gấp 4 lần so với khoảng cách từ New York tới Los Angeles.

Đây là lộ trình di chuyển từ Singapore. Cụ thể máy bay đã đi về phía bắc của Philippines, phía nam của đảo Đài Loan và phía nam của Nhật Bản. Sau đó chuyến bay hướng tới Anchorage, tiểu bang Alaska và tiến về phía bắc Edmonton, Canada. Từ đó máy bay đi chếch xuống về phía bắc Chicago trước khi hạ cánh tại sân bay quốc tế John F. Kennedy.

Tiêu thụ khoảng 108,2 tấn nhiên liệu

Theo cơ trưởng Subramaniam, đó là lượng nhiên liệu mà máy bay đem theo trong hành trình từ Singapore đến New York. Thông thường người ta sẽ đo lượng nhiên liệu theo trọng lượng thay vì thể tích, bởi lẽ thể tích có thể thay đổi theo nhiệt độ. Singapore Airlines đo công suất nhiên liệu bằng hệ thống mét, vì vậy máy bay đã mang khoảng 108,2 tấn nhiên liệu trong khoang.

Tất nhiên, máy bay đốt cháy nhiên liệu khi nó di chuyển. Nhưng với những chuyến bay đường dài như vậy, rõ ràng trọng lượng của máy bay lúc cất cánh nặng hơn đáng kể so với khi hạ cánh.

Trong chuyến bay này, Subramaniam cho biết máy bay tiêu thụ gần 97,5 tấn nhiên liệu, tương đương trọng lượng của hơn 70 chiếc Toyota Corollas. Thời điểm hạ cánh, buồng chứa nhiên liệu vẫn còn khoảng 10,7 tấn nhiên liệu.

Di chuyển với tốc độ bằng 85% tốc độ âm thanh

Tốc độ hành trình của máy bay là Mach 0,85, hay bằng 85% tốc độ âm thanh. Subramaniam cho biết, máy bay Airbus có tốc độ khá nhanh.

Ông tiết lộ, một chiếc Airbus A330 có thể bay với vận tốc Mach 0,82. Airbus A330 là mẫu máy bay thân rộng, hai động cơ. Trong khi đó một chiếc Boeing 777 có thể di chuyển với tốc độ khoảng Mach 0,84. Giống như A350, một chiếc Boeing 787 Dreamliner cũng có thể bay với tốc độ Mach 0,85.

Chuyến bay cần tới 4 phi công

Tất nhiên, Subramaniam không phải là người duy nhất lái máy bay trong suốt 17 giờ. Chuyến bay chở hai tổ bay gồm 2 cơ trưởng và 2 cơ phó. Đội thứ hai là nhóm phi công "cứu trợ". Subramaniam đã lái chiếc máy bay trong 3,5 giờ đầu tiên và sau đó nghỉ ngơi khi cơ trưởng cứu trợ tiếp quản thêm 3,5 giờ nữa. Subramaniam tiết lộ, ông thực sự đã ngủ gật khi đến giờ nghỉ giải lao.

Ảnh minh họa

Cơ trưởng nhớ lại: "Khi máy bay tới gần Đài Loan, tôi đã khá mệt và sẵn sàng đi ngủ". Sau đó, Subramaniam tiếp tục lái thêm 4,5 giờ và nghỉ 4,5 giờ nữa trước khi máy bay hạ cánh.

Subramaniam cũng tiết lộ thêm, ông thường xuyên phải tập động tác nâng bắp chân để giảm thiểu nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu. Ông cho hay, động tác này sẽ giúp lưu thông máu tốt hơn. Động tác nâng cao bắp chân liên quan đến việc nâng gót chân lên khỏi mặt đất và nó không phải là hành động gì đó quá bất thường trên một chuyến bay dài.

Cũng trên hành trình di chuyển tới Bắc Mỹ, phi hành đoàn và hành khách cũng được tận mắt chứng kiến nhiều hiện tượng thú vị trên bầu trời, ví dụ như hiện tượng cực quang phương Bắc.

Tiến Thanh

Chủ đề khác