VnReview
Hà Nội

Một năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới đã thay đổi ra sao?

Đại dịch đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạch đời sống xã hội của chúng ta.

Năm 2020 đã qua đi với dấu ấn đậm nét chính là đại dịch Covid-19, nạn dịch tồi tệ nhất mà con người từng chứng kiến trong vòng 100 năm trở lại. Tính đến giữa tháng 12 năm 2020, Covid-19 đã khiến hơn 75 triệu người mắc bệnh và 1.6 triệu người chết trên toàn cầu. Đại dịch này đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ công việc, học tập cho đến các hoạt động thường nhật như mua đồ tiêu dùng và thậm chí... cả thói quen ăn mặc của con người.

Dưới đây, chúng ta hãy cùng điểm lại một số điều mà Covid-19 đã làm đổi thay cả "bộ mặt" thế giới trong năm qua.

1. Từ vựng mới

Một số từ và cụm từ mới đã được thêm vào từ điển thuật ngữ chung trong năm 2020. Chẳng hạn như cụm từ "giãn cách xã hội" (social distance) - giữ khoảng cách giữa người với người để có thể làm chậm sự lây lan của dịch bệnh nhằm giảm gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Mọi người thậm chí đã trở nên quen thuộc với các thuật ngữ dịch tễ học tương đối khó hiểu như "hệ số lây nhiễm cơ bản" (basic reproduction number) (R0), hay số người trung bình mắc phải vi rút từ một người bị nhiễm ban đầu. Và dĩ nhiên, không thể bỏ qua tên của cơn đại dịch khủng khiếp lần này - Covid-19, một thuật ngữ mới, được Tổ chức Y tế Thế giới chính thức đặt tên vào ngày 11 tháng 2 năm 2020.

2. Thay đổi trang phục

Một món đồ thời trang không thể thiếu của năm 2020 là một mảnh vải nhỏ bao phủ khuôn mặt.

Với việc lượng cung khẩu trang y tế khan hiếm trong giai đoạn đầu năm, những người đam mê may vá bắt đầu tung ra những chiếc khẩu trang handmade cho chính cộng đồng của họ. Sau đó, các công ty thời trang và nhà bán lẻ tham gia xu hướng, thêm khẩu trang vào dòng sản phẩm của mình. Hiện nay, ở hầu như mọi nơi trên thế giới, bạn không thể ra khỏi nhà mà lại không đeo thêm một chiếc khẩu trang.

Thời gian đầu, ở một số quốc gia, khẩu trang vải chưa được chứng thực rõ ràng cho khả năng chống lại Covid-19, nhưng đến nay, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích to lớn của việc đeo khẩu trang đối với cả người đeo và những người xung quanh.

3. Lo lắng và trầm cảm

Đại dịch đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe tâm thần của con người trong năm 2020. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy mức độ lo lắng, trầm cảm và ý nghĩ tự tử đã tăng vọt giữa đại dịch.

Nghiên cứu không thể khẳng định nguyên nhân gia tăng vấn đề sức khỏe tâm thần này, nhưng các yếu tố liên quan đến đại dịch, chẳng hạn như sự cô lập xã hội, trường học và trường đại học đóng cửa, thất nghiệp, những lo lắng tài chính khác, cũng như mối đe dọa của chính căn bệnh này, đã góp phần khiến mọi thứ trở nên tệ hơn.

4. Đại dịch uống rượu

Một tác dụng phụ âm thầm khác của đại dịch là gia tăng lượng tiêu thụ các đồ uống có cồn. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 10 trên tạp chí JAMA Network Open cho thấy mức tiêu thụ rượu ở Mỹ đã tăng 14% trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch.

Theo nghiên cứu, đặc biệt là phụ nữ, có dấu hiệu gia tăng đáng lo ngại mức độ say xỉn trong mùa xuân năm 2020. "Bên cạnh một loạt các mối liên quan tiêu cực về sức khỏe thể chất, việc sử dụng rượu quá mức có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần sẵn có", các tác giả nghiên cứu kết luận.

5. Trạng thái bình thường mới

Khi các cơ sở kinh doanh bắt đầu mở cửa trở lại sau khoảng thời gian thực hiện lệnh đóng cửa, mọi người dân trên toàn thế giới phải điều chỉnh để thích nghi với trạng thái bình thường mới nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các hoạt động hàng ngày. Các doanh nghiệp áp dụng chính sách sử dụng khẩu trang khi làm việc. Các nhà hàng chuyển sang ăn uống ngoài trời. Các phòng chờ trở thành dĩ vãng. Phải đặt chỗ trước để đến phòng gym. Và các cuộc tụ tập hoặc sự kiện lớn bị cấm hoàn toàn ở nhiều khu vực.

Mặc dù không có cách nào để đảm bảo rủi ro mắc Covid-19 bằng không, dẫu vậy các cơ quan chức năng cho biết việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa có thể làm giảm nguy cơ lây lan nguồn bệnh. Tuy nhiên, khi mùa thu bắt đầu, nhiều khu vực lại rơi vào trạng thái phong tỏa do các ca mắc Covid-19 gia tăng.

6. Tin giả ngập tràn

Từ thông tin rằng uống thuốc tẩy có thể tiêu diệt vi rút corona đến giả thuyết rằng vi rút này được tạo ra trong phòng thí nghiệm như một loại vũ khí sinh học, đại dịch Covid-19 đã tạo ra một loạt thông tin sai lệch. Trong một nghiên cứu, được công bố ngày 10 tháng 8 trên Tạp chí Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Mỹ;(American Journal of Tropical Medicine and Hygiene), cho thấy đại dịch đã làm nảy sinh hơn 2.000 tin đồn, thuyết âm mưu và báo cáo về sự phân biệt đối xử.

Những thông tin sai lệch như vậy có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng - các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những tin đồn về Covid-19 có liên quan đến hàng nghìn ca nhập viện và hàng trăm ca tử vong.

"Các cơ quan y tế phải theo dõi thông tin sai lệch liên quan đến Covid-19 theo thời gian thực, thu hút cộng đồng địa phương và các cơ quan chức năng liên quan của chính phủ gỡ bỏ thông tin sai lệch", các tác giả kết luận.

7. Tổ ấm cho thú cưng

Với việc lệnh giới nghiêm ở trong nhà được thực hiện nghiêm ngặt, nhiều người đã quyết định tìm kiếm một người bạn "lông lá" bầu bạn trong khoảng thời gian phải giãn cách xã hội.

Đại dịch Covid-19 hóa ra lại đem đến tin vui cho việc nhận nuôi thú cưng, đặc biệt là những chú chó. Theo The Washington Post, nhiều nhà tạm trú, nhà chăn nuôi và cửa hàng vật nuôi cho biết số lượng đơn đăng ký đối với những chú chó tăng vọt. Một số cơ sở tạm trú báo cáo số lượng nhận nuôi thú cưng tăng gấp đôi so với năm trước và phải áp dụng đến danh sách chờ để giải quyết nhu cầu.

Theo NPR, đây không chỉ là tin tốt cho những vật nuôi cần mái ấm, mà còn cho cả con người khi nhiều nghiên cứu cho thấy những lợi ích đối với sức khỏe tâm thần khi có một thú cưng bên cạnh mỗi ngày.

8. Đóng cửa trường học

Trẻ em dường như ít bị tác động bởi những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của Covid-19, nhưng chúng vẫn có thể là nguồn lây lan dịch bệnh. Vì vậy, nhiều trường học trên khắp thế giới đã quyết định đóng cửa vào năm 2020 và thay vào đó là dạy học trực tuyến. Các câu hỏi xung quanh việc đóng cửa trong bao lâu và làm thế nào để mở lại một cách an toàn là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận. Khi mùa thu đến mà một số trường học vẫn tiếp tục đóng cửa, nhiều trẻ em sẽ bị tụt hậu kiến thức. Các cuộc thăm dò trên toàn các biểu bang tại Mỹ cho thấy gần 9/10 phụ huynh lo lắng về việc con cái của họ bị hổng kiến thức ở trường do đại dịch, theo The Educational Trust.

9. Giảm phát thải môi trường

Việc cách ly để ngăn chặn Covid-19, thứ làm chậm nhịp sống hối hả và nhộn nhịp bình thường của các thành phố, dường như đã làm giảm đáng kể lượng khí thải carbon dioxide trên toàn thế giới. Một nghiên cứu được công bố ngày 19 tháng 5 trên tạp chí Nature Climate Change cho thấy lượng khí thải carbon dioxide hàng ngày trên toàn cầu giảm 17% vào đầu năm 2020, so với năm 2019. Đây được xem là một trong những mức giảm lớn nhất trong lịch sử từng được ghi nhận. Nhưng mức giảm tạm thời này vẫn chưa đủ để xóa bỏ tác hại của biến đổi khí hậu do con người gây ra.

"Mặc dù điều này có khả năng dẫn đến việc cắt giảm lượng khí thải lớn nhất kể từ Thế chiến II, nhưng nó sẽ hầu như không ảnh hưởng đến sự tích tụ liên tục của carbon dioxide trong bầu khí quyển", Richard Betts, Trưởng phòng Nghiên cứu Tác động Khí hậu tại Met Office Trung tâm Hadley nước Anh, cho biết.

10. Vắc xin mới

Việc phát triển một loại vắc xin mới thường mất nhiều năm đến hàng thập kỷ. Nhưng trong một kỳ tích "vô tiền khoáng hậu", các nhà nghiên cứu ở một số quốc gia đã tạo ra vắc-xin cho Covid-19, đưa nó từ phòng thí nghiệm đến giường bệnh chỉ trong vòng chưa đầy 12 tháng. Khi năm 2020 bắt đầu, COVID-19 và vi rút gây ra nó, SARS-CoV-2 còn chưa được khoa học biết đến. Nhưng khi đã xác định được dạng virus, các nhà khoa học đã hành động nhanh chóng để bắt đầu phát triển vắc xin.

Vào giữa tháng 3, các thử nghiệm ban đầu trên người đã bắt đầu và đến cuối mùa hè, vắc-xin đã sẵn sàng cho các thử nghiệm chuyên sâu hơn với hàng nghìn người tham gia. Vào tháng 12, Mỹ đã cho phép ứng dụng hai loại vắc-xin COVID-19, từ Pfizer và Moderna, sau khi các thử nghiệm cho kết quả ấn tượng. Cả hai loại vắc xin đều sử dụng các phân tử được gọi là mRNA để kích thích phản ứng miễn dịch chống lại virus corona, đánh dấu lần đầu tiên loại vắc xin mRNA được phép sử dụng trên người. Các vắc-xin này là một tiến bộ khoa học phi thường.

Giang Vu theo ScienceABC

Chủ đề khác