VnReview
Hà Nội

Vì sao người mua iPhone lại nhận được gạch đá?

Các kẽ hở trong Luật Bưu chính đang "vô tình" tạo cơ hội cho nhiều đối tượng tận dụng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thương mại điện tử.

Sáng 8/1, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức họp báo chuyên đề thông tin kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 dưới sự chỉ đạo của ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực.

"Luật Bưu chính đang có nhiều kẽ hở"

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) khi nhận được các câu hỏi về vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang ngày càng diễn biến phức tạp trên thương mại điện tử (TMĐT).

Theo Phó chánh văn phòng Tổng cục QLTT, việc ngăn chặn, xử lý triệt để hàng giả, hàng nhái hiện nay còn nhiều vướng mắc bởi lực lượng chức năng gặp vấn đề về pháp lý. "Ngay trong Luật Bưu chính đang có một số kẽ hở", ông khẳng định.

Ông cho biết, hiện nay nhiều đối tượng kinh doanh lợi dụng các kênh công ty chuyển phát giao nhận để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thương mại điện tử.

"Luật Bưu chính được ban hành năm 2010, thời điểm đó có thể cơ quan chức năng chưa lường trước được sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử như hiện nay", ông chia sẻ.

Lợi dụng kẽ hở trong quy định của Luật Bưu chính, các đối tượng vận chuyển kinh doanh hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử để trục lợi. Ảnh:;Chí Hùng.

Do vậy, từng câu chữ trong văn bản luật đã vô tình tạo cơ hội để kẻ gian lợi dụng. "Nếu như chúng ta chỉ đổi một câu trong Luật Bưu chính từ 'hàng cấm lưu thông sang hàng không được phép lưu thông' thì lập tức có thể tăng cường pháp lý trong việc xử lý mặt hàng này", ông nêu ví dụ.

Kẽ hở thứ 2 mà ông Minh chỉ ra đó là điều số 29 trong Luật Bưu chính đang gộp nghĩa vụ quyền hạn của các đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông. "Khi gộp nghĩa vụ và quyền hạn này thì hiện nay các doanh nghiệp có thể lý giải đây là quyền của doanh nghiệp trong việc kiểm soát hàng hoá, được mở hàng hoá trước khi dán phiếu gửi lên trên gói hàng".

Ông cho biết đang có sự giới hạn trách nhiệm để không đồng kiểm giữa chủ hàng, đơn vị vận chuyển và người dùng. "Điều đó dẫn đến tình trạng những ngày sale lớn vừa qua có người mua nhận hàng không giống như mô tả, nhiều người nhận được gạch, đá", ông nói.

Sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động chuyển phát nhanh trong khi quy định chưa chặt chẽ khiến nhiều người đang sử dụng dịch vụ này lo ngại sẽ trở thành bị hại, mất mát tài sản khi gửi, nhận hàng. Do đó, theo ông Minh hạ tầng pháp lý cần có sự thay đổi để đưa ra quy định chặt chẽ hơn, cụ thể, rõ ràng về loại hình kinh doanh này.

Ngại kiểm tra vi phạm liên quan đến thương mại điện tử

Ngoài ra, ông cho rằng việc xác định các hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là vấn đề xác định đối tượng, hành vi vi phạm rất khó. "Cán bộ kiểm soát viên của Cục QLTT rất ngại kiểm tra những vụ việc vi phạm liên quan đến thương mại điện tử", ông thừa nhận.

Theo ông, để chứng minh chủ doanh nghiệp thực sự sở hữu website, tên miền vi phạm rất khó khăn. "Nhiều đối tượng khi chúng tôi đến kiểm tra đều chối bay chối biến, nói website không phải của họ mà do đối thủ cạnh tranh xây dựng nên để chơi xấu, cạnh tranh không lành mạnh", ông Minh nói.

Nhiều đối tượng đang ngày càng lợi dụng môi trường thương mại điện tử để kinh doanh thuốc lá điện tử lậu, kém chất lượng. Ảnh: Tổng cục QLTT.

Ngoài ra, theo ông những đối tượng lợi dụng TMĐT để buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin hoặc có đội ngũ kỹ thuật chuyên trách việc này.

Các đối tượng tận dụng mọi thành tựu tiên tiến nhất của công nghệ Internet để kinh doanh các mặt hàng vi phạm như sử dụng công nghệ bán hàng đa kênh, ngồi một nơi nhưng có thể quản lý bán hàng ở nhiều điểm khác nhau; sử dụng thành thạo các công cụ marketing trực tuyến; đầu tư mạnh vào các tiện ích của mạng xã hội để thu hút người mua hàng.

Bên cạnh lợi dụng kênh công ty chuyển phát giao nhận để kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, ông Nguyễn Kỳ Minh còn cho biết hiện nay vấn đề bán hàng xuyên biên giới là một thực trạng cần được quan tâm.

Các sàn giao dịch thương mại điện tử dành cho những người bán hàng nước ngoài đang ngày càng mở rộng. "Nếu chúng ta không có cách kiểm soát tốt thì miếng bánh thị phần kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng bị thu hẹp", ông nêu rõ.

Theo Zing

Chủ đề khác